Thỏa thuận xanh châu Âu: Kinh nghiệm cho Việt Nam và ASEAN

Đại sứ Liên minh châu Âu tại Việt Nam khẳng định EU sẽ tiếp tục đồng hành với Việt Nam cùng thực hiện cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, hành động mạnh mẽ chống biến đổi khí hậu.
Thỏa thuận xanh châu Âu: Kinh nghiệm cho Việt Nam và ASEAN ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Tối 20/4, Cơ quan Phát triển Pháp tại Việt Nam phối hợp với Trung tâm sống và học tập vì môi trường và cộng đồng (Live & Learn) tổ chức Hội thảo với chủ đề "Quá trình chuyển đổi sinh thái của nền kinh tế châu Âu thông qua Thỏa thuận xanh châu Âu: Tác động đối với Việt Nam và ASEAN như thế nào, những kinh nghiệm và ý tưởng?”

Hội thảo được tổ chức với sự hỗ trợ của Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam và diễn ra trực tuyến tại ba điểm cầu: thủ đô Hà Nội, Đà Nẵng và Thừa Thiên-Huế.

Thỏa thuận Xanh châu Âu là một tập hợp các sáng kiến chính sách do Ủy ban châu Âu đưa ra với mục đích làm cho khí hậu châu Âu trở nên trung tính vào năm 2050, tăng mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính của châu Âu vào năm 2030 lên ít nhất 50% và hướng tới 55% so với mức của năm 1990. Quá trình chuyển đổi xanh này sẽ tốn kém về mặt vật chất, đây là thách thức đối với một lục địa nghèo tài nguyên như châu Âu.

Theo ông Giorgio Aliberti, Đại sứ Liên minh châu Âu tại Việt Nam, Việt Nam đã đưa ra cam kết mạnh mẽ, quyết tâm ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, tuần hoàn…

Việt Nam sẽ xây dựng, triển khai các biện pháp bằng nguồn lực của mình cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris để đạt mức cân bằng (phát thải ròng bằng 0) vào năm 2050.

[Việt Nam và EU hợp tác về năng lượng xanh, phát triển bền vững]

Ông Giorgio Aliberti khẳng định Liên minh châu Âu sẽ tiếp tục đồng hành với Việt Nam cùng thực hiện cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, hành động mạnh mẽ chống biến đổi khí hậu; cùng Việt Nam xem xét, triển khai chiến lược ngắn hạn, dài hạn để xây dựng các kế hoạch cụ thể theo lộ trình. Việt Nam cần thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong tương lai, cần có hành xử phù hợp với môi trường, thay đổi nhận thức, tiêu dùng và cách sống xanh.

Chia sẻ về việc triển khai các dự án chống biến đổi khí hậu tại địa phương trên thực tế, ông Cung Trọng Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết qua 3 năm thực hiện Đề án “Ngày Chủ Nhật xanh,” nhiều chương trình, phong trào, cuộc vận động trong toàn dân tại tỉnh Thừa Thiên-Huế được phát động và mang lại hiệu quả cao như các phong trào “Giữ gìn cảnh quan đô thị, thân thiện với môi trường," “Công viên không rác," “Công sở văn minh, sạch đẹp”; “Tổ dân phố không rác," “Thôn, làng, bản không rác," “Góc phố sạch, vỉa hè sạch”...

Các hoạt động đã góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân, hướng đến mục tiêu xây dựng tỉnh Thừa Thiên-Huế theo hướng đô thị “Di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường."

Thời gian tới, tỉnh Thừa Thiên-Huế sẽ đưa đề án “Xe đạp vào giao thông công cộng” trong tháng 5/2020, hợp tác với Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) về phát triển kinh tế tuần hoàn, đô thị giảm nhựa trong năm 2024.

Đặc biệt, hưởng ứng Tuần lễ môi trường và giao thông xanh sắp tới, tỉnh sẽ mời Đại sứ Đan Mạch tham gia đạp xe vì môi trường, nhằm góp phần làm thay đổi nhận thức, hành động của người dân trong việc xây dựng tư duy “sống xanh” và bảo vệ môi trường.

Đồng thời, tỉnh cũng rất quan tâm đến việc tăng độ che phủ rừng, điều chỉnh mô hình kinh tế lấy giá trị con người và thiên nhiên làm thước đo sau đại dịch COVID-19.

Tại hội thảo, các chuyên gia đã trao đổi, thảo luận một số nội dung khác như ảnh hưởng của Thỏa thuận Xanh đến quan hệ kinh tế giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam, ASEAN; các chương trình hướng dẫn, chuyển giao công nghệ xanh và hỗ trợ doanh nghiệp xanh tại Việt Nam của các hiệp hội, doanh nghiệp châu Âu...

Đồng thời, các chuyên gia cũng chia sẻ kinh nghiệm từ các nước châu Âu về vấn đề đào tạo nguồn nhân lực mới đáp ứng mục tiêu không làm tăng tổng lượng khí thải nhà kính vào khí quyển (Net Zero) vào năm 2050 của Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục