Thủ tướng Nhật yêu cầu bỏ nhà máy Fukushima 1

Hãng tin Kyodo ngày 31/3 dẫn lời Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan cho rằng nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 nên bị phá hủy.
Hãng tin Kyodo ngày 31/3 dẫn lời Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan nói rằng nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1, tâm điểm của sự cố hạt nhân tồi tệ nhất thế giới kể từ sau vụ Chernobyl năm 1986, phải bị hủy bỏ.

Phát biểu với Chủ tịch Đảng Cộng sản Nhật Bản (JCP), ông Kazuo Shii, Thủ tướng Kan cho rằng nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 nên bị phá hủy. Ông cũng khẳng định sẽ nghiên cứu kỹ đống đổ nát của nhà máy điện hạt nhân hiện hành để xây dựng thêm các nhà máy điện hạt nhân cho tới năm 2030.

Sau gần 3 tuần kể từ khi xảy ra thảm hoạ, sự cố tại nhà máy điện Fukushima số 1 vẫn chưa thể giải quyết và tình trạng rò rỉ phóng xạ tại các lò phản ứng của nhà máy này vẫn tiếp tục xảy ra.

Trong diễn biến khác, người đứng đầu Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (SDF), Tướng Ryoichi Oriki cùng ngày cho biết 140 thành viên trong đội kiểm soát phóng xạ của quân đội Mỹ sẽ sớm tới Nhật Bản nhằm hỗ trợ giải quyết sự cố hạt nhân của nước này.

Nguồn tin cảnh sát cho biết hiện có tới 1.000 thi thể nạn nhân trong trận động đất mạnh 9 độ Richter kèm theo sóng thần hôm 11/3 vừa qua ở Nhật Bản vẫn chưa được giới chức nước này thu nhặt do lo ngại phóng xạ. Những thi thể này nằm trong bán kính sơ tán 20km xung quanh nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1.

Trước đó, ngày 30/3, Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) Banri Kaieda đã chỉ thị cho tất cả các công ty điện lực phải thực hiện những biện pháp khẩn cấp đảm bảo an toàn cho các nhà máy điện hạt nhân. Việc làm này nhằm phòng ngừa thảm họa hạt nhân ngay cả trong trường hợp mất nguồn điện dự phòng như nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1.

Ông Kaieda đã yêu cầu các công ty điện lực phải kiểm tra khẩn cấp đối sách đối phó với sóng thần, đảm bảo khả năng làm nguội lò phản ứng trong mọi tình huống và phải báo cáo thực trạng thực hiện lên Cơ quan an toàn điện hạt nhân vào giữa tháng Tư tới.

Đối tượng kiểm tra là 45 lò phản ứng hạt nhân, trong đó có cả các lò đang ngừng vận hành. Trước mắt, các công ty điện lực cần đảm bảo có xe phát điện dự phòng cho hệ thống làm mát lò phản ứng và bể chứa nhiên liệu đã qua sử dụng, đảm bảo triển khai nhanh xe cứu hỏa cấp nước làm mát, lắp đặt hệ thống vòi cứu hỏa…

Về trung và dài hạn, các công ty điện lực sẽ phải thực hiện các biện pháp cơ bản như xây đê chắn sóng và cửa ngăn nước.

Tại thị trường chứng khoán Tokyo, hành động bán tháo cổ phiếu của Công ty điện lực Tokyo (TEPCO) vẫn tiếp diễn. Giá cổ phiếu TEPCO giảm liên tiếp 6 ngày qua và đã “chọc thủng” ngưỡng 500 yen. Giá cổ phiếu TEPCO ngày 30/3 chỉ còn 466 yen/cổ phiếu, mức thấp nhất kể từ năm 1962.

TEPCO đang phải đối mặt với các nhiệm vụ vô cùng khó khăn nhằm giải quyết thảm họa lịch sử trong ngành điện hạt nhân Nhật Bản. Hiện trong Chính phủ Nhật Bản có nhiều ý kiến yêu cầu quốc hữu hóa TEPCO./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục