Thừa Thiên-Huế xây dựng đô thị giảm thiểu rác thải nhựa

Huế đang hướng tới trở thành thành phố thông minh, vì vậy, yếu tố công nghệ, đặc biệt là công nghệ trong quản lý rác thải sẽ là chìa khóa quan trọng để xây dựng địa phương trở thành đô thị giảm nhựa.
Thừa Thiên-Huế xây dựng đô thị giảm thiểu rác thải nhựa ảnh 1Nghi thức bấm nút phát động cuộc thi. (Ảnh: Mai Trang/TTXVN)

Thành phố Huế cùng với toàn tỉnh Thừa Thiên-Huế đang phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.

Song hành với đó, thành phố Huế cùng với Dự án Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam đang nỗ lực thực hiện nhiều hoạt động để phấn đấu đến hết năm 2024 thành phố Huế sẽ giảm 30% lượng rác thải nhựa thất thoát ra môi trường.

Để thực hiện mục tiêu trên, ngày 23/2, Ban quản lý Dự án Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam phối hợp với Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh phát động cuộc thi "Sáng kiến giảm thiểu rác thải nhựa - Huế 2023” với thông điệp nỗ lực vì đô thị giảm nhựa Huế.

Cuộc thi mong muốn tìm kiếm và hỗ trợ các dự án với các mô hình/đề xuất/ý tưởng cụ thể liên quan đến một trong hai nội dung sau: (1) Các giải pháp 3T (Tiết giảm, Tái sử dụng và Tái chế) nhằm giảm thiểu, xử lý và quản lý tốt hơn vấn đề rác thải nhựa tại thành phố Huế; (2) Nâng cấp, tối ưu hóa giá trị của rác thải nhựa thành các sản phẩm thân thiện với môi trường.

[Giảm thiểu rác thải nhựa để phát triển du lịch Việt Nam bền vững]

Theo bà Hoàng Ngọc Tường Vân, đại diện Ban quản lý Dự án Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam, Huế đang hướng tới trở thành một thành phố thông minh. Vì vậy, yếu tố công nghệ, đặc biệt là công nghệ trong quản lý rác thải sẽ là chìa khóa quan trọng để xây dựng địa phương trở thành đô thị giảm nhựa.

Đơn vị đang nỗ lực cùng địa phương thực hiện nhiều hoạt động thiết thực; phấn đấu đến hết năm 2024, thành phố Huế giảm 30% lượng rác thải nhựa thất thoát ra môi trường.

Bà Hoàng Ngọc Tường Vân cho biết thêm Ban tổ chức hy vọng các giải pháp, sáng kiến từ cuộc thi sẽ giúp tăng cường hoạt động tái chế, giảm thiểu rác thải nhựa cũng như hoàn thiện hệ thống quản lý dựa vào phân loại rác tại nguồn của thành phố Huế. Đây là bước đệm để các cá nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp được ươm mầm từ các sáng kiến thành giải pháp ứng dụng; đồng thời, cùng chung tay giảm tối đa lượng rác nhựa thải ra ngoài môi trường.

Cuộc thi “Sáng kiến giảm thiểu rác thải nhựa - Huế 2023” gồm 3 vòng đánh giá để lựa chọn ra các mô hình giảm thiểu rác thải nhựa phù hợp với mục tiêu cuộc thi và có khả năng áp dụng được cho địa phương.

Đối tượng dự thi là các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp khởi nghiệp trên toàn quốc.

Thừa Thiên-Huế xây dựng đô thị giảm thiểu rác thải nhựa ảnh 2Các sản phẩm trưng bày, dự thi cuộc thi "Sáng kiến giảm thiểu rác thải nhựa - Huế 2023." (Ảnh: Mai Trang/TTXVN)

Theo thể lệ, 10 đội dự thi sẽ được lựa chọn vào vòng bán kết, được tham gia đào tạo hai chuyên đề: mô hình quản lý, vận hành dự án và quản lý tài chính dự án.

Các đội chiến thắng tiếp tục được các chuyên gia tư vấn, hỗ trợ để hoàn thiện phương án vận hành và quản lý mô hình.

Vòng chung kết dự kiến tổ chức tại thành phố Huế vào tháng 5/2023. Ban Giám khảo sẽ lựa chọn từ 4-7 dự án, tùy theo quy mô để nhận tài trợ với mức kinh phí tối đa để triển khai khoảng 500 triệu đồng cho mỗi dự án.

Bí thư Thành ủy thành phố Huế Phan Thiên Định đánh giá cao ý nghĩa của cuộc thi hướng đến mục tiêu giảm rác thải nhựa cho thành phố Huế.

Thời gian tới, địa phương sẽ xem hoạt động này như một nhiệm vụ chính trị để tuyên truyền sâu rộng đến toàn dân, hướng đến thay đổi nhận thức ứng xử của người dân và là thông điệp quảng bá cho hình ảnh thành phố Huế - đô thị giảm thiểu sử dụng rác thải nhựa.

Theo thống kê từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm, tại Việt Nam, khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường; 0,28-0,73 triệu tấn trong số đó bị thải ra biển (chiếm gần 6% tổng lượng rác thải nhựa xả ra biển của thế giới) nhưng chỉ 27% trong số đó được tái chế, tận dụng.

Việc bảo vệ môi trường phải được phân cấp đến các địa phương. Do đó, vai trò của các đơn vị, địa phương trong việc vận động, thu gom cần được làm thường xuyên, xuyên suốt.

Việc đầu tư hạ tầng với công nghệ tiên tiến xử lý rác thải sinh hoạt nói chung, rác thải nhựa nói riêng để bảo vệ môi trường cũng cần được quan tâm, chú trọng; nuôi trồng thủy sản nên theo hướng công nghệ cao, thân thiện môi trường theo định hướng của kinh tế biển xanh nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục