Thúc đẩy hơn nữa hợp tác ASEAN và ASEAN +3 ứng phó dịch COVID-19

Các nhà lãnh đạo đã cùng nhau đề ra các biện pháp, sáng kiến cụ thể, thúc đẩy hơn nữa hợp tác phòng chống dịch bệnh đồng thời bảo đảm sự phát triển năng động, bền vững của khu vực về dài hạn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 phát biểu. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 phát biểu. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, ngày 14/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN và Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN+3 (Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) về ứng phó dịch bệnh COVID-19 bằng hình thức họp trực tuyến.

Các nhà lãnh đạo đã cùng nhau đề ra các biện pháp, sáng kiến cụ thể, thúc đẩy hơn nữa hợp tác phòng chống dịch bệnh đồng thời bảo đảm sự phát triển năng động, bền vững của khu vực về dài hạn.

Nâng cao khả năng sẵn sàng ứng phó dịch bệnh ở cấp quốc gia và khu vực

Sáng 14/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, đã chủ trì Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN về ứng phó dịch bệnh COVID-19 với sự tham dự đầy đủ của Lãnh đạo 10 nước thành viên ASEAN.

Kết thúc Hội nghị, các Nhà Lãnh đạo thông qua Tuyên bố của Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN về ứng phó dịch bệnh COVID-19.

Theo đó, các nước thành viên quyết tâm tăng cường hơn nữa các biện pháp hợp tác y tế công cộng nhằm kiểm soát đại dịch, bảo vệ người dân, gồm trao đổi kịp thời, minh bạch thông tin về tình hình thực tại, các biện pháp ứng phó đại dịch của các quốc gia thành viên; chia sẻ kinh nghiệm và thực tiễn tốt trong nghiên cứu, phát triển dịch tễ học, điều trị lâm sàng, nghiên cứu, phát triển vắcxin và thuốc chống virus; nâng cao năng lực hệ thống y tế công cộng của các quốc gia thành viên ASEAN, đồng thời bảo đảm an toàn cho các nhân viên y tế công cộng.

Cùng với đó, tăng cường hợp tác nhằm cung ứng đầy đủ thuốc điều trị, vật tư, trang thiết bị y tế thiết yếu, bao gồm công cụ chẩn đoán, thiết bị bảo hộ cá nhân... khuyến khích thành lập Kho dự trữ vật tư y tế của khu vực, cũng như tận dụng các kho dự trữ liên quan của ASEAN nhằm hỗ trợ nhu cầu của các quốc gia thành viên ASEAN trong các tình huống y tế công cộng khẩn cấp.

Các nước cũng nhất trí nâng cao khả năng sẵn sàng ứng phó dịch bệnh ở cấp quốc gia và khu vực, bao gồm thành lập Mạng lưới các chuyên gia về y tế về các tình huống y tế công cộng khẩn cấp thời gian tới, tăng cường năng lực của các mạng lưới ứng phó các tình huống khẩn cấp sẵn có của ASEAN, như Mạng lưới Trung tâm vận hành trong tình huống khẩn cấp ASEAN, Trung tâm đánh giá và trao đổi thông tin về rủi ro ASEAN, Trung tâm ảo BioDiaspora của ASEAN (ABVC) và Trung tâm điều phối ASEAN về ứng phó thảm họa và cứu trợ nhân đạo (AHA), nhằm chuẩn bị cho các tình huống y tế công cộng khẩn cấp trong tương lai.

Đồng thời, ưu tiên an sinh của người dân trong nỗ lực tập thể của ASEAN phòng chống dịch COVID-19, cung cấp sự hỗ trợ cần thiết cho công dân của các quốc gia thành viên ASEAN bị ảnh hưởng bởi đại dịch tại các quốc gia thành viên hoặc nước thứ ba; tăng cường truyền thông đại chúng hiệu quả, minh bạch bằng nhiều hình thức, gồm cập nhật kịp thời chính sách của các nước, các thông tin về sức khỏe cộng đồng và an toàn, đính chính các thông tin sai lệch; nỗ lực giảm kỳ thị và phân biệt đối xử.

[Tuyên bố của Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN+3 về ứng phó COVID-19]

Các thành viên ASEAN khẳng định lại cam kết trong hành động và phối hợp chính sách để giảm thiểu các tác động kinh tế-xã hội do đại dịch, bảo đảm an sinh của người dân, duy trì ổn định kinh tế-xã hội; trong đó, duy trì cam kết mở cửa thị trường ASEAN cho thương mại và đầu tư, tăng cường hợp tác giữa các quốc gia thành viên ASEAN và với các đối tác của ASEAN với mục đích bảo đảm an ninh lương thực, tận dụng hiệu quả Quỹ dự trữ gạo khẩn cấp ASEAN+3 (APTERR) và tăng cường khả năng phục hồi, sự phát triển bền vững của chuỗi cung ứng khu vực, nhất là thực phẩm, hàng hóa, thuốc men, vật tư y tế và các vật dụng cần thiết khác; khuyến khích xây dựng kế hoạch phục hồi sau đại dịch để chia sẻ các bài học kinh nghiệm, khôi phục kết nối ASEAN, ngành du lịch, hoạt động kinh doanh và hoạt động xã hội thường ngày của ASEAN, ngăn chặn khả năng suy thoái kinh tế.

Các nước ASEAN +3 đoàn kết, tương trợ, ứng phó dịch COVID-19

Tiếp theo Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN, chiều 14/4 đã diễn ra Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN+3 về ứng phó với dịch bệnh COVID-19. Trên cương vị Chủ tịch ASEAN, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị với sự tham dự của lãnh đạo 10 nước ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Hội nghị còn có sự tham dự của Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) với tư cách khách mời. Kết thúc Hội nghị, các nhà Lãnh đạo ra Tuyên bố của Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN+3 về dịch bệnh COVID-19.

Theo Tuyên bố này, các nước thành viên ASEAN+3 quyết tâm tăng cường hệ thống cảnh báo sớm trong khu vực về đại dịch và các bệnh dịch khác cũng như trao đổi thông tin thường xuyên, kịp thời, minh bạch về tình hình thực tế và các biện pháp triển khai của mỗi quốc gia trong việc chống lại COVID-19; chia sẻ kinh nghiệm và thực tiễn tốt nhất, mở rộng hỗ trợ kỹ thuật lẫn nhau trong phòng ngừa, ngăn chặn, kiểm soát lây lan cũng như điều trị lâm sàng các trường hợp nhiễm bệnh.

Đồng thời, ủng hộ ứng phó mạnh mẽ và phối hợp chung trong kiểm soát, điều trị nhằm tận dụng các nỗ lực triển khai các biện pháp ngăn chặn COVID-19 hiệu quả, phù hợp và thích hợp đối với mức độ nghiêm trọng và tình hình diễn biến tiếp theo của dịch bệnh tại các nước thành viên và trong khu vực.

Các quốc gia và khu vực nâng cao năng lực nhằm sẵn sàng ứng phó với đại dịch, bao gồm bảo vệ các cán bộ, nhân viên y tế ở tuyến đầu và cung cấp đầy đủ thuốc men, vật tư y tế, đặc biệt là các dụng cụ chẩn đoán, thiết bị bảo vệ cá nhân, thiết bị y tế, tuân thủ các mục tiêu về hiệu quả, an toàn và khả năng tiếp cận.

Đặc biệt, xem xét thành lập một kho dự phòng các vật tư y tế thiết yếu trong ASEAN+3 nhằm ứng phó nhanh chóng trước các nhu cầu khẩn cấp; trong đó khuyến khích sử dụng các kho dự phòng khẩn cấp hiện có trong khu vực bao gồm các kho do Trung tâm Điều phối ASEAN về Hỗ trợ nhân đạo và Quản lý thảm họa (AHA) quản lý, cân nhắc sử dụng Kho Dự trữ Gạo Khẩn cấp ASEAN+3 (APTERR).

Các quốc gia ASEAN +3 ủng hộ nỗ lực khu vực chung của kênh hợp tác y tế ASEAN+3 và ASEAN nhằm nâng cao năng lực phòng ngừa, phát hiện, ứng phó với các mối đe dọa y tế công cộng; tăng cường hợp tác khoa học về nghiên cứu dịch tễ học; phối hợp, bao gồm với khu vực tư nhân, nhằm nhanh chóng nghiên cứu, phát triển, sản xuất, phân phối các loại thuốc chẩn đoán và vắc-xin chống vi-rút; thúc đẩy các biện pháp ứng phó dựa trên nghiên cứu khoa học nhằm chống lại COVID-19.

Các nước khuyến khích ủng hộ, hỗ trợ lẫn nhau giữa các nước ASEAN và các nước +3 trong việc phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng lực cho ngành y tế công cộng; nỗ lực đảm bảo đủ tài chính để ngăn chặn đại dịch, bảo vệ người dân, bao gồm đề xuất thành lập Quỹ Ứng phó ASEAN cho các trường hợp y tế công cộng khẩn cấp; tăng cường hợp tác nhằm hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời công dân ASEAN+3, đặc biệt là nhóm đang chịu tổn thương nhất, đang sinh sống, làm việc, học tập tại các nước, đảm bảo phẩm giá, sức khỏe, cuộc sống, an toàn và điều trị công bằng, hiệu quả cho những người bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, cũng như hỗ trợ sự di chuyển của người dân khi thích hợp.

Các quốc gia ASEAN+3 tái khẳng định cam kết mở cửa thị trường đối với thương mại và đầu tư, tăng cường hợp tác giữa các nước ASEAN+3 nhằm đảm bảo an ninh lương thực, tăng cường khả năng phục hồi và tính bền vững của chuỗi cung ứng khu vực, đặc biệt là các hàng hóa thiết yếu; tăng cường các nỗ lực chung về phục hồi sau đại dịch, kích thích phát triển kinh tế và tự cường tài chính, phục hồi tăng trưởng, kết nối và du lịch, duy trì ổn định thị trường và phòng ngừa những rủi ro tiềm tàng của suy thoái kinh tế; triển khai các biện pháp thích hợp, cần thiết để thúc đẩy niềm tin thị trường để cải thiện sự ổn định và khả năng tự cường của nền kinh tế khu vực một cách có ưu tiên và phối hợp, bao gồm thông qua kích thích kinh tế, để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) và nhóm dễ bị tổn thương. Cùng với đó, tăng cường nỗ lực ổn định sản xuất, cung cấp các hàng hóa, dịch vụ cần thiết, bao gồm trang thiết bị y tế thiết yếu, các sản phẩm nông nghiệp quan trọng, duy trì sự lưu thông cần thiết hàng hóa, dịch vụ...

Các nước cam kết hợp tác chặt chẽ với WHO, các tổ chức liên quan và cộng đồng quốc tế cũng như khuyến khích quan hệ đối tác công tư (PPP) và toàn xã hội trong cuộc chiến toàn cầu chống lại đại dịch, đồng thời giải quyết các hậu quả kinh tế và xã hội sâu sắc của COVID-19, bảo vệ đời sống người dân, bảo đảm duy trì tăng trưởng; duy trì đoàn kết, cảnh giác cao độ và sẵn sàng hành động nếu cần thiết./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục