Tiêu thụ giảm, doanh nghiệp thép lo đội chi phí do việc tăng giá điện

Trong hai tháng cuối năm, các doanh nghiệp ngành thép phải đối diện với nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất-kinh doanh khi chi phí nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu, giá điện tăng... 

Doanh nghiệp thép tối giản mọi chi phí, tăng hiệu quả sản xuất-kinh doanh. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Doanh nghiệp thép tối giản mọi chi phí, tăng hiệu quả sản xuất-kinh doanh. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Việc giá điện tăng kéo theo chi phí sản xuất của hầu hết các mặt hàng sử dụng nhiều năng lượng như xi măng, sắt, thép… tăng theo. Mặc dù việc điều chỉnh giá điện có thể được tính vào giá thành sản phẩm nhưng nhiều doanh nghiệp lo ngại việc tăng giá trong bối cảnh sức mua giảm sút sẽ khiến tiêu thụ đã khó lại càng thêm khó, đẩy hàng tồn kho lên cao, tác động tiêu cực đến kết quả sản xuất-kinh doanh trong cả năm 2023.

Áp lực tăng chi phí sản xuất

Ngày 9/11, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đưa ra thông báo giá bán lẻ điện bình quân tăng thêm 4,5%. Theo đó, kể từ ngày 9/11, giá điện bán lẻ bình quân thêm hơn 86,4168 đồng/kWh, từ 1.920,3732 đồng/kWh lên 2.006,79 đồng/kWh, chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng. Với lần tăng giá điện này, cộng với mức tăng giá hơn 55,9 đồng/kWh (tăng 3%) của lần 1 (ngày 4/5/2023), giá điện bán lẻ đã tăng thêm hơn 142,35 đồng/kWh từ đầu năm.

Theo đại diện Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSteel), đợt tăng giá điện đầu tiên trong năm đã gây ảnh hưởng lên một số ngành sản xuất sử dụng nhiều điện như: Xi măng, hóa chất, giấy và thép…

Với ngành thép, điện được xem là một trong những chỉ tiêu tiêu hao năng lượng chính trong quá trình sản xuất, đặc biệt ở công đoạn luyện thép bằng lò điện (chi phí điện chiếm 7-8% trong sản xuất thép). Vì vậy, mỗi khi giá điện tăng, VNSteel và các doanh nghiệp trong ngành đều phải đối mặt với áp lực tăng chi phí sản xuất. Ngoài ra, khi giá điện tăng thường kéo theo các chi phí đầu vào khác tăng theo, điều này chắc chắn sẽ tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất-kinh doanh của các doanh nghiệp.

Theo tính toán của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về lần điều chỉnh giá điện 5% từ ngày 9/11, với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh dịch vụ, tác động của việc điều chỉnh giá điện tùy thuộc vào hành vi sử dụng điện của khách hàng và tỷ lệ sử dụng điện trong tổng chi phí giá thành của doanh nghiệp.

Cụ thể, khách hàng kinh doanh dịch vụ (có 547.000 khách hàng), sau khi thay đổi giá, trung bình mỗi tháng sẽ trả thêm tiền điện là 230.000 đồng/tháng; khách hàng sản xuất (có hơn 1,9 triệu khách hàng), trung bình mỗi tháng sẽ trả thêm tiền điện là 432.000 đồng/tháng...

Tuy vậy, ông Phạm Công Thảo, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thép Việt Nam cho hay tăng giá điện trong bối cảnh đặc biệt khó khăn, đó là khi thị trường thép đang suy yếu, đã trở thành một bài toán thực sự đau đầu của ngành này.

img_3016.jpg
Việc điều chỉnh giá điện khiến nhiều doanh nghiệp gia tăng chi phí. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Dẫn số liệu thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), sản lượng tiêu thụ thép xây dựng của Việt Nam trong 9 tháng năm 2023 đạt 7,7 triệu tấn, giảm gần 20% so với cùng kỳ, theo ông Phạm Công Thảo, do thị trường suy giảm về nhu cầu, giá bán biến động với xu hướng giảm chủ đạo nên các doanh nghiệp ngành thép đã và đang phải chịu rất nhiều áp lực về hiệu quả, thị phần, quy mô sản xuất…

“Những thay đổi theo chiều hướng đi xuống này tính đến cuối năm vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện. Như vậy, việc tăng giá điện lần này sẽ lại tiếp tục gia tăng nỗi lo cho VNSteel và các doanh nghiệp khác trong ngành,” ông Phạm Công Thảo thông tin.

Đại diện Công ty Thép Việt Úc cho biết do bức tranh bất động sản và xây dựng vẫn chưa khởi sắc đã tác động khá mạnh tới tiêu thụ thép trong năm 2023, dự kiến mức giảm từ 15-20% tùy từng đơn vị.

Bên cạnh đó, áp lực tăng giá điện cũng làm ảnh hưởng tới chi phí đầu vào nên các doanh nghiệp cũng đẩy mạnh nhiều giải pháp để tối ưu hóa các quy trình sản xuất-kinh doanh.

Linh hoạt thích ứng

Thống kê cho thấy đến năm 2019 là đỉnh của nhu cầu với mức tiêu thụ thép biểu kiến đạt trên 24 triệu tấn, nhưng khi đại dịch COVID-19, suy thoái kinh tế, cùng với việc thắt chặt tín dụng, bất động sản… đã tác động đến ngành.

Tính riêng tháng 10/2023, toàn hệ thống VNSTEEL đạt sản lượng bán hàng trên 212.000 tấn, tiêu thụ giảm 21% so với tháng trước, trong đó, thép xây dựng đóng góp trên 145.000 tấn, giảm 29% so với tháng 9/2023… Lũy kế 10 tháng năm 2023, tiêu thụ thép thành phẩm đạt trên 2,28 triệu tấn các loại; trong đó thép xây dựng đạt trên 1,67 triệu tấn, bằng 74% cùng kỳ năm 2022, thép dẹt đạt trên 0,61 triệu tấn, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2022.

Đối với ngành thép, hai tháng cuối năm vẫn còn đối diện với nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh khi các mặt hàng nguyên liệu tiềm ẩn nhiều nguy cơ tăng giá, rủi ro về tỷ giá tạo sức ép lên chi phí nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu, giá điện tăng... Trước thực tế hiện nay, ông Phạm Công Thảo cho biết Tổng Công ty Thép Việt Nam đã chỉ đạo các doanh nghiệp trong hệ thống tiết giảm tối đa các chi phí đầu vào nhằm giảm thiểu tác động của việc tăng giá điện.

Bên cạnh đó, áp dụng các giải pháp tiết kiệm điện và sử dụng năng lượng hiệu quả, như sản xuất trong giờ thấp điểm, tăng cường phun than và thổi oxy trong quá trình luyện thép để giảm tiêu hao năng lượng tổng thể, tận dụng nhiệt dư trong quá trình luyện thép để tái sử dụng và nhiều biện pháp khác.

Tuy vậy, về vĩ mô, đối với Chính phủ và các cơ quan quản lý, VNSteel đề xuất các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhằm giảm chi phí như hạ lãi suất, ổn định tỷ giá, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, gia tăng nhu cầu tiêu thụ, tăng tốc độ giải ngân đầu tư công và tháo gỡ thị trường bất động sản. Trong dài hạn, cần tăng cường nguồn cung điện, hạ giá thành sản xuất điện, tiến tới phát triển sản xuất điện Xanh để phù hợp với lộ trình Chuyển đổi Xanh đã đặt ra.

thephphat.jpg
Doanh nghiệp thép đang triển khai lắp đặt các công trình theo đơn đặt hàng. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Đối với ngành thép, VNSteel mong muốn sự chia sẻ, hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa các doanh nghiệp, cùng nhau xây dựng các phương thức phát triển ngành thép hiệu quả, giảm thiểu các rào cản trong sản xuất và kinh doanh, tìm kiếm các giải pháp nâng cao hiệu suất năng suất, cải thiện chất lượng sản phẩm và tìm kiếm các nguồn cung ứng nguyên liệu và thị trường tiêu thụ mới

Như vậy, về tổng thể để cân bằng giữa lợi ích của doanh nghiệp trước sự thay đổi về giá điện cần có sự kết hợp từ nhiều phía, trong đó bao gồm sự linh hoạt thích ứng của doanh nghiệp và sự hỗ trợ về chính sách của Chính phủ trong tìm kiếm các giải pháp tiết kiệm năng lượng.

“Dưới góc độ là doanh nghiệp nhà nước, đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu ngành, VNSteel nhấn mạnh cần có những ưu tiên hơn nữa tạo điều kiện để ngành thép phục hồi, tăng trưởng trở lại, từ đó góp phần vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nói chung và ổn định an ninh năng lượng nói riêng,” ông Phạm Công Thảo đề xuất.

Còn theo chuyên gia Nguyễn Văn Sưa (nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam), để phục hồi thị trường ngành này, ngoài việc kích cầu đầu tư thì điều cần thiết là đẩy mạnh các dự án bất động sản, các công trình, dự án đầu tư công. Khi thị trường bất động sản sôi động trở lại thì giá thép sẽ tăng, thị trường sẽ "ấm" lên./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục