Tổng thống Mỹ lạc quan về các cuộc đàm phán trong vấn đề trần nợ

Ông Joe Biden mong muốn nâng trần nợ vô điều kiện, trong khi đảng Cộng hòa tuyên bố việc nâng trần nợ từ mức 31.400 tỷ USD hiện nay cần đi kèm với việc cắt giảm mạnh chi tiêu.
Tổng thống Mỹ lạc quan về các cuộc đàm phán trong vấn đề trần nợ ảnh 1Ngày 9/5, Tổng thống Mỹ Joe Biden và các nghị sỹ hàng đầu của hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đã có cuộc thảo luận trực tiếp về vấn đề trần nợ công, trong bối cảnh thế bế tắc liên quan đến việc nâng giới hạn nợ trị giá 31.400 tỷ USD đang đe dọa đẩy nền kinh tế số 1 thế giới vào tình trạng vỡ nợ chưa từng có, nếu Quốc hội Mỹ không kịp thời hành động. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tổng thống Mỹ Joe Biden trong phát biểu vào ngày 14/5 vẫn lạc quan về khả năng đạt đồng thuận với đảng Cộng hòa trong việc nâng trần nợ và tránh nguy cơ nước Mỹ vỡ nợ.

Các nghị sỹ đảng Cộng hòa yêu cầu cắt giảm ngân sách như một điều kiện để nâng trần nợ, trong khi Nhà Trắng trong nhiều tháng khẳng định không nên thương lượng về uy tín của quốc gia.

Ông Biden mong muốn nâng trần nợ vô điều kiện, trong khi đảng Cộng hòa tuyên bố việc nâng trần nợ từ mức 31.400 tỷ USD hiện nay cần đi kèm với việc cắt giảm mạnh chi tiêu.

Nguy cơ vỡ nợ lần đầu tiên của nước Mỹ đang hiện hữu, khi không chắc chắn về thời điểm chính phủ nước này sẽ không còn khả năng thanh toán các hóa đơn.

[Đức cảnh báo rủi ro cho kinh tế toàn cầu do trần nợ công tại Mỹ]

Hai bên vẫn bất đồng dù các quan chức chính phủ và các quan chức ngân hàng trong nhiều tuần lên tiếng cảnh báo việc nước Mỹ vỡ nợ có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng như suy thoái kinh tế và những tác động lây lan về tài chính trên toàn cầu.

Tuy nhiên, ông Biden tin rằng cuối cùng ông có thể đạt được một thỏa thuận. Ông cho rằng cả ông và các nghị sỹ đảng Cộng hòa đều mong muốn điều đó và điều này là có thể.

Vòng đàm phán mới về trần nợ giữa ông Biden và các nhà lãnh đạo đảng Cộng hòa, trong đó có Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy, theo dự kiến vào ngày 12/5 đã được hoãn sang tuần này. Theo ông Biden, hai bên có thể thảo luận vào ngày 16/5.

Ngày càng có nhiều lời kêu gọi Mỹ ngăn chặn tình trạng vỡ nợ. Ông Jamie Dimon, Giám đốc điều hành của JPMorgan, cho biết trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg TV ngày 11/5 nhấn mạnh: “Trần nợ có thể là một thảm họa.”

Ông nhấn mạnh đến tính nghiêm trọng của vấn đề này khi hệ thống tài chính của Mỹ là nền tảng của hệ thống kinh tế toàn cầu và ông hy vọng Mỹ có thể tránh được tình trạng vỡ nợ.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cũng lên tiếng cảnh báo nước Mỹ có nguy cơ vỡ nợ vào ngày 1/6, trong khi Văn phòng Ngân sách Quốc hội dự báo ngày 15/6.

Bà Janet Yellen hối thúc Quốc hội nước này nâng trần nợ liên bang ở mức 31.400 tỷ USD và ngăn chặn một cuộc khủng hoảng nợ chưa từng có, vốn sẽ gây ra suy thoái kinh tế toàn cầu và nguy cơ phá hủy vị thế lãnh đạo kinh tế toàn cầu của Mỹ.

Quan chức tài chính hàng đầu của Mỹ nhấn mạnh: "Tình trạng vỡ nợ sẽ đe dọa những lợi ích mà chúng ta đã rất nỗ lực để đạt được trong vài năm qua, trong quá trình phục hồi sau đại dịch của chúng ta. Và nó sẽ châm ngòi cho một cuộc suy thoái toàn cầu khiến chúng ta phải thụt lùi hơn nữa. Điều đó cũng sẽ có nguy cơ làm suy yếu vị thế lãnh đạo kinh tế toàn cầu của Mỹ và đặt nghi vấn về khả năng của chúng ta trong việc bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia."

Về kỹ thuật, nợ công của Mỹ đã chạm trần vào tháng 1/2023 với khoản nợ lên tới 31.400 tỷ USD. Bộ Tài chính Mỹ tại thời điểm đó đã phải thực hiện "các biện pháp đặc biệt" nhằm đảm bảo chính quyền liên bang có thể duy trì việc chi trả các hoạt động của chính phủ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục