42 doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh trong các lĩnh vực tranh sơn mài, hàng thủ công mỹ nghệ, quần áo may sẵn, thổ cẩm, các sản phẩm nông sản đã tham gia Hội chợ Paris 2015 diễn ra từ ngày 29/4 đến 10/5 tại Trung tâm triển lãm Versailles, Paris, Pháp.
Hội chợ Paris, được tổ chức hàng năm, là hội chợ hàng tiêu dùng, thủ công mỹ nghệ, nội thất truyền thống lớn nhất của Pháp. Hội chợ thu hút hơn 1.800 đơn vị triển lãm đến từ 50 nước, trưng bày các sản phẩm mới nhất trong khoảng 3.500 gian hàng trên tổng diện tích 200.000m2.
Năm 2014, Hội chợ Paris đã tạo doanh thu 350 triệu euro cho nhà tổ chức nhờ kinh doanh diện tích cho thuê và bán vé vào cửa. Hội chợ cũng thu hút khoảng 600.000 lượt người tham dự.
Ông Nguyễn Cảnh Cường, Tham tán thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, cho biết năm nay, các doanh nghiệp Việt Nam thuê tổng diện tích là 1.000m2 tại Khu triển lãm số ba, gần trục đường chính của Trung tâm triển lãm. Đây là cơ hội tuyệt vời để các doanh nghiệp quảng bá cho các sản phẩm và mặt hàng kinh doanh đồng thời có nhiều cơ hội tăng doanh thu.
Với chức năng hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc thâm nhập thị trường Pháp và châu Âu, từ hàng chục năm qua Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp đã phối hợp với Công ty Vinaxad (Công ty cổ phần quảng cáo và hội chợ thương mại-Bộ Công Thương) trong việc đưa các doanh nghiệp sang tham gia hội chợ.
Sau khi đi thăm các gian hàng của Việt Nam, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Nguyễn Ngọc Sơn cho biết ông “rất ấn tượng” về sự tham gia của đông đảo các doanh nghiệp cũng như các mặt hàng phong phú được bày bán tại hội chợ.
Đại sứ cũng yêu cầu Thương vụ phối hợp với các đơn vị triển lãm như Vinaxad hay công ty Victoria nhằm đàm phán với Ban Tổ chức hội chợ để khu trưng bày của Việt Nam được bố trí ở những vị trí thuận tiện cho kinh doanh hoặc có hỗ trợ về giá thuê mặt bằng nhằm giảm bớt chi phí cho các doanh nghiệp tham gia hội chợ.
Đại sứ cũng đề nghị các doanh nghiệp tích cực thăm dò thị trường, tìm hiểu thị hiếu của người dân Pháp để cung cấp những mặt hàng được người tiêu dùng Pháp và châu Âu ưa chuộng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã hàng hóa để có thể giới thiệu những chủng loại hàng hóa có giá trị cao hơn, chất lượng tốt hơn dành cho những đối tượng khách hàng có thu nhập cao hơn.
Về phần mình, bà Nguyễn Thị Bích Hồng, Phó Giám đốc Vinexad, cho biết các mặt hàng truyền thống của Việt Nam bán rất chạy do mẫu mã đẹp, giá cả vừa với túi tiền của đa số người dân Pháp. Nhìn chung, các doanh nghiệp Việt Nam đều hài lòng khi tham gia Hội chợ hàng tiêu dùng Paris.
Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam cũng tận dụng sự đi lại tự do trong khối các nước Schengen để tham gia nhiều hội chợ trong cả năm tại nhiều nước châu Âu sau Hội chợ Paris như Hội chợ Bordeau và Nancy vào tháng 5, các Hội chợ Marseille vào tháng 9 và Brussels vào tháng 10. Hội chợ Milan tại Italy chuyên ngành về hàng thủ công mỹ nghệ là hội chợ kết thúc năm.
Cũng tại Hội chợ Paris, trong phần Lễ hội Nhiệt đới, chương trình ca nhạc nghệ thuật đặc sắc có tên gọi "Xin chào Việt Nam” đã được công chúng Pháp nhiệt tình cổ vũ.
Chương trình gồm hai phần biểu diễn âm nhạc và múa truyền thống do ban nhạc “Tiếng tơ đồng” thực hiện và trình diễn bộ sưu tập áo dài "Ba miền Việt Nam" của nhà thiết kế Ngô Nhật Huy.
Theo ông Nguyễn Hải Nam, Chủ tịch Hội Doanh nhân Việt Nam tại Pháp (ABVietFrance), đơn vị đứng ra tổ chức và mời nhà thiết kế cũng như các người mẫu sang tham dự Hội chợ, hình ảnh Việt Nam được giới thiệu qua tà áo dài truyền thống tại một hội chợ là sự kết hợp văn hóa và thương mại đã tạo ra hiệu ứng tích cực để thu hút khách hàng đến với các gian hàng Việt Nam./.