Trung Quốc đối mặt với vấn đề nợ khó đòi ở khu vực châu Phi

Nhật báo Le Monde mới đây đã có bài phân tích về bẫy nợ mà các nước châu Phi và cả Trung Quốc đều bị vướng vào.
Trung Quốc đối mặt với vấn đề nợ khó đòi ở khu vực châu Phi ảnh 1(Nguồn: brookings.edu)

Những hứa hẹn về sự phát triển đi kèm với việc phân bổ các khoản cho vay của Trung Quốc đã nhường chỗ cho bóng ma của các vụ vỡ nợ hàng loạt.

Nhật báo Le Monde mới đây đã có bài phân tích về bẫy nợ mà các nước châu Phi và cả Trung Quốc đều bị vướng vào.

Theo báo này, nợ của châu Phi luôn là một nội dung trong cuộc chiến giành ảnh hưởng giữa Washington và Bắc Kinh. Mới đây trong chuyến công du đầu tiên tới châu Phi vào giữa tháng 11, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken đã nói rằng Mỹ đang đầu tư vào lục địa này mà không cần "đè nặng họ bằng một món nợ mà họ không thể xử lý được."

Ngụ ý của tuyên bố này muốn ám chỉ rằng Bắc Kinh đã lôi kéo châu Phi vào bẫy nợ bằng cách mở các dòng tín dụng để giữ chân họ trong mối quan hệ phụ thuộc - một cáo buộc mà Mỹ đã nhiều lần nhắc đến.

Phía Trung Quốc cũng nhanh chóng phản ứng lại tuyên bố này. Thông qua một chuyên mục đăng trên Thời báo Hoàn cầu, Bắc Kinh bày tỏ lấy làm tiếc rằng “sự hợp tác cùng có lợi (giữa châu Phi và Trung Quốc) đã trở thành mục tiêu tấn công của Mỹ và một số đồng minh của họ.”

[9 công trình định hình quan hệ Trung Quốc-châu Phi trong tương lai]

Cáo buộc của Mỹ không phải là không có cơ sở. Trên thực tế, nợ công của châu Phi đã tăng gấp đôi từ năm 2008 đến năm 2019, từ 28% lên 56% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Cuộc khủng hoảng COVID-19 đã làm tình hình thêm trầm trọng.

Số các quốc gia châu Phi được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) xếp vào nhóm có rủi ro cao vì tình trạng khó khăn do nợ công đã tăng từ 6 lên 13 quốc gia, và số quốc gia rơi vào khủng hoảng nợ tăng từ 2 lên 5 quốc gia chỉ trong vòng 6 năm. Khoảng 30 quốc gia đã được Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) cho phép tạm ngừng thanh toán các khoản nợ của họ cho đến cuối năm 2021.

Đổi hỗ trợ tài chính lấy lợi ích địa chính trị và lợi ích thương mại

Một phần đáng kể của sự gia tăng nợ song phương của châu Phi đến từ Trung Quốc. Trong vòng 20 năm qua, Trung Quốc đã trở thành nhà tài trợ chính cho khu vực châu Phi phía Nam sa mạc Sahara.

Năm 2020, nước này nắm giữ 62,1% nợ nước ngoài của khu vực này, trong khi năm 2000 con số này mới chỉ là 3,1%. Ở một số quốc gia như Angola và Zambia, tỷ lệ này thậm chí còn lên đến hơn 80%.

Sự hỗ trợ tài chính này lại mang cho Trung Quốc những lợi ích địa chính trị to lớn. Ví dụ, các hợp đồng do Ngân hàng Phát triển Trung Quốc ký bao gồm các điều khoản bồi hoàn trong trường hợp có hành động "đi ngược lại với lợi ích của Trung Quốc," một cách diễn đạt mơ hồ nhưng rất có lợi cho Trung Quốc. Cụ thể là mới đây, Bắc Kinh đã được hưởng lợi từ sự ủng hộ của các nước châu Phi trong việc đưa công dân của mình vào vị trí đứng đầu 4 cơ quan của Liên hợp quốc.

Tuy nhiên, theo quan điểm của Deborah Brautigam, Giáo sư tại Đại học Mỹ Johns-Hopkins, với Trung Quốc, lợi ích địa chính trị không phải là quan trọng nhất.

Các khoản vay của Trung Quốc được thực hiện vào thời điểm lục địa châu Phi đang thu hút các nhà đầu tư và điều đó đã mở đường cho các công ty Trung Quốc đến nơi này.

Trên thực tế, nhiều khoản vay đã được cấp với điều kiện các công ty Trung Quốc phải được hưởng lợi trực tiếp hoặc gián tiếp. Một phần ba doanh thu toàn cầu của các công ty xây dựng và kỹ thuật Trung Quốc hiện nay đến từ châu Phi. Các khoản vay này đôi khi cũng được đổi trả bằng các nguồn tài nguyên thiên nhiên như dầu mỏ, khoáng sản, hoặc thông qua thu nhập từ nguyên liệu thô.

Tiếc rằng những hứa hẹn về sự phát triển đi kèm với việc phân bổ các khoản vay của Trung Quốc đã nhường chỗ cho “bóng ma” của các vụ vỡ nợ hàng loạt. Ba quốc gia châu Phi Ethiopia, Zambia và Chad đều mắc nợ Trung Quốc, đã thông báo trong năm nay rằng họ sẽ tham gia khuôn khổ tái cơ cấu nợ chung do G20 đưa ra.

Thierry Pairault, nhà nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp (CNRS) nhận xét: “Mọi người đều đã rơi vào bẫy của nợ châu Phi, kể cả Trung Quốc, vốn nghĩ rằng mô hình phát triển của họ có thể vận hành tốt ở mọi nơi khác.”

Từ biểu tình ở Zambia để phản đối thu giữ tài sản...

Trên thực tế, các khoản vay của Trung Quốc bắt đầu cạn kiệt dần từ năm 2016, thời điểm mà giá hàng hóa sụt giảm. Sáng kiến Nghiên cứu Châu Phi Trung Quốc (CARI), một trung tâm nghiên cứu tại Đại học Johns Hopkins, đã tính toán rằng từ năm 2000-2019, Trung Quốc đã cho các quốc gia hoặc các công ty châu Phi vay 153 tỷ USD, với mức cao nhất là giai đoạn 2010-2016. Kể từ sau đó, số tiền liên tục giảm.

Việc tái cơ cấu nợ đang diễn ra đặt Bắc Kinh vào một tình huống khó xử. Hình ảnh của họ có nguy cơ xấu đi, bằng chứng là các cuộc biểu tình phản đối sự hiện diện của Trung Quốc ở Zambia vào năm 2018, khi tình trạng mắc nợ quá nhiều của đất nước này trở nên rõ ràng. Nhưng trái với những thỏa thuận ban đầu, Trung Quốc muốn kéo dài thời gian thu giữ tài sản - cảng hoặc mỏ - điều vốn rất không được người dân nước này ủng hộ.

Tái cấu trúc cũng đặt ra câu hỏi về tính minh bạch. Washington và Ngân hàng Thế giới (WB) đang kêu gọi công khai số lượng và các điều khoản của các hợp đồng để đánh giá khả năng thanh toán của các quốc gia mắc nợ và đảm bảo đối xử bình đẳng với tất cả các chủ nợ, một nguyên tắc hàng đầu của Câu lạc bộ Paris.

Đối mặt với những lời chỉ trích, Bắc Kinh đang tự bảo vệ mình. Zhou Liujun, Phó chủ tịch Cơ quan Hợp tác Phát triển Quốc tế Trung Quốc, mới đây đã giải thích: "Vấn đề nợ ở châu Phi có tính lịch sử, đó là kết quả của chủ nghĩa bảo hộ và sự mất giá của đồng nội tệ."

Mặc dù sự không rõ ràng của các hợp đồng khiến người ta phải thận trọng với các số liệu, IMF đã lưu ý vào tháng 10 rằng Trung Quốc chỉ nắm giữ 7,5% tổng nợ nước ngoài của châu Phi và tập trung ở 5 quốc gia là Angola, Cameroon, Ethiopia, Kenya và Nam Phi. Khu vực tư nhân thậm chí còn chiếm tỷ trọng quan trọng hơn trong gói nợ này. Hiện nay, 1/3 nợ công nước ngoài của châu Phi nằm trong tay các nhà đầu tư trái phiếu tư nhân.

...đến mô hình Chinafrique bị tan vỡ ở Cộng hòa Dân chủ Congo

Được ký kết vào năm 2008 dưới thời Tổng thống Joseph Kabila, hợp đồng "khoáng sản đổi cơ sở hạ tầng" cho đến nay vẫn chỉ là ảo ảnh. Đã có thời hợp đồng đó được coi là “hợp đồng thế kỷ”, minh chứng hoàn hảo cho mối quan hệ đối tác "đôi bên cùng có lợi" mà Trung Quốc hứa hẹn với châu Phi. Ở thời điểm đó, ông Joseph Kabila đã xác nhận với Bắc Kinh một thương vụ khổng lồ, đó là dùng coban và đồng - hai tài nguyên quan trọng của đất nước này để đổi lấy hệ thống cơ sở hạ tầng do Trung Quốc xây dựng.

Đối với Tổng thống Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC) khi đó, mục đích là tận dụng những gì được gọi là "dư thừa tài nguyên" của Congo để bù đắp sự thiếu hụt đường bộ, đường sắt, bệnh viện, trường học, đại học...

Đối với Trung Quốc, việc đàm phán để có được đặc quyền tiếp cận các nguồn khoáng sản này là chiến lược để nước này tiếp tục phát triển công nghiệp. DRC là nhà sản xuất đồng lớn nhất châu Phi và cho đến nay vẫn luôn là chủ các mỏ coban lớn nhất thế giới, loại nguyên liệu cần thiết cho việc sản xuất pin xe điện và điện thoại thông minh.

Số tiền ban đầu của thỏa thuận đã từng lên tới 9 tỷ USD, nhưng năm sau đó đã bị giảm xuống còn 6,2 tỷ USD dưới áp lực của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) do lo lắng về nguy cơ mắc nợ quá nhiều mà thỏa thuận này có thể áp đặt lên nền kinh tế Congo.

Bản chất của mối quan hệ này trong thập kỷ tiếp theo đã chuyển từ logic đổi hàng sang giao thương, một trong những kiểu "con đường tơ lụa" do Bắc Kinh thúc đẩy. Theo đó, để duy trì nhập khẩu khoáng sản của Congo, Trung Quốc đã tập trung hầu hết các dự án của mình vào lĩnh vực thủy điện, nhằm sản xuất năng lượng cần thiết cho khai thác công nghiệp.

Nhưng giờ đây, một làn gió mới đã bắt đầu thổi vào quan hệ Trung Quốc-Congo kể từ khi ông Félix Tshisekedi lên làm Tổng thống vào tháng 1/2019. Người đứng đầu mới của Nhà nước Congo hiện nay, ngay từ những ngày đầu tiên cầm quyền đã nhận được sự ủng hộ của ngoại giao Mỹ, trong đó có vị đại sứ rất năng động và giao tiếp giỏi là Mike "Nzita" Hammer.

Ông Mike "Nzita" Hammer đã khuyến khích Tân tổng thống điều tra lại hợp tác mà người tiền nhiệm của ông đã thiết lập với Bắc Kinh, trong bối cảnh quốc tế có sự cạnh tranh ngày càng cao giữa Trung Quốc và Mỹ? “Tôi không thể nói Mỹ đã thúc đẩy nó, nhưng có lẽ họ đã không làm bất cứ điều gì để ngăn chặn nó. Về lâu dài, trữ lượng khoáng sản của DRC là chiến lược đối với tất cả mọi người”, một đại sứ khác tại Kinshasa đã chia sẻ điều này một cách rất thận trọng.

Hợp đồng thế kỷ hay ảo ảnh

Trong chuyến thăm Katanga, vùng mỏ lớn nhất của DRC, vào tháng 5/2021, Tổng thống Congo đã lên án những kẻ "đã đánh cắp quá nhiều từ chúng tôi", "những nhà đầu tư đến với cái túi rỗng và ra đi như những tỷ phú." "Thật không bình thường khi những người mà nước này đã ký hợp đồng khai thác lại trở nên giàu có hơn trong khi dân số của chúng tôi vẫn nghèo" - Tổng thống Congo đã tuyên bố điều này và chỉ thị cho các bộ trưởng phụ trách mỏ và cơ sở hạ tầng của mình đánh giá lại các kết quả đạt được từ sự hợp tác Trung Quốc-Congo.

Mặc dù Kinshasa chủ động lên tiếng, nhưng Đại sứ Trung Quốc tại Congo, Zhu Jing, ngay lập tức phản ứng lại bằng cách “ném đá ao bèo.” Trên Twitter ngày 12/5/2021, ông đã viết "DRC và châu Phi không nên biến mình thành chiến trường của các cường quốc."

Việc hai báo cáo được chuyển tới Tổng thống Congo vào tháng 11/2021 vừa qua chắc chắn khiến nhà ngoại giao Trung Quốc không yên tâm. Báo cáo được Bộ trưởng Bộ Mỏ, Antoinette N'Samba Kalambayi ký đã ước tính rằng kể từ năm 2015, thời điểm Sicomines - liên doanh giữa Nhà nước Congo và một tập đoàn quốc doanh Trung Quốc đi vào hoạt động, 882 triệu USD là khoản lợi nhuận có được từ hoạt động khai thác 829.000 tấn đồng và 3.873 tấn coban, và số tiền này đã được sử dụng để hoàn trả cho các chủ nợ Trung Quốc.

Báo cáo của Bộ Cơ sở hạ tầng, được bàn giao sau đó vài tuần, cho thấy tình hình còn nghiêm trọng hơn. Nếu trong tổng số 3,2 tỷ USD Trung Quốc đã hứa đầu tư vào lĩnh vực khai thác mỏ ở Congo mới chỉ giải ngân được 2,4 tỷ USD, thì trong tổng số 3 tỷ USD cam kết tài trợ cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng, nước này mới giải ngân có 969 triệu USD, bao gồm cả tiền lãi. Số tiền đầu tư này đã bị Hội đồng quản trị Sicomines cắt giảm xuống còn 1,05 tỷ USD. Trong khi đó, các nhà đầu tư Trung quốc nắm giữ đến 68% cổ phần tại Sicomines.

Một đánh giá khác về hợp tác Trung Quốc-Congo đã gây xôn xao ở Kinshasa vào tháng 9/2021. Theo chuyên gia tư vấn Léonide Mupepele, người đưa ra báo cáo của Sáng kiến minh bạch ngành công nghiệp khai thác mỏ (EITI), các điều kiện được chính quyền của ông Joseph Kabila chấp nhận tạo thành "tiền lệ chưa từng có trong lịch sử DRC."

Theo ông Léonide Mupepele, báo cáo nghiên cứu của Trung Quốc đã định giá thấp trữ lượng và tài nguyên của Sicomines. Đơn vị tư vấn cũng tố cáo cấu trúc vốn cổ phần của liên doanh là "đang bị chia cắt" và do đó, kêu gọi DRC "yêu cầu tái cân bằng cổ phần dựa trên đóng góp thực sự của các đối tác."

Đối với người Congo, 13 năm sau ngày ký, “hợp đồng thế kỷ” vẫn là một ảo ảnh: Không có bệnh viện nào trong số 31 bệnh viện do Bắc Kinh quy hoạch được xây dựng, cũng chẳng có 2 trường đại học như đã được công bố.

Trong số 3.500km đường theo kế hoạch, chỉ có 356km đường trải nhựa và 854km đường ray đã hoàn thành. Trong khi đó, cho đến nay, DRC đã xuất khẩu 90% sản lượng coban và đồng sang Trung Quốc.

Việc đánh giá lại dự án do Tổng thống Tshisekedi yêu cầu sẽ là bước mở đầu cho một cuộc đàm phán lại. "Điều này phù hợp với thỏa thuận được ký vào đầu năm 2020 với IMF, sau khi IMF cắt các chương trình của Congo vào năm 2012 do thiếu minh bạch. Tuy nhiên, cũng chẳng nên mong đợi việc tái đầu tư lớn, đặc biệt là những lĩnh vực gây bất lợi cho người Trung Quốc," một nhà ngoại giao đã cảnh báo điều này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục