Trung Quốc: Tỷ lệ tử vong vì bệnh tim mạch tăng do ô nhiễm ozone

Mức độ ô nhiễm ozone gia tăng tại các đô thị của Trung Quốc đã trở thành mối nguy hại lớn đối với sức khỏe người dân, làm tăng tỷ lệ tử vong do đột quỵ và bệnh tim.
Trung Quốc: Tỷ lệ tử vong vì bệnh tim mạch tăng do ô nhiễm ozone ảnh 1Khói bụi bao phủ thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Mức độ ô nhiễm ozone gia tăng tại các đô thị của Trung Quốc đã trở thành mối nguy hại lớn đối với sức khỏe người dân, làm tăng tỷ lệ tử vong do đột quỵ và bệnh tim ở những người dân dễ bị tổn thương.

Kết quả nghiên cứu mới này của một nhóm nhà nghiên cứu Trung Quốc vừa được đăng trên tạp chí Environmental Health Perspectives.

Các số liệu thu thập từ 272 thành phố ở Trung Quốc từ năm 2013 đến 2015 cho thấy bằng chứng rõ ràng về mối liên quan giữa tỷ lệ nhiễm ozone ngắn hạn gia tăng với tỷ lệ tử vong cao do bệnh tim mạch và đột quỵ. Ozone trên mặt đất hay còn gọi là sương khói quang hóa, xuất hiện do phản ứng giữa ánh sáng Mặt Trời với ôxít nitơ (NOx) và một lượng lớn hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC) được sinh ra trong quá trình đốt nhiên liệu hóa thạch hoặc sản xuất hóa chất.

Trung Quốc đang phát động chiến dịch chống ô nhiễm nhằm giảm thiểu tác hại tới môi trường sau gần 4 thập kỷ nước này đạt tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ. Tuy nhiên, chiến dịch này tập trung phần lớn vào giảm mật độ các hạt bụi mịn PM2,5 nhất là vào mùa Đông.

[WB: Tử vong từ ô nhiễm không khí gây thiệt hại hàng chục tỷ USD]

Theo Giám đốc Cục Y tế công cộng thuộc Đại học Phúc Đán ở thành phố Thượng Hải, Kan Haidong, trong khi bụi mịn PM2,5 là nguyên nhân chính gây ra nhiều loại bệnh ở Trung Quốc thì ô nhiễm ozone là nguyên nhân không kém phần quan trọng trong việc gây bệnh tại các khu vực như đồng bằng châu thổ Châu Giang.

Nhà hoạt động của tổ chức bảo vệ môi trường Hòa bình Xanh, Lauri Myllyvirta cho biết trong vài năm qua, mức độ ozone đang gia tăng tại Trung Quốc trong khi bụi mịn MP2,5 giảm khoảng 30% trong 5 năm qua.

Theo bà, Trung Quốc đã thành công trong việc giảm mật độ bụi mịn MP2,5 nhưng vẫn chưa thành công trong giải quyết NOx và VOC./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục