Từ chuyện buồn của ngành giáo dục: Tuyển chọn giáo viên thế nào?

Mọi nghề nghiệp đều cần có đạo đức nghề, nhưng với nghề giáo thì đạo đức nghề nghiệp là yếu tố cốt lõi để tạo nên nhân cách người thầy.
Trường học vùng cao. (Ảnh: Hữu Quyết/TTXVN)
Trường học vùng cao. (Ảnh: Hữu Quyết/TTXVN)

Những ngày qua, tại một số địa phương đã xảy ra vụ việc vi phạm đạo đức nhà giáo như thầy giáo ở Bắc Giang bị tố dâm ô học sinh, giáo viên ở Thái Bình nhắn tin trên mức tình cảm thầy trò với nữ sinh lớp 10, giáo viên ở Hải Phòng đánh học sinh bầm tím lưng…

Các hành vi phản giáo dục, bạo lực học đường, xâm hại học sinh đã nhiều lần được nhắc đến trong năm 2018 vẫn tái diễn vào những tháng đầu năm 2019, khiến dư luận “dậy sóng,” ảnh hưởng không nhỏ đến niềm tin của xã hội dành cho nghề giáo.

Do đó, bên cạnh những văn bản chỉ đạo chấn chỉnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có những giải pháp căn cơ, triệt để cho vấn đề này.

Suy giảm niềm tin về người thầy trong xã hội

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đức Sơn, Trưởng Khoa Tâm lý Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng mọi nghề nghiệp đều cần có đạo đức nghề nhưng với nhà giáo thì đạo đức nghề nghiệp là yếu tố cốt lõi để tạo nên nhân cách người thầy.

Đạo đức nhà giáo có thể hiểu là hệ thống các chuẩn mực, các giá trị, các quy tắc điều chỉnh lao động sư phạm và hành vi của người giáo viên, được họ tự nguyện tuân thủ.

Đạo đức nhà giáo được hình thành và thể hiện trước hết ở lòng yêu nghề, yêu trẻ, gắn bó với nghề dạy học, ý thức giữ gìn phẩm chất, danh dự, uy tín của nhà giáo, sống trung thực, lành mạnh, là tấm gương tốt cho học sinh.

Có được lòng yêu trẻ, yêu nghề, nhà giáo có được sức mạnh tinh thần để kiên trì, bền bỉ làm việc với trò, vượt qua các thách thức để tận tậm với nghề.  Khi các giáo viên nhận thức được và coi trọng giá trị xã hội-nhân văn của nghề, họ sẽ hình thành tâm thế và khả năng chịu đựng áp lực, có khả năng kiềm chế hành vi của bản thân, không để xảy ra những hành vi phản giáo dục.

Lên án những trường hợp nhà giáo vi phạm đạo đức nghiêm trọng trong thời gian qua, Giáo sư, Viện sỹ Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh hiện nay, cả nước có hơn 1 triệu giáo viên và trên 24 triệu học sinh, với quy mô lớn như vậy, rất có thể nảy sinh các vi phạm của nhà giáo.

Tuy nhiên, dù thế nào, giáo viên cũng không thể đổ lỗi cho sức ép nào đó dẫn đến hành vi lệch chuẩn, vi phạm đạo đức nhà giáo, thậm chí xâm hại, xúc phạm thân thể học sinh. Những giáo viên vi phạm, cần căn cứ vào các quy định hiện nay để xem xét loại ra khỏi ngành giáo dục.

Lấy ví dụ về trường hợp thầy giáo ở Bắc Giang, Tiến sỹ Hoàng Trung Học, Trưởng Khoa Giáo dục, Học viện Quản lý giáo dục chia sẻ việc người thầy uống rượu vào buổi trưa khi biết lịch chiều vẫn phải làm việc, lên lớp lại không kiểm soát được hành vi cá nhân là điều không thể chấp nhận.

Những hành động như vậy không chỉ vi phạm quy định về văn hóa ứng xử của cán bộ, viên chức mà còn vi phạm nghiêm trọng đạo đức nhà giáo được cụ thể trong các văn bản của ngành và những giá trị truyền thống của người thầy trong xã hội Việt Nam.

Theo Tiến sỹ Hoàng Trung Học, hành động của thầy giáo này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sự nhìn nhận của xã hội đối với đội ngũ nhà giáo.

Với học trò, đặc biệt là học trò tiểu học - lứa tuổi có đặc điểm tâm lý luôn tin tưởng tuyệt đối, thần tượng các thầy, cô giáo, hiện tượng giáo viên dâm ô với học sinh sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tình cảm, nhận thức, niềm tin của các em dành cho người thầy. Nhìn rộng ra, điều này có thể ảnh hưởng đến thái độ hợp tác, hứng thú học tập, thậm chí gây mất niềm tin của học trò đối với các thầy, cô.

Thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành các quy định về chuẩn mực đạo đức nhà giáo như Thông tư 20/2018 về Chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông hay Quyết định số 16/2008 ban hành Quy định về đạo đức nhà giáo.

Nhiều nhà trường cũng ban hành quy chế làm việc, trong đó quy định rõ những việc nhà giáo được làm và không được làm…

Bên cạnh đó là một loạt các văn bản đề nghị các địa phương chỉ đạo, quán triệt, chấn chỉnh để nâng cao đạo đức nhà giáo trong các cơ sở giáo dục. Tuy nhiên, trước các vụ việc thực tế, người ta buộc phải băn khoăn về khoảng trống trong giáo dục đạo đức cho giáo viên.

Từ chuyện buồn của ngành giáo dục: Tuyển chọn giáo viên thế nào? ảnh 1Cô trò Trường tiểu học xã Trung Đồng, Tân Uyên, Lai Châu tập văn nghệ chuẩn bị cho Lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. (Ảnh: Công Tuyên/TTXVN)

Những giải pháp căn cơ

Tiến sỹ Hoàng Trung Học, Trưởng Khoa Giáo dục, Học viện Quản lý giáo dục cho rằng các sự việc xảy ra gần đây đều liên quan trực tiếp đến vấn đề văn hóa nhà trường.

Về mặt bản chất, một cơ sở giáo dục tiên tiến phải tạo dựng được môi trường văn hóa thân thiện, an toàn, tích cực. Vì vậy, về lâu dài, việc xây dựng văn hóa nhà trường phải được đặc biệt quan tâm.

Trong đó, cơ sở giáo dục cần đặc biệt chú trọng đến những vấn đề như: Xây dựng đạo đức nhà giáo, biến những chuẩn mực của đạo đức nhà giáo thành giá trị tự thân của mỗi giáo viên; chú trọng bồi dưỡng cho đội ngũ nhà giáo về nghiệp vụ sư phạm, đặc biệt là các kỹ năng giao tiếp, quản trị cảm xúc, quản trị lớp học, kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục, kỹ năng phòng chống bạo lực học đường…

Đồng thời, nhà  trường cần thúc đẩy ứng dụng tâm lý học trường học vào mọi lĩnh vực hoạt động, coi đây là giải pháp then chốt để giải quyết triệt để những vấn đề trong văn hóa học đường hiện nay. Đây là mô hình đã được thực tiễn của nhiều quốc gia có nền giáo dục tiến bộ trên thế giới khẳng định là đúng đắn.

Các chuyên gia tâm lý học đường sẽ giúp phòng ngừa, can thiệp sớm và can thiệp chuyên sâu mọi vấn đề tâm lý cho đội ngũ giáo viên và học sinh trong các cơ sở giáo dục, đảm bảo trạng thái lành mạnh về tâm lý, giúp thầy dạy tốt, trò học tốt, hướng tới thực hiện thành công mục tiêu giáo dục tổng thể.

Từ những chuyện buồn của ngành giáo dục, các chuyên gia trong ngành cũng đặt ra vấn đề về tuyển chọn giáo viên và tuyển chọn sinh viên theo học ngành sư phạm hiện nay.  

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đức Sơn, để giải quyết vấn đề vi phạm đạo đức giáo viên cần bắt đầu từ việc “kiểm soát” đầu vào - tức là vấn đề tuyển sinh ở các trường sư phạm. Hiện nay, các trường sư phạm tuyển sinh chủ yếu dựa vào điểm số mà chưa có cách thức để kiểm tra thí sinh có định hướng nghề nghiệp đúng không, có phẩm chất đạo đức phù hợp với nghề giáo hay không?

Vì vậy, trong đề án tuyển sinh của các trường sư phạm nên có thêm kênh, công cụ về mặt tâm lý để tìm kiếm những sinh viên yêu nghề thật sự, đánh giá đạo đức những người sẽ trở thành giáo viên trong tương lai; có các quy định yêu cầu về thái độ, phẩm chất của nghề giáo.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đức Sơn chia sẻ hiện nhiều nước trên thế giới đã yêu cầu sinh viên sư phạm phải làm những bài luận để “đo” sự yêu nghề. Việt Nam có thể học tập cách làm này hoặc có những trắc nghiệm tâm lý để sàng lọc, loại bỏ người không phù hợp với nghề giáo, tránh ảnh hưởng đến cả một thế hệ.

Nhìn từ góc độ nhà trường, thầy Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hệ thống giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm cho rằng, ngành giáo dục cần quan tâm cả đến vấn đề đào tạo lại giáo viên, để thầy cô “vững về tâm lý” và “chuẩn về đạo đức.”

Ngoài ra, các trường sư phạm cần có chương trình đào tạo lại hiệu trưởng, bởi hiệu trưởng chính là người tạo ra những chuyển biến, làm thay đổi giáo viên và học sinh. Nếu hiệu trưởng không “chuẩn,” vi phạm đạo đức sẽ gây ra hệ lụy lớn.

[Xử lý nghiêm khắc vụ thầy giáo bị tố dâm ô học sinh tại Bắc Giang]

Tiếp cận từ vấn đề tuyển dụng giáo viên tại các trường, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Trọng Rỹ, Phó Chủ tịch Hội khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam nhận định một khảo sát mới đây của Hội tâm lý giáo dục Việt Nam về thực hiện quyền tự chủ trong các trường phổ thông tại 15 trường ở Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An, Thành phố Hồ Chí Minh và Đồng Tháp cho thấy, tất cả các trường đều không có quyền tự chủ trong tuyển dụng nhân sự.

Mặc dù trong điều 58, Luật Giáo dục 2005 có nêu, nhà trường có quyền tuyển dụng, sử dụng, sa thải giáo viên, cán bộ, nhân viên… Song trên thực tế, các trường lại hoàn toàn không có quyền này, mà do các cơ quan khác đảm nhiệm.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Trọng Rỹ thẳng thắn bày tỏ: Trong việc tuyển giáo viên hiện nay vẫn còn tồn tại những tiêu cực. Người ta không đánh giá năng lực, đạo đức mà chạy theo những lý do khác. Vì vậy, trong đội ngũ những người được tuyển có cả những người không đủ năng lực, phẩm chất để làm nhà giáo.

Từ thực tế trên, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Trọng Rỹ chia sẻ: Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tiến hành nhiều hình phạt như kỷ luật, sa thải giáo viên nếu vi phạm đạo đức nhà giáo và các quy định của pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, đó không phải là giải pháp căn cơ để chấm dứt tình trạng này.

Về lâu dài, trường sư phạm - nơi đào tạo giáo viên phải chú ý hơn đến việc giáo dục đạo đức cho sinh viên. Bên cạnh đó, việc tuyển chọn giáo viên vào giảng dạy trong các nhà trường cần phải chú ý nhiều hơn đến phẩm chất đạo đức và năng lực sư phạm, dù việc đánh giá chuẩn đạo đức trong quá trình tuyển dụng là không dễ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục