Từ đầu năm đến nay, Việt Nam xuất hiện 11 trận động đất nhẹ

Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, từ đầu năm 2020 đến ngày 29/3, Việt Nam đã xuất hiện 11 trận động đất nhẹ
Nhiều ngọn núi ở xã Đàm Thủy huyện Trùng Khánh (Cao Bằng) bị lở đá sau động đất. (Ảnh: Quốc Đạt/TTXVN)
Nhiều ngọn núi ở xã Đàm Thủy huyện Trùng Khánh (Cao Bằng) bị lở đá sau động đất. (Ảnh: Quốc Đạt/TTXVN)

Ngày 2/4, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho biết, trước diễn biến phức tạp của thời tiết, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố cần theo dõi các bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai, thời tiết để chủ động phương án phòng tránh; tổ chức kiểm tra, rà soát nơi ở của người dân, nhất là những khu vực nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất; sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư để đảm bảo an toàn cho nhân dân, khắc phục hậu quả kịp thời hiệu quả.

[Từ ngày 3-5/4: Bắc Bộ sắp “đón” không khí lạnh tăng cường, nguy cơ cao xảy ra mưa đá]

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn nhân dân cách nhận biết, kỹ năng ứng phó lũ quét, sạt lở đất và dông, lốc, sét kèm theo mưa đá (một số tài liệu tham khảo đã được Ban Chỉ đạo xây dựng và đăng tải trên website: phongchongthientai.mard.gov.vntập trung huy động các nguồn lực khẩn trương khắc phục hậu quả giúp người dân khôi phục sản xuất và ổn định đời sống.

Đối với các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục triển khai các phương án ứng phó với hạn hán và xâm nhập mặn; chủ động lấy nước ngọt phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

[Sơn La: Động đất lớn 2,6 độ vừa xảy ra tại huyện Thuận Châu]

Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, từ đầu năm 2020 đến ngày 29/3, nước ta đã xuất hiện 11 trận động đất nhẹ; 4 dông lốc, mưa đá diện rộng tại khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ (ngày 24-25/1; ngày 2-4/3; ngày 17-18/3; ngày 21-25/3); sạt lở bờ sông, hạn hán, xâm nhập mặn tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Thiên tai đã làm 3 người chết, 18 người bị thương; 1.150 nhà sập, 28.179 nhà bị hư hại, tốc mái; 74.748 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại, 1.817 con gia súc, gia cầm chết. Ước tính thiệt hại về kinh tế khoảng 303 tỷ đồng.

Đặc biệt đợt dông lốc, sét, mưa đá  từ ngày 21-25/3 tại 11 tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Sơn La, Yên Bái, Điện Biên, Tuyên Quang, Hòa Bình, Bắc Kạn, Hà Giang, Thanh Hóa, Nghệ An đã làm 1 người chết (do sét đánh tại Lào Cai); 25 nhà thiệt hại hoàn toàn; 5.406 nhà bị tốc mái, hư hỏng; 24.931 ha lúa, 2.249 ha hoa màu và 786 ha cây trồng bị ngập, hư hại; 1.094 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi; 2 cầu treo, 1 cống qua đường và 7 công trình thủy lợi hư hỏng. Tổng thiệt hại ước tính 94,5 tỷ đồng.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục