Tuần phim nhân 60 năm thành lập điện ảnh cách mạng

Tuần phim Việt Nam kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ ký Sắc lệnh thành lập ngành điện ảnh cách mạng VN diễn ra từ 8-15/3 trên toàn quốc.
Tuần phim Việt Nam kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ ký Sắc lệnh thành lập ngành điện ảnh cách mạng Việt Nam (15/3/1953-15/3/2013) sẽ diễn ra từ 8-15/3 trên toàn quốc.

Đây là một trong những hoạt động trọng tâm do Cục Điện ảnh phối hợp với nhiều đơn vị cùng tổ chức nhân dịp kỷ niệm, ghi nhận sự cống hiến của các thế hệ nghệ sỹ đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển nền điện ảnh cách mạng Việt Nam.

Tại cuộc họp báo diễn ra ngày 7/3 ở Hà Nội, Cục trưởng Cục Điện ảnh Ngô Phương Lan cho biết: Các phim được chọn trình chiếu trong dịp này gồm các phim truyện, tài liệu của các đạo diễn gạo cội của nền điện ảnh nước nhà; trong đó có 3 phim truyện: "Đêm hội Long Trì" của cố đạo diễn, Nghệ sỹ Nhân dân Hải Ninh, "Bao giờ cho đến tháng Mười" của đạo diễn, Nghệ sỹ Nhân dân Đặng Nhật Minh, "Về nơi gió cát" của đạo diễn, Nghệ sỹ Nhân dân Như Thành. Ngoài ra còn có 3 phim tài liệu "Vài hình ảnh về đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh," "Nước về Bắc Hưng Hải""Điện Biên Phủ."

Phim "Đêm hội Long Trì" của cố đạo diễn, Nghệ sỹ Nhân dân Hải Ninh được đánh giá là bộ phim thành công của điện ảnh Việt Nam thời kỳ đổi mới với thể loại lịch sử, cổ trang. Phim quy tụ dàn diễn viên xuất sắc nhất ba thập niên cuối thế kỷ XX, bối cảnh phim được dàn dựng công phu trên nền câu chuyện được nhà văn Nguyễn Huy Tưởng mô tả đầy lôi cuốn về những mưu mô chốn cung đình.

Phim "Bao giờ cho đến tháng Mười" của đạo diễn, Nghệ sỹ Nhân dân Đặng Nhật Minh là một bộ phim giàu tính nhân văn và ngôn ngữ điện ảnh tiêu biểu, góp phần là nổi bật hình ảnh đẹp đẽ của người phụ nữ Việt Nam.

Phim được coi như là một trong những bộ phim kinh điển của nền điện ảnh Việt Nam; được trình chiếu không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nơi trên thế giới, giành được nhiều giải thưởng điện ảnh danh giá trong nước, quốc tế. Năm 2008, kênh truyền hình CNN của Mỹ bầu chọn tác phẩm này vào danh sách 18 bộ phim châu Á xuất sắc nhất mọi thời đại.

Phim truyện "Về nơi gió cát," đạo diễn, Nghệ sỹ Nhân dân Như Thành tái hiện một câu chuyện nhân văn về đề tài hậu chiến. Đây là bộ phim màu đầu tiên của điện ảnh Việt Nam nên việc quay rất khó khăn. Phim đã giành được "Bông sen vàng" cho phim và cho biên kịch.

Trong số 3 bộ phim tài liệu được chọn chiếu dịp này, đáng chú ý là bộ phim "Nước về Bắc Hưng Hải" của đạo diễn, Nghệ sỹ Nhân dân Bùi Đình Hạc, sản xuất năm 1959 ghi lại sự kiện xây dựng một trong những công trình thủy nông đầu tiên và lớn nhất ở miền Bắc. Bộ phim đạt giải huy chương vàng tại Liên hoan phim Mátxcơva 1959. Đây là bộ phim đã mang về giải thưởng quốc tế đầu tiên cho phim tài liệu nói riêng và cho điện ảnh Việt Nam nói chung.

[Nhiều hoạt động kỷ niệm 60 năm điện ảnh Việt Nam]

Cũng nhân dịp kỷ niệm, Viện phim Việt Nam tổ chức chiếu giới thiệu các bộ phim tiêu biểu của điện ảnh cách mạng nước nhà đến với khán giả yêu điện ảnh, vé phát miễn phí.

Chương trình diễn ra tại rạp Ngọc Khánh từ ngày 8-14/3 với 13 phim truyện, tài liệu, hoạt hình của điện ảnh Việt Nam sản xuất như phim hoạt hình "Đáng đời thằng Cáo," "Xe đạp;" phim truyện "Cánh đồng hoang," "Chung một dòng sông," "Tây Sơn hào kiệt," "Cánh đồng bất tận," "Đời cát"...

Hội Điện ảnh Việt Nam tổ chức các đoàn nghệ sỹ điện ảnh Bưng Biền (Long An) và Đồi Cọ (Thái Nguyên) về thăm lại cái nôi, cội nguồn thiêng liêng của điện ảnh cách mạng Việt Nam.

Lễ kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ ký Sắc lệnh thành lập ngành điện ảnh cách mạng Việt Nam (15/3/1953-15/3/2013) được tổ chức trọng thể vào ngày 14/3 tại Nhà hát Lớn Hà Nội./.

Thanh Giang (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục