Hiện nay, vắcxin Quinvaxem đang được triển khai hiệu quả trong Chương trình Tiêm chủng rộng tại các tỉnh, thành phố trong cả nước, giúp bảo vệ trẻ tránh khỏi các bệnh dịch nguy hiểm.
Tuy nhiên, tại các thành phố lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, tình trạng chờ, “canh” đăng ký tiêm vắcxin dịch vụ Pentaxim qua mạng Internet vẫn “nóng” mỗi khi có đợt tiêm loại vắcxin này tại các điểm tiêm chủng.
Trước thực trạng này, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với giáo sư, tiến sỹ Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế), Trưởng ban Quản lý Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia về hiệu quả phòng bệnh của vắcxin Quinvaxem so với vắcxin Pentaxim và các khuyến cáo của Bộ Y tế về tiêm chủng cho trẻ.
- Chương trình Tiêm chủng mở rộng ở nước ta hiện nay sử dụng vắcxin Quinvaxem như thế nào?
Viện trưởng Đặng Đức Anh: Vắcxin Quinvaxem là vắcxin phối hợp phòng 5 bệnh gồm bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não do vi khuẩn Hib; được sản xuất bởi Công ty Berna Biotech - Hàn Quốc và đã đạt tiêu chuẩn tiền thẩm định về chất lượng của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) từ năm 2006.
Cho đến nay đã có hơn 450 triệu liều vắcxin Quinvaxem đã được sử dụng tại 94 quốc gia trên toàn thế giới.
Tại Việt Nam, vắcxin Quinvaxem được triển khai trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng để tiêm chủng miễn phí cho trẻ dưới 1 tuổi từ tháng 6/2010.
Vắcxin do Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cung ứng cho Việt Nam và sử dụng cho trẻ em dưới 1 tuổi trên toàn quốc theo lịch tiêm chủng 3 mũi vào lúc 2 tháng, 3 tháng và 4 tháng tuổi.
Từ khi triển khai đến nay, đã có hơn 27 triệu mũi tiêm được thực hiện với tỷ lệ tiêm chủng 3 mũi vắcxin hàng năm đạt trên 90%.
Trong năm 2015, đã có 5,1 triệu lượt trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng vắcxin này tại tất cả các điểm tiêm chủng xã/phường trên cả nước và một số điểm tiêm chủng dịch vụ.
Để trẻ em Việt Nam được thụ hưởng miễn phí vắcxin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng, Chính phủ nước ta và các tổ chức quốc tế luôn đảm bảo cung ứng đầy đủ vắcxin hàng năm.
- Bên cạnh các loại vắcxin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương còn triển khai tiêm vắcxin dịch vụ Pentaxim (5 trong 1). Vậy vắcxin Pentaxim hiện nay có đáp ứng được nhu cầu của nhân dân đến tiêm tại Viện?
Viện trưởng Đặng Đức Anh: Tại Trung tâm Dịch vụ khoa học kỹ thuật và y tế dự phòng của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đang triển khai tiêm vắc xin dịch vụ Pentaxim phòng 5 bệnh (bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm phổi/viêm màng não do vi khuẩn Hib) đáp ứng nhu cầu của người dân.
Tuy nhiên, từ năm 2014 vì nhiều lý do nhà sản xuất không cung ứng đủ nhu cầu vắcxin trên thế giới trong đó có Việt Nam. Từ cuối năm 2015, ngay khi có vắcxin, Trung tâm đã tổ chức đăng ký tiêm chủng qua mạng Internet.
Đến nay, Trung tâm đã tổ chức 5 đợt đăng ký qua mạng với hơn 10.000 liều vắcxin cho các gia đình có nhu cầu sử dụng vắcxin Pentaxim.
Trong thời gian tới, ngay khi được phân phối vắcxin, Trung tâm sẽ tiếp tục triển khai các đợt đăng ký tiêm vắcxin qua mạng, tránh việc người dân phải xếp hàng chờ đợi tại điểm tiêm.
Đồng thời, Trung tâm dịch vụ của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương tiếp tục triển khai tiêm vắcxin Quinvaxem miễn phí trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng cho trẻ dưới 1 tuổi.
- Chất lượng vắcxin Quinvaxem (5 trong 1) có khác biệt gì so với vắcxin dịch vụ Pentaxim không, thưa Viện trưởng?
Viện trưởng Đặng Đức Anh: Các vắcxin nhập khẩu vào Việt Nam, bao gồm vắcxin Quinvaxem và tất cả các loại vắcxin sử dụng trong tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng dịch vụ đều phải tuân thủ các quy định của Việt Nam.
Các vắcxin này phải thực hiện thủ tục để đăng ký lưu hành bao gồm thử nghiệm cần thiết và đảm bảo đạt tiêu chuẩn theo quy định của Việt Nam và của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Vắcxin chỉ được cấp phép sử dụng tại Việt Nam sau khi đã được kiểm định nghiêm ngặt và đạt được các yêu cầu của nước ta.
Từng lô vắcxin khi nhập vào Việt Nam đều phải được Viện Kiểm định quốc gia vắcxin và Sinh phẩm y tế kiểm định và đạt tiêu chuẩn về an toàn trước khi đưa vào sử dụng.
Hiện nay, có một số bậc phụ huynh còn lo lắng về chất lượng của vắcxin Quinvaxem trong tiêm chủng mở rộng.
Thành phần ho gà có trong vắcxin Quinvaxem là vắcxin ho gà toàn tế bào, khác với thành phần ho gà có trong vắcxin Pentaxim là vắcxin ho gà vô bào.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, vắcxin ho gà toàn tế bào có tỷ lệ phản ứng nhẹ như sốt, sưng đau tại chỗ tiêm… cao hơn so với vắcxin chứa thành phần ho gà vô bào.
Tuy nhiên, việc sử dụng vắcxin ho gà toàn tế bào có đáp ứng miễn dịch phòng bệnh hiệu quả hơn.
Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo các quốc gia hiện đang sử dụng vắcxin ho gà toàn tế bào nên tiếp tục sử dụng vắcxin ho gà toàn tế bào để đạt được hiệu quả phòng chống dịch bệnh tốt hơn.
- Hiện nay, nhiều bà mẹ vẫn chờ đợi vắcxin dịch vụ Pentaxim để tiêm phòng cho con mặc dù vắcxin này vẫn khan hiếm. Ông có lời khuyên gì với các bà mẹ và gia đình có trẻ trong độ tuổi tiêm chủng?
Viện trưởng Đặng Đức Anh: Để phòng bệnh tốt nhất cho trẻ cần phải tiêm chủng đủ mũi và đúng lịch để phòng bệnh kịp thời. Việc tiêm chủng đủ mũi, đúng lịch sẽ mang lại hiệu quả phòng bệnh tốt nhất.
Chờ đợi tiêm vắcxin dịch vụ khi đã đến tuổi phải tiêm chủng theo lịch thì sẽ dẫn đến trì hoãn các mũi tiêm tiếp theo, khiến trẻ bị tiêm chủng muộn, tiêm không đủ mũi. Điều này dẫn đến nguy cơ trẻ có thể bị mắc bệnh trước khi tiêm chủng.
Năm 2015 đã ghi nhận một số trường hợp mắc ho gà chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chủng chưa đủ mũi.
Những trẻ này nếu được tiêm chủng đúng lịch, đủ mũi thì sẽ được bảo vệ. Các bậc cha mẹ cũng chú ý theo dõi trẻ thường xuyên và liên tục tối thiểu 24 giờ sau khi tiêm chủng.
Các biểu hiện bất thường sau tiêm của trẻ như sốt cao (>39°C), co giật, khóc thét, quấy khóc kéo dài, bỏ bú, khó thở, tím tái, li bì, phát ban... cần được phát hiện sớm để được xử lý kịp thời tại các cơ sở y tế. Tiêm chủng đủ mũi, đúng lịch là biện pháp phòng bệnh chủ động tốt nhất cho trẻ em.
- Trân trọng cảm ơn Viện trưởng!