Vai trò của Trung Quốc trong cuộc khủng hoảng môi trường ở Biển Đông

Theo Giáo sư James Borton, việc Trung Quốc khai thác Biển Đông đang đe dọa tương lai của khu vực, thể hiện qua những thiệt hại về sinh thái, môi trường và kinh tế.
Vai trò của Trung Quốc trong cuộc khủng hoảng môi trường ở Biển Đông ảnh 1Tàu nạo vét, bồi lấp trái phép của Trung Quốc ở Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa (Việt Nam). (Nguồn: EPA)

Theo trang mạng taipeitimes.com, với việc các tàu chiến của Mỹ và Trung Quốc ngày càng dấn sâu vào trò chơi nguy hiểm, thách thức lẫn nhau với hy vọng đối phương sẽ rút lui trước khi xảy ra va chạm cũng như việc Trung Quốc biến các đảo san hô và các mỏm đá thành các đảo nhân tạo được quân sự hóa, Biển Đông cho thấy một bức tranh nổi bật về cạnh tranh chiến lược Trung-Mỹ.

Tuy nhiên, những yêu sách ngày càng gia tăng của Trung Quốc về chủ quyền ngoài khơi không chỉ thách thức chủ quyền lãnh thổ của các quốc gia khác và quyền tự do đi lại trên các tuyến đường biển quốc tế, mà còn đe dọa một nhân tố trung tâm của hệ sinh thái ở Đông Nam Á, và cũng là tương lai kinh tế của khu vực này.

Trung Quốc đã từ chối đưa vấn đề yêu sách lãnh thổ của họ ra thảo luận tại các diễn đàn quốc tế, mặc dù 6 trong số 10 quốc gia và vùng lãnh thổ xung quanh Biển Đông có yêu sách đối với nhiều bãi đá, bãi cạn, rạn san hô và tài nguyên ở vùng biển này.

Trung Quốc cũng đã phớt lờ phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA), theo đó khẳng định các quyền lịch sử của Philippines đối với quần đảo Trường Sa và bác bỏ yêu sách phi lý của Trung Quốc đối với khoảng 90% Biển Đông dựa trên cái gọi là “Đường 9 đoạn."

Đối với 600 triệu dân của Đông Nam Á, cuộc khủng hoảng liên quan tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông không phải là mối lo ngại trong tương lai xa.

Các hành động của Trung Quốc đã và đang làm tổn hại đến hệ sinh thái hàng hải và sinh kế của khu vực. Đây chính là bài học quan trọng mà Giáo sư James Borton - nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Chính sách Đối ngoại thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế Cấp cao Paul H. Nitze của Đại học Johns Hopkins - đã nêu trong cuốn “Các thông điệp từ Biển Đông: Điều hướng đến điểm chung."

Bỏ qua những cân nhắc về địa chính trị, giáo sư Borton tập trung vào một sự thật cơ bản, đó là việc Trung Quốc khai thác Biển Đông đang đe dọa tương lai của khu vực, thể hiện qua những thiệt hại về sinh thái, môi trường và kinh tế.

Đánh bắt thủy hải sản - trọng tâm trong cuốn sách của ông Borton

Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO) cho biết khoảng 15% đến 56% (tùy thuộc vào quốc gia) nguồn protein động vật được tiêu thụ ở Đông Nam Á đến từ các vùng biển lân cận, và thị trường toàn cầu phản ánh sự phong phú này.

Mặc dù chỉ chiếm 2,5% diện tích bề mặt đại dương của Trái Đất nhưng Biển Đông chiếm 12% sản lượng đánh bắt cá của thế giới. Theo Borton, một nửa trong số 3,2 triệu tàu đánh cá đã đăng ký của thế giới hoạt động ở khu vực này.

[Quân đội của Trung Quốc sẽ 'ngấm đòn' biến đổi khí hậu?]

Trong khi đánh bắt quá mức đang là một vấn đề toàn cầu ngày càng gia tăng, Trung Quốc rõ ràng đã góp phần một cách không cân xứng với đội tàu đánh cá hoạt động xa bờ gồm 2.500 tàu - con số có thể tăng lên 17.000 nếu tính cả các tàu không đăng ký và tàu bất hợp pháp.

Borton đã thu thập các câu chuyện trực tiếp từ ngư dân, giới quan chức và các nhà nghiên cứu, qua đó phản ánh mức độ suy thoái của các nguồn tài nguyên quan trọng ở Biển Đông.

Ước tính có khoảng 2.500 loài cá sinh sống trong vùng biển này, nhưng kể từ năm 2000, tỷ lệ đánh bắt đã giảm 70% và trữ lượng cá lớn giảm 90%. Trong nhiều năm, Trung Quốc đã đơn phương tuyên bố lệnh cấm đánh bắt, được cho là để bảo vệ nguồn cá.

Năm ngoái, Bắc Kinh đã thông qua luật mới trao quyền cho lực lượng hải cảnh Trung Quốc sử dụng vũ lực đối với các tàu thuyền của các quốc gia láng giềng mà nước này nghi ngờ là vi phạm lệnh đánh bắt ở Biển Đông.

Tuy nhiên, trong khi lực lượng dân quân hàng hải của Trung Quốc xua đuổi tàu thuyền của các quốc gia khác, các hoạt động đánh bắt cá của Trung Quốc trong các khu vực cấm của thế giới vẫn tiếp tục diễn ra. Như vậy, chỉ riêng Trung Quốc đã chiếm 20% sản lượng đánh bắt hằng năm của thế giới.

Những tác động sinh thái từ việc Trung Quốc xây dựng đảo trái phép gây không ít phiền toái. Biển Đông từng là nơi có 1/3 số rạn san hô trên thế giới, nhưng theo Giáo sư Borton, khoảng một nửa số này đã bị mất.

Các rạn san hô trên khắp thế giới cũng đang bị suy thoái do tác động của biến đổi khí hậu. Song, theo phán quyết của PCA năm 2016, Trung Quốc đã đẩy nhanh sự suy thoái này ở Biển Đông khi nạo vét hơn 259km2 rạn san hô khỏe mạnh để biến thành các đảo nhân tạo.

Giáo sư Borton coi việc không giải quyết được cuộc khủng hoảng Biển Đông là một điềm báo về thảm họa sinh thái. Đề cao công việc của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và các quan chức liên quan, ông giải thích bản chất của thách thức và các giải pháp khả thi.

Ông viết: “Cũng giống như đại dịch hiện nay đòi hỏi một cách tiếp cận hợp tác, Biển Đông đòi hỏi sự hợp tác khoa học... và truy cập mở vào dữ liệu”. Theo ông, “ngoại giao khoa học có thể thiết lập (…) một điểm khởi đầu cho hợp tác khu vực” và “một khoảng lặng rất cần thiết khi căng thẳng gia tăng."

Thật không may, việc Chính phủ Trung Quốc không thực hiện bất kỳ điểm nào trong số những điều kể trên trong cuộc khủng hoảng COVID-19 toàn cầu cũng là một điềm báo.

Bắc Kinh đã từ chối cung cấp thông tin cơ bản về tác động sinh thái từ việc xây dựng đảo nhân tạo của họ, ngay cả khi nước này mở rộng yêu sách lãnh thổ ra những khu vực khác của châu Á.

Các chiến thuật mạnh tay của Trung Quốc cùng việc nước này liên tục quân sự hóa các thực thể ở Biển Đông hầu như cho thấy họ không có ý định chia sẻ dữ liệu, ít đóng vai trò mang tính xây dựng trong việc bảo tồn các hệ sinh thái của khu vực.

Borton nhấn mạnh người dân và nhà khoa học cần hợp tác để tìm cách thu hẹp sự chia rẽ chính trị ở Biển Đông. Với sự quyết đoán của Trung Quốc, các doanh nghiệp có thể ở vị trí tốt hơn chính phủ để thực hiện các giải pháp mà ông đề xuất.

Từ những công ty khởi nghiệp đến những gã khổng lồ công nghệ, khu vực tư nhân đang tạo ra những công cụ mới giúp làm sáng tỏ hơn tình hình. Hệ thống vệ tinh và trí tuệ nhân tạo đã được sử dụng để thu thập và phân tích khối lượng lớn dữ liệu khí hậu phục vụ cho người dùng và các nhà nghiên cứu.

Microsoft, Google và Amazon đang thu thập và xuất bản nhiều dữ liệu khí hậu hơn, và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp như Larry Fink - Giám đốc điều hành của BlackRock - đang thúc đẩy công ty của họ điều chỉnh hoạt động sao cho phù hợp với chương trình khí hậu toàn cầu.

Tuy nhiên, mặc dù Borton đã đưa ra một cái nhìn tổng thể rõ ràng về cuộc khủng hoảng ở Biển Đông, việc thấu hiểu vấn đề không đảm bảo rằng những người có đủ khả năng giải quyết sẽ dám đương đầu với thách thức./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục