[Video] Dựng hàng rào sắt kiên cố bảo vệ cây gỗ sưa tiền tỷ

Để bảo vệ hàng gỗ sưa quý hiếm, Ban quản lý dự án các công trình giao thông Hà Nội đã tiến hành bọc khung sắt bảo vệ từ gốc cây đến thân cây, kèm theo đó là trục cống đỡ để giúp cây không bị đổ.

Trong quá trình thi công cầu vượt và mở rộng tuyến đường Nguyễn Văn Huyên (Cầu Giấy, Hà Nội), Ban quản lý dự án các công trình giao thông Hà Nội đã tiến hành cắt tỉa, di dời và lắp hàng rào sắt bảo vệ 34 cây sưa đỏ quý hiếm để đề phòng trộm cắp.

Cây gỗ sưa có hai loại là sưa trắng và sưa đỏ. Sưa đỏ có giá trị cao hơn nhờ màu gỗ và hương thơm.

Gỗ sưa đỏ có vân bốn mặt, mùi thơm thoang thoảng như hương trầm, trong khi sưa trắng chỉ có vân hai mặt và cũng không có mùi thơm.

Từ lâu gỗ sưa đỏ ở Việt Nam được coi là loại gỗ “còn quý hơn vàng.” Mỗi cây sưa 20 năm tuổi trở lên đều có giá hàng chục tỷ đồng.

[Vì sao cây sưa quý hiếm trên phố Thuốc Bắc bị chặt hạ trong đêm?]

Hiện nay, trong 250m đường đang thi công tại nút giao thông Nguyễn Văn Huyên-Hoàng Quốc Việt có tổng cộng 35 gốc sưa (trong đó gốc sưa đỏ có 34 gốc, còn lại 1 gốc là sưa trắng).

Nhiều năm qua loại gỗ sưa đã bị nghiêm cấm buôn bán trái phép. Tuy nhiên trên địa bàn Thủ đô vẫn xảy ra tình trạng cưa trộm gỗ sưa đỏ vào ban đêm.

Để bảo vệ hàng gỗ sưa quý hiếm này, Ban quản lý dự án các công trình giao thông Hà Nội đã tiến hành bọc khung sắt bảo vệ từ gốc cây đến thân cây, kèm theo đó là trục cống đỡ để giúp cây không bị đổ.

Việc bảo vệ cây sưa đỏ tuy làm giảm mỹ quan đô thị nhưng đó là sự cần thiết.

Theo bản thiết kế, mỗi gốc sưa sẽ được bọc, hàn sắt theo các hình dạng khác nhau. Nhưng vẫn phải đảm bảo đủ không gian để cây sinh trưởng và phát triển bình thường.

Ngoài ra, hệ thống camera an ninh giám sát cây sưa được đơn vị thi công lắp đặt ở mọi ngóc ngách và có nhân viên bảo vệ túc trực ngày đêm để đề phòng trộm cắp.

Trao đổi với phóng viên VietnamPlus, đại diện của đơn vị thi công ông Trần Nhật Thành cho biết: “Công tác di dời, bảo vệ cây sưa này để xén đường gom phải tuyến thuộc dự án xây dựng cầu vượt Nguyễn Văn Huyên này đã diễn ra từ sau ngày 12/5. Chúng tôi vẫn tiếp tục duy trì cái lồng bảo vệ như thế này cho đến hết thời hạn bảo hành của gói thầu. Sau khi công trình nút giao này hoàn thành chúng tôi sẽ giao cho Sở xây dựng Thành phố Hà Nội sẽ tiếp quản và quản lý những cây sưa này.”

Rất nhiều chuyên gia về lâm nghiệp cho rằng không nên trồng những cây gỗ có giá trị về kinh tế trên các tuyến phố mà thay vào đó là trồng những cây cho bóng mát, dễ chăm sóc và bảo vệ./.

(Vietnam+)