Viễn Đông - điểm đến tiềm năng cho doanh nghiệp Việt Nam

Vị trí địa lý gần gũi, diện tích rộng lớn, dân cư còn thưa, tài nguyên giàu có, chính sách thân thiện là những điều kiện khiến vùng Viễn Đông hấp dẫn đối với các doanh nghiệp Việt Nam.

Cảng hàng hóa Vladivostok ở vùng Viễn Đông của Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Cảng hàng hóa Vladivostok ở vùng Viễn Đông của Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Liên bang Nga trước thềm chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam của Tổng thống Vladimir Putin, Trưởng chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Viễn Đông Nguyễn Hồng Thành cho biết, trong 10 năm gần đây kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và vùng Viễn Đông đã tăng trưởng đáng kể, từ chưa đến 60 triệu USD năm 2015 lên gần 300 triệu USD năm 2023.

Mức tăng trưởng cao gấp 5 lần này là thành quả nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp xuất nhập khẩu hai bên trong những năm qua, cộng hưởng thêm từ hiệu quả của Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á-Âu (VN-EAEU FTA) và các tuyến vận tải biển nối liền cảng Vladivostok đến các cảng của Việt Nam, tuyến đường sắt liên vận qua Trung Quốc từ ga Gia Lâm của Việt Nam đến ga Chita của chủ thể liên bang Zabaikal.

Viễn Đông là vùng lãnh thổ rộng lớn, chiếm tới 41% diện tích về phía Đông của Liên bang Nga. Viễn Đông có vị trí địa lý rất quan trọng khi tiếp cận hai đại dương là Thái Bình Dương và Bắc Băng Dương, và được xem là cây cầu bắc sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Nga.

Vị trí địa lý gần gũi, diện tích rộng lớn, dân cư còn thưa, tài nguyên giàu có, chính sách thân thiện là những điều kiện khiến vùng đất này hấp dẫn đối với các doanh nghiệp Việt Nam.

Mặc dù Viễn Đông không phải thị trường lớn với dân số chỉ khoảng 8,2 triệu người, nhưng kim ngạch thương mại của vùng này với thế giới đạt mức cao.

Như vậy có thể thấy dư địa tăng trưởng thương mại giữa Việt Nam và vùng Viễn Đông còn rất lớn. Các doanh nghiệp Việt Nam có thể xem xét tăng khối lượng xuất khẩu các mặt hàng thế mạnh vào thị trường này, từ nông sản, thực phẩm chế biến, hàng tiêu dùng, hàng dệt may, da giày, cho đến những sản phẩm điện tử, điện máy, thiết bị và máy móc.

Hiện nay trên thị trường Viễn Đông đã xuất hiện khá nhiều hàng tiêu dùng, thực phẩm mang thương hiệu của Việt Nam. Tại các chuỗi siêu thị như Samberi, Remi của Viễn Đông đã xuất hiện nước trái cây, đồ uống có ga, đồ uống có cồn như bia, các loại thực phẩm chế biến của Việt Nam.

Về hợp tác kinh tế đầu tư, sự kiện đáng chú ý nhất là chuỗi sự kiện kỷ niệm 100 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Vladivostok và kỷ niệm ngày sinh nhật Bác. Tại sự kiện này Tập đoàn TH True Milk đã tổ chức khởi công dự án trang trại trồng cỏ nuôi bò và nhà máy chế biến sữa ở huyện Yakovlev ở vùng liên bang Primorie.

Đây là dự án mang tính biểu tượng về hợp tác kinh tế đầu tư giữa hai bên trong thời gian gần đây với tổng mức đầu tư lên đến 270 triệu USD. Dự án đã được chính quyền sở tại cấp cho 15.000 ha đất và được công nhận là thành viên của khu vực ưu tiên phát triển Mikhailovski.

ttxvn_vung_vien_dong_nga_1906-2.jpg
Cảng hàng hóa Vladivostok ở vùng Viễn Đông của Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Bên cạnh đó, Cơ quan đại diện và chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Viễn Đông đã và đang tích cực hỗ trợ các tập đoàn, tổng công ty trong nước đến Viễn Đông nghiên cứu khả năng hợp tác với địa phương trong nhiều lĩnh vực như xây dựng dân dụng, xây dựng công nghiệp tại các thành phố lớn ở Viễn Đông, hợp tác khai thác than tại Nam Sakhalin, hợp tác chế biến cá và bột cá tại Kamchatka, hợp tác chế biến gỗ tại Khabarovsk, đóng tàu và sửa chữa tàu biển tại Bolsoi Kamen.

Trưởng chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Viễn Đông Nguyễn Hồng Thành kỳ vọng các dự án hợp tác này sẽ sớm trở thành hiện thực, cũng như sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp Việt Nam xem Viễn Đông như điểm đến đầu tư và mở rộng hoạt động của mình tại lãnh thổ Liên bang Nga và khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Từ góc độ là đại diện Thương vụ Việt Nam tại Viễn Đông, ông Nguyễn Hồng Thành cho biết, vùng đất này tuy xa xôi và còn ít được nhắc đến tại Việt Nam song có nguồn tài nguyên biển, tài nguyên rừng, tài nguyên đất, khoáng sản và nguyên liệu hóa thạch vô cùng phong phú với trữ lượng lớn. Tại đây có trường đại học Viễn Đông nằm trong tốp 700 trường đại học uy tín trên thế giới, có khả năng cung cấp nhân lực chất lượng cao, các giải pháp công nghệ cao cho sự phát triển của doanh nghiệp.

Với chính sách hướng Đông đã được Chính phủ Liên bang Nga thực hiện hơn 10 năm nay, thông qua các luật như luật cảng tự do Vladivostok, luật khu vực ưu tiên phát triển, từ ngày 1/1/2025 sẽ có luật ưu tiên phát triển quốc tế nhằm thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài tới vùng này để phát triển kinh tế xã hội của vùng và thông qua các ưu đãi thuế, hải quan, về thu hút lao động nước ngoài và các ưu đãi khác trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp, có thể nói vùng Viễn Đông ngày nay là cánh cửa kết nối nền kinh tế Liên bang Nga với khu vực châu Á-Thái Bình Dương và thế giới.

Ông Nguyễn Hồng Thành nói các doanh nghiệp Việt Nam có thể xem xét khả năng tiếp tục tăng cường hợp tác không chỉ trong các lĩnh vực truyền thống, mà còn các lĩnh vực mới như phát triển công nghệ cao, hợp tác giáo dục, du lịch, cung ứng lao động...

Với vai trò là cầu nối dành cho các doanh nghiệp Việt Nam tại Viễn Đông, chi nhánh Thương vụ Việt Nam sẵn sàng cung cấp thông tin cũng như kết nối với đối tác và chính quyền sở tại cho các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm mở rộng hoạt động của mình tại đây, ông Nguyễn Hồng Thành khẳng định.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Hồng Thành cũng lưu ý về một rào cản còn tồn tại trong tăng cường kết nối và hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và vùng Viễn Đông. Ông cho biết đó là thông tin và khả năng thanh toán.

Trưởng chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Viễn Đông hy vọng, chuyến thăm lần này của Tổng thống Vladimir Putin đến Việt Nam sẽ mở ra những kênh kết nối về thông tin giữa doanh nghiệp hai nước, kênh kết nối về đi lại cho thương nhân, khách du lịch, đặc biệt là đường hàng không nối các địa phương hai nước và sẽ có những tháo gỡ trong thanh toán, mở rộng luồng thanh toán cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, những doanh nghiệp hợp tác đầu tư./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục