Việt Nam nỗ lực bảo vệ “cái nôi” đa dạng sinh học vùng đất ngập nước

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng dự thảo và trình ban hành Kế hoạch Hành động quốc gia về bảo tồn và sử dụng bền vững đất ngập nước với mục tiêu bảo vệ “cái nôi” đa dạng sinh học.
Việt Nam nỗ lực bảo vệ “cái nôi” đa dạng sinh học vùng đất ngập nước ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Với khoảng 12 triệu hécta, phân bố trên tất cả các vùng sinh thái, vùng đất ngập nước ở Việt Nam đang góp phần quan trọng giúp cân bằng sinh thái, “cái nôi” sinh tồn của hàng nghìn loài sinh vật, và là nguồn sống của hàng triệu người dân.

Vậy nhưng, các vùng đất ngập nước cũng đang ngày càng bị tác động mạnh mẽ bởi các hoạt động phát triển kinh tế của con người và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Nhiều vùng đất ngập nước đã bị biến mất, hay thu hẹp diện tích do sức ép khai thác, sử dụng đất ngập nước và các nguồn tài nguyên thiên nhiên gia tăng.

Trước thực tế trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng dự thảo và trình ban hành Kế hoạch Hành động quốc gia về bảo tồn và sử dụng bền vững đất ngập nước giai đoạn 2020 đến 2030, với mục tiêu bảo vệ “cái nôi” đa dạng sinh học.

Nhiều vùng đất ngập nước đang bị thu hẹp

Theo bà Hoàng Thị Thanh Nhàn, Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học (Tổng cục Môi trường), các vùng đất ngập nước có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự sống. Đất ngập nước cung cấp các dịch vụ hệ sinh thái quan trọng cho sự phát triển thịnh vượng của mỗi quốc gia, cung cấp nguồn lợi phục vụ cho phát triển nhiều ngành kinh tế, đặc biệt là thủy sản, nông nghiệp, du lịch.

Đất ngập nước còn có khả năng dự trữ cácbon, điều tiết nguồn nước, điều hòa khí hậu, hạn chế lũ lụt, là nơi lắng đọng phù sa, hình thành đất và tham gia tích cực trong vòng tuần hoàn các chất dinh dưỡng của hệ sinh thái toàn cầu. Đất ngập nước cũng là “cái nôi” quan trọng của đa dạng sinh học; bảo vệ, giảm thiểu tác động của bão, nhất là các hệ sinh thái rừng ngập mặn là tấm chắn bảo vệ vùng ven biển…

Theo số liệu thống kê, các vùng đất ngập nước đã cung cấp lương thực, thủy sản cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu đạt trên 10 tỷ USD chỉ riêng trong năm 2017. Khoảng 20 triệu người dân Việt Nam có thu nhập chính hoặc thu nhập một phần từ tài nguyên thủy sản và đang khai thác, sử dụng trên 300 loài hải sản và trên 50 loài thủy sản nước ngọt có giá trị kinh tế.

Trong những năm gần đây, giá trị của đất ngập nước được khai thác mạnh cho phát triển ngành du lịch như đảo Cát Bà, Côn Đảo, Phong Nha - Kẻ Bàng, Cần Giờ, Ba Bể, Tràm Chim,... là những điểm thu hút rất nhiều khách trong và ngoài nước.

[Nguy cơ sụp đổ hệ thống toàn cầu do khủng hoảng sinh thái]

Ngoài ra, đất ngập nước còn có giá trị về văn hóa, xã hội, lịch sử. Chính đất ngập nước là cội nguồn của nền văn minh lúa nước gắn với đời sống văn hóa, tinh thần và nhiều phong tục của người dân Việt Nam. Đáng chú ý, đất ngập nước còn có giá trị về nghiên cứu khoa học và giáo dục để giúp con người hiểu biết đầy đủ hơn sự vận hành của các hệ thống tự nhiên, góp phần bảo vệ và cải tạo môi trường, bảo tồn và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên phục vụ phát triển bền vững.

Chính vì lẽ đó, việc bảo tồn và phát triển bền vững các vùng đất ngập nước là một trong những mục tiêu ưu tiên trong các chính sách của Đảng và Nhà nước ta.

Dù vậy, bà Hoàng Thị Thanh Nhàn cũng lưu ý các vùng đất ngập nước ở Việt Nam đang ngày càng bị tác động mạnh mẽ bởi các hoạt động phát triển kinh tế của con người và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Thực tế thời gian qua cho thấy nhiều vùng đất ngập nước đã bị biến mất và thu hẹp diện tích do sức ép khai thác, sử dụng và các nguồn tài nguyên thiên nhiên trên các vùng đất ngập nước gia tăng.

Dẫn ví dụ chứng minh, bà Nhàn cho rằng việc quai đê, lấn biển hoặc san lấp các ao, hồ để phát triển các khu công nghiệp, các đô thị hoặc hạ tầng du lịch, ngăn các dòng chảy để làm thuỷ điện, hồ chứa có thể làm suy thoái, thu hẹp một cách nhanh chóng các vùng đất ngập nước.

Cùng với đó, ô nhiễm môi trường từ các khu công nghiệp, sử dụng phân bón, hóa chất quá mức cũng đã làm cho nhiều dòng sông không còn sức sống, các vùng biển ven bờ bị suy thoái nặng nề. Điển hình là vụ ô nhiễm do chất thải Formosa Hà Tĩnh gây tổn thất nặng nề hệ sinh thái ven biển miền Trung.

Việt Nam nỗ lực bảo vệ “cái nôi” đa dạng sinh học vùng đất ngập nước ảnh 2Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Ngoài ra, việc khai thác, đánh bắt quá mức cũng đã ảnh hưởng đến nguồn lợi và đa dạng sinh học của vùng đất ngập nước. Nhiều loài thủy sản có giá trị cao bị suy giảm nghiêm trọng về số lượng cá thể như cá anh vũ, cá lăng, tôm hùm…

Phục hồi đất suy thoái, mở rộng diện tích khu Ramsar

Trước thực trạng nêu trên, ngày 29/7/2019 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 66/2019/NĐ-CP ngày về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã xây dựng dự thảo và trình ban hành Kế hoạch Hành động quốc gia về bảo tồn và sử dụng bền vững đất ngập nước giai đoạn 2020 đến 2030.

Mục tiêu đặt ra là bảo tồn các vùng đất ngập nước ở Việt Nam thông qua việc thúc đẩy phát triển các giá trị sinh thái, văn hóa, kinh tế và xã hội của vùng đất ngập nước trên toàn quốc; huy động được sự tham gia của các bên có liên quan, cộng đồng, các khu vực tư nhân trong quản lý và sử dụng bền vững các dịch vụ hệ sinh thái đất ngập nước nhằm đáp ứng các cam kết quốc tế của Việt Nam về quản lý đất ngập nước và đa dạng sinh học, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội, ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên.

Theo dự thảo này, đến năm 2025, Việt Nam sẽ kiện toàn hệ thống chính sách, pháp luật, tổ chức quản lý và cơ chế phối hợp liên ngành cấp Trung ương và địa phương về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước; hoàn thành việc kiểm kê, phân loại đất ngập nước Việt Nam và lồng ghép cơ sở dữ liệu về các vùng đất ngập nước vào cơ sở dữ liệu quốc gia về đa dạng sinh học, dữ liệu kiểm kê đất đai.

Việt Nam cũng sẽ nỗ lực phục hồi ít nhất 10% diện tích các vùng đất ngập nước quan trọng có dấu hiệu suy thoái; thành lập được 5 khu bảo tồn đất ngập nước và đề cử thành công 3 khu Ramsar; triển khai các mô hình công-tư, mô hình kết hợp sự tham gia của các bên liên quan trong quản lý, sử dụng khôn khéo tài nguyên và dịch vụ hệ sinh thái các vùng đất ngập nước quan trọng.

Cùng với đó là nâng cao nhận thức, sự tham gia, ủng hộ của xã hội về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước trên toàn quốc. Mạng lưới các khu Ramsar được mở rộng và vận hành hoạt động có hiệu quả.

[“Đóng cửa” vĩnh viễn các thị trường động vật hoang dã phòng Covid-19]

Hiện Việt Nam có 9 khu Ramsar là Vườn Quốc gia Xuân Thủy, Vùng đất ngập nước Bàu Sấu của Vườn Quốc gia Cát Tiên, Hồ Ba Bể, Vườn Quốc gia Tràm Chim, Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau Vườn Quốc gia Côn Đảo, Khu Ramsar Láng Sen, Vườn Quốc gia U Minh Thượng, Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long.

Đến năm 2030, Việt Nam sẽ đảm bảo tất cả các vùng đất ngập nước quan trọng trên toàn quốc được tổ chức quản lý, bảo tồn và sử dụng khôn khéo cùng với việc phục hồi 25% diện tích các vùng đất ngập nước quan trọng; thành lập ít nhất 10 khu bảo tồn đất ngập nước và đề cử thành công ít nhất 5 khu Ramsar trên toàn quốc./.

Đất ngập nước Việt Nam có diện tích khoảng 12 triệu héc ta, đa dạng về kiểu loại và phân bố ở mọi vùng sinh thái của đất nước.

Theo phân loại của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam có 26 kiểu loại đất ngập nước khác nhau, bao gồm đất ngập nước biển và ven biển, đất ngập nước nội địa và nhân tạo. Đa dạng sinh học của đất ngập nước cũng hết sức phong phú với khoảng 1.028 loài cá, 848 loài chim, 800 loài động vật không xương sống ở hệ sinh thái nước ngọt và trên 11.000 loài sống ở hệ sinh thái đất ngập nước biển, ven biển.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục