Vinatex: Không còn tồn kho lớn, doanh nghiệp sợi bắt đầu có lãi

Theo lãnh đạo Vinatex, tuy tốc độ tăng trưởng quý 1 có chậm hơn so với cùng kỳ năm ngoái, song xuất khẩu dệt may theo chu kỳ thường tăng trưởng mạnh nhất vào quý 3.
Vinatex: Không còn tồn kho lớn, doanh nghiệp sợi bắt đầu có lãi ảnh 1Công nhân dệt may trên dây chuyền sản xuất. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Theo ông Cao Hữu Hiếu, Giám đốc Điều hành Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực may đã có đơn hàng hết quý 3, thậm chí là hết năm 2019. Đây là tín hiệu tích cực để ngành hoàn thành mục tiêu đề ra trong năm nay.

Nhằm hiểu rõ hơn hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành, cũng như đánh giá tác động của Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), ông Cao Hữu Hiếu đã có một số chia sẻ với VietnamPlus về những nội dung trên.

[Công nghiệp chế biến, chế tạo chịu tác động gì khi tham gia CPTPP]

- Kết thúc quý 1/2019, tình hình sản xuất, xuất khẩu của các doanh nghiệp ngành dệt may cũng như của Vinatex như thế nào thưa ông?

Ông Cao Hữu Hiếu: Quý 1, tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may toàn ngành ước đạt 8,69 tỷ USD, tăng 11,31% so với cùng kỳ 2018, trong đó kim ngạch xuất khẩu tới thị trường Mỹ ước đạt 3,42 tỷ USD, tăng 10,73%; tới EU ước đạt 1,48 tỷ USD, tăng 11,81%; tới Nhật Bản đạt 964 triệu USD, tăng 6,59%.

Nhìn chung, tốc độ tăng trưởng có chậm hơn so với cùng kỳ năm ngoái (ở mức 14,89%) song điều này cũng chưa nói lên được xu hướng của cả năm 2019 vì xuất khẩu dệt may theo chu kỳ, thường tăng trưởng mạnh nhất vào quý 3 hàng năm.

Với các doanh nghiệp thuộc Vinatex, ước kim ngạch xuất khẩu quý 1 đạt 594 triệu USD, tăng nhẹ 0,7% so với cùng kỳ và bằng 20% so với kế hoạch năm 2019.

Còn về đơn hàng, với các doanh nghiệp sợi, sau một thời gian bị ảnh hưởng bởi tình hình căng thẳng thương mại Mỹ - Trung cuối năm 2018, cho tới thời điểm hiện tại thị trường sợi đã khá hơn, không còn tình trạng vận hành lỗ hoặc tồn kho lớn nữa, đã dần hòa vốn và có lãi. Hiện tại đa phần các doanh nghiệp đã có đơn hàng hết quý 2.

Trong khi đó, với các doanh nghiệp may nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng hết quý 3, thậm chí là hết năm 2019.

- Kim ngạch xuất khẩu dệt may vào một số thị trường trong quý 1:

- Sau gần 3 tháng có hiệu lực, hiệp định CPTPP đã có đóng góp ra sao trong kết quả đó?

Ông Cao Hữu Hiếu: Hiệp định có hiệu lực đối với Việt Nam vào ngày 14/1/2019. Hiện tại Hiệp định đã có hiệu lực đối với 7/11 nước, trong đó có Nhật Bản, Singapore, Canada, Mexico, Australia, New Zealand.

Kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam sang thị trường này năm 2018 khoảng 5,3 tỷ USD, trong đó riêng Nhật Bản là 4 tỷ USD.

Trong các nước thuộc khối CPTPP, thì Canada và Australia là hai thị trường lý tưởng mà dệt may Việt Nam có định hướng đẩy mạnh xuất khẩu trong thời gian tới do dung lượng nhập khẩu của Canada vào khoảng 13-14 tỷ USD/năm, Australia khoảng 9 tỷ USD/năm và hiện thị phần của Việt Nam tại hai thị trường này còn khiêm tốn (dưới 5%).

Tuy nhiên, để hưởng ưu đãi thuế quan tới các nước CPTPP nói chung và hai thị trường này nói riêng thì cần thỏa mãn điều kiện về xuất xứ “từ sợi trở đi.” Do vậy dù hiệp định đã có hiệu lực nhưng cần độ trễ nhất định sau một vài năm mới đánh giá được tác dụng tích cực của CPTPP.

Hiện tại, sau 3 tháng có hiệu lực chúng tôi chưa thấy tín hiệu xuất khẩu tăng trưởng tới các thị trường trong khối CPTPP mà chủ yếu vẫn đang tập trung vào các thị trường truyền thống.

Vinatex: Không còn tồn kho lớn, doanh nghiệp sợi bắt đầu có lãi ảnh 2Ông Cao Hữu Hiếu, Giám đốc điều hành Tập đoàn Dệt may Việt Nam. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

- CPTPP có quy định về tự chứng nhận xuất xứ, quy định này nếu được tận dụng sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm đáng kể thời gian, chi phí. Tuy nhiên cho đến nay số lượng doanh nghiệp có thể tự chứng nhận xuất xứ chưa nhiều, theo ông đâu là nguyên nhân của hiện trạng trên?

Ông Cao Hữu Hiếu: Các nước khác trong CPTPP cho phép doanh nghiệp xuất khẩu của họ được tự chứng nhận xuất xứ 100%.

Về mặt thủ tục hành chính, cơ chế chứng nhận xuất xứ (C/O) đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam kém thông thoáng hơn so với các nhà sản xuất và xuất khẩu khác trong CPTPP.

Mặc dù cam kết trong CPTPP cho phép Việt Nam được áp dụng song song ngoài cấp C/O truyền thống còn cho phép nhà xuất khẩu đủ điều kiện (approved exporter) được tự chứng nhận xuất xứ.

Việt Nam duy trì hình thức cấp C/O truyền thống do tổ chức cấp C/O cấp cho hàng xuất khẩu, thời gian tối đa là 12 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực. Nguyên tắc áp dụng là các nước thành viên nhập khẩu coi C/O Việt Nam cấp tương tự như Chứng từ tự chứng nhận xuất xứ của các nước khác, không quan tâm cơ quan chứng nhận phải là tổ chức cấp hay doanh nghiệp tự chứng nhận.

Ngoài ra, C/O của Việt Nam phải đảm bảo đủ thông tin tối thiểu theo quy định của hiệp định. Chính vì quy định vẫn duy trì hình thức cấp C/O truyền thống với hàng xuất khẩu của Việt Nam do vậy tỷ lệ doanh nghiệp tự chứng nhận xuất xứ là ít.

Theo quy định, Việt Nam, Brunei, Malaisia, Mexico, Peru có 5 năm chuyển đổi kể từ khi hiệp định có hiệu lực để thực hiện hình thức nhà nhập khẩu tự chứng nhận xuất xứ.

Vinatex: Không còn tồn kho lớn, doanh nghiệp sợi bắt đầu có lãi ảnh 3Quý 1, xuất khẩu dệt may tới thị trường Mỹ tăng 10,73%. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

- Vậy ông có khuyến cáo gì với các doanh nghiệp dệt may trong nước cũng như các cơ quan quản lý Nhà nước nhằm giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn trong quá trình tự chứng nhận xuất xứ, tận dụng triệt để hơn nữa các ưu đãi từ CPTPP?

Ông Cao Hữu Hiếu: Cũng tương tự như các FTA đã ký trước đây, cam kết về xuất xứ hàng hóa trong CPTPP gồm 2 phần là Quy tắc xuất xứ và Thủ tục chứng nhận xuất xứ.

Về phía Việt Nam, thông tư 03/2019/TT-BCT ngày 22/1/2019 của Bộ Công Thương có hiệu lực vào ngày 8/3/2019 nội luật hóa 2 nội dung cam kết về xuất xứ nói trên.

Đối với Quy tắc xuất xứ cho dệt may, Thông tư 03 có quy định Quy tắc cụ thể mặt hàng tại Phụ lục 7 và danh mục Nguồn cung thiếu hụt tại Phụ lục 8.

Dù vậy, vẫn chưa có quy định riêng về cách áp dụng Bộ hàng hóa đối với dệt may, mới có quy định về Bộ hàng hóa chung cho tất cả các hàng hóa.

Bên cạnh đó, về thủ tục chứng nhận xuất xứ, hiện chưa nội luật hóa trường hợp Xác minh xuất xứ tại cơ sở sản xuất riêng cho dệt may. Do vậy, để các doanh nghiệp dệt may trong nước tận dụng tốt quy tắc tự chứng nhận xuất xứ, tôi nghĩ cần đưa ra quy chế thông thoáng, đơn giản hơn trong việc cấp C/O với hàng xuất khẩu.

Theo tôi, không phải doanh nghiệp dệt may trong nước nào cũng nắm rõ các quy định về thủ tục tự chứng nhận xuất xứ theo Hiệp định CPTPP, thủ tục đăng ký thông tin với nước xuất khẩu, thủ tục lưu trữ hồ sơ… khi nước nhập khẩu tổ chức các đoàn kiểm tra bất chợt. Do đó các cơ quan chủ quản Việt Nam nên tổ chức một số buổi tập huấn trọng điểm về các vấn đề này cho doanh nghiệp nắm thật rõ thông tin, tránh làm sai trong vấn đề này.

- Xin cảm ơn ông./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục