Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, Tập đoàn Vingroup, nhà đầu tư trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh, phân phối, Tập đoàn đa ngành sở hữu chuỗi bán lẻ là các trung tâm thương mại lớn tại Việt Nam đã đăng ký mua 10% vốn điều lệ tương đương 50.000.000 cổ phiếu.
Ngoài ra. Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Phát triển Việt Nam (VID), hoạt động trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh phân phối, đơn vị đầu ngành về phát triển Khu Công nghiệp tại Việt Nam cũng đăng ký mua 14% vốn điều lệ tương đương 70.000.000 cổ phiếu.
Ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn dệt may Việt Nam cho biết, quyết định cổ phần hóa Vinatex được Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt thì doanh nghiệp sẽ có tối đa 3 nhà đầu tư chiến lược, trong đó 1 nhà đầu tư trong lĩnh vực tài chính, tối đa 2 nhà đầu trong lĩnh vực sản xuất, phân phối.
Trước đó, thời điểm bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của Vinatex theo dự kiến đã phải lùi lại hai tháng, từ ngày 22/7 sang ngày 22/9, theo đề nghị của Vinatex và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Theo phương án cổ phần hóa đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt, Vinatex có vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng, tương ứng tổng số cổ phần là 500 triệu cổ phần, trong đó nhà nước nắm giữ 255 triệu cổ phần, chiếm 51% vốn điều lệ, bán ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp 3 triệu cổ phần (chiếm 0,6%) bán cho nhà đầu tư chiến lược 120 triệu cổ phần (chiếm 24%); bán đấu giá công khai 122 triệu cổ phần, chiếm 24,4% vốn điều lệ.
Dựa theo quy chế bán đầu giá cổ phần lần đầu ra công chúng của Công ty mẹ - Tập đoàn Dệt May Việt Nam, thời gian để các nhà đầu tư làm thủ tục đăng ký và đặt cọc chậm nhất đến 16 giờ ngày 12/9.
Thời gian tổ chức đấu giá từ 8 giờ 30 phút ngày 22/9 tại Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh.
Dự kiến, giá khởi điểm để đấu giá cổ phiếu của Vinatex là 11.000 đồng/cổ phần. Như vậy, nếu bán hết toàn bộ lượng cổ phần chào bán ra thị trường, Vinatex sẽ thu về 1.342 tỷ đồng./.