WFP dừng hoạt động, Dải Gaza đối mặt nguy cơ khủng hoảng nhân đạo

Hamas, lực lượng kiểm soát Dải Gaza, đang phối hợp với Chính quyền Palestine (PA) để kêu gọi các quốc gia tài trợ cho Chương trình Lương thực Thế giới (WEP) tiếp tục hoạt động.
WFP dừng hoạt động, Dải Gaza đối mặt nguy cơ khủng hoảng nhân đạo ảnh 1Các tòa nhà bị phá hủy sau cuộc không kích do Israel tiến hành tại Dải Gaza ngày 9/5/2023. (Ảnh: AA/TTXVN)

Ngày 2/6, báo chí Israel dẫn các nguồn tin ở Dải Gaza và Bờ Tây bày tỏ sự lo ngại ngày càng gia tăng về nguy cơ xảy ra khủng hoảng nhân đạo tại đây sau khi Liên hợp quốc thông báo hoạt động của Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) ở vùng lãnh thổ này sắp phải dừng lại.

Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, một quan chức cấp cao của Hamas - lực lượng kiểm soát Dải Gaza, cho biết đang phối hợp với Chính quyền Palestine (PA) - lực lượng quản lý Bờ Tây, để kêu gọi các quốc gia tài trợ cho WFP tiếp tục hoạt động. Kinh phí hằng năm của chương trình cứu trợ này vào khoảng 200 triệu USD.

[Chương trình Lương thực Thế giới sắp dừng hoạt động ở Dải Gaza]

Hamas và PA không có khả năng tài trợ thay thế và ngay cả viện trợ của Qatar, cung cấp 100 USD/tháng cho hàng chục nghìn gia đình ở Gaza, cũng sẽ không thể thay thế chương trình WFP của Liên hợp quốc.

Bộ trưởng Phúc lợi của PA, Ahmed Majdalani, cho rằng việc chấm dứt chương trình viện trợ là một diễn biến cực kỳ nguy hiểm.

Một quan chức khác của Hamas cảnh báo khoảng 200.000 người dân tại đây sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp, chưa tính hàng chục nghìn người khác bị ảnh hưởng gián tiếp.

Một báo cáo gần đây do tổ chức Al-Mezan có trụ sở tại Gaza thực hiện cho thấy sau cuộc xung đột vũ trang mới nhất với Israel hồi tháng trước, 64% số hộ gia đình ở Dải Gaza đối mặt với nguy cơ thiếu lương thực và 40% thiếu lương thực nghiêm trọng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục