WMO duyệt ngân sách 286,6 triệu USD để giảm thiểu rủi ro thiên tai

VMO thông qua ngân sách hơn 286,6 triệu USD trong giai đoạn 2016-2019 và ưu tiên các chương trình nghị sự toàn cầu về giảm rủi ro thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu, thúc đẩy phát triển bền vững.
WMO duyệt ngân sách 286,6 triệu USD để giảm thiểu rủi ro thiên tai ảnh 1Cảnh ngập lụt tại thủ đô Accra của Ghana ngày 4/6. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 12/6, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) đã kết thúc khóa họp Đại hội đồng tại trụ sở Geneva (Thụy Sĩ) với việc thông qua một chiến lược mới, thông qua ngân sách 2016-2019 và bổ nhiệm tân Tổng thư ký.

Chiến lược mới của WMO đặt ra một số ưu tiên cho các chương trình nghị sự toàn cầu hậu 2015 gồm giảm thiểu rủi ro thiên tai, cung cấp dịch vụ giúp thích ứng với biến đổi khí hậu, thúc đẩy phát triển bền vững, tăng cường năng lực, nghiên cứu, giám sát và các hệ thống thông tin.

Đại hội đồng cũng thông qua ngân sách thường xuyên 266,2 triệu franc Thụy Sĩ (khoảng 286,6 triệu USD) trong giai đoạn 2016-2019, tăng 2% so với giai đoạn 2012-2015.

Đại hội đồng cũng đã bổ nhiệm ông Petteri Taalas, Tổng Giám đốc Viện khí tượng Phần Lan, làm Tổng thư ký WMO nhiệm kỳ 4 năm, bắt đầu từ ngày 1/1/2016.

Ông Taalas sẽ lên thay ông Michel Jarraud quốc tịch Pháp, người đã nắm giữ chức vụ này ba nhiệm kỳ.

Theo số liệu của WMO, trong một thập kỷ qua, thảm họa thiên nhiên đã gây ra tổn thất từ 10-50 tỷ USD mỗi năm (chỉ tính những tổn thất được bảo hiểm).

Trong giai đoạn từ giữa năm 1970 đến năm 2012, gần 2 triệu người đã tử vong do thảm họa thiên nhiên, mặc dù đã có hệ thống cảnh báo sớm và công tác phòng chống thiên tai cũng được cải thiện đáng kể.

WMO chuyên thúc đẩy hợp tác thông tin trong lĩnh vực khí tượng thế giớí; hỗ trợ thiết lập mạng lưới dịch vụ khí tượng và mạng lưới trạm khí tượng ở các nước và khu vực; hỗ trợ sử dụng thông tin về khí tượng trong hàng không, hàng hải, công nghiệp và các hoạt động khác; thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, đào tạo trong các lĩnh vực khí tượng.

Việt Nam là thành viên của WMO từ năm 1975. Trong những năm qua, WMO đã giúp Việt Nam đào tạo các cán bộ chuyên ngành và triển khai một số dự án thông chương trình giúp đỡ tự nguyện hay hợp tác kỹ thuật./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục