Nguồn gốc đất là một trong những thông tin sẽ được ghi nhận chi tiết trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ, sổ hồng) theo quy định của Luật Đất đai năm 2024. Tuy nhiên, một số địa phương vẫn còn lúng túng trong việc xác minh nguồn gốc đất của người sử dụng, người chuyển nhượng.
Chính quyền địa phương có trách nhiệm cung cấp thông tin
Trong khuôn khổ Hội nghị phổ biến các nghị định quy định chi tiết thi hành Luật đất đai năm 2024, do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức mới đây, đại điện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sóc Trăng cho biết đơn vị đang gặp khó trong việc công nhận quyền sử dụng đất, gia hạn quyền sử dụng đất nông nghiệp cho người dân. Lý do bởi nhiều trường hợp trước những năm 1991-1992 sử dụng đất theo hình thức “chia sẻ” giữa các hộ dân với nhau.
Trong khi cơ quan chuyên môn xem xét cấp giấy chứng nhận đối với những trường hợp trực tiếp sử dụng đất nông nghiệp ổn định…
“Vấn đề thứ hai là vướng về thủ tục hành chính, hiện nay không có quy định là cơ quan nào sẽ xác nhận đối tượng đề nghị cấp giấy chứng nhận là sử dụng đất trực tiếp hay không trực tiếp; làm sao để biết hộ dân nào, cá nhân nào sẽ được nhận quyền sử dụng đất theo hạn mức nhận chuyển nhượng,” đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Sóc Trăng băn khoăn.
Luật Đất đai 2024: Công cụ giúp thị trường bất động sản minh bạch hơn
Luật Đất đai 2024 và các văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành đã tạo ra hành lang pháp lý đầy đủ để các địa phương tổ chức thực hiện, giải quyết những tồn đọng kéo dài liên quan đến định giá đất.
Giải đáp thắc mắc trên, Thứ trưởng Lê Minh Ngân nhấn mạnh hiện nay đã có cơ sở dữ liệu dân cư kết nối với cơ sở dữ liệu đất đai, có chính quyền ủy ban nhân dân cấp xã, nên ai, cơ quan nào thụ lý hồ sơ để xác nhận thì phải làm nhiệm vụ xác minh.
Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất khi nhận hồ sơ của cá nhân thì phải yêu cầu kê khai và muốn kiểm tra thành phần đất có đúng hay không thì văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất phải thông qua cơ sở dữ liệu dân cư; yêu cầu chính quyền địa phương nơi có đất phải có trách nhiệm cung cấp thông tin.
“Không thể bắt người sử dụng đất phải tự đi chứng minh được. Cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền khi thụ lý hồ sơ phải có trách nhiệm thẩm tra, xác minh để thực hiện theo đúng quy định, chứ không phải bắt người dân (như trước đây) phải photo cả đống tài liệu để chứng minh quyền sử dụng đất,” ông Ngân nhấn mạnh.
Cũng tại hội nghị, bày tỏ băn khoăn về vấn đề triển khai dự án nhà ở thương mại, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh Lê Ngọc Huấn cho hay tại điểm b khoản 1, điều 127, Luật Đất đai năm 2024 quy định trường hợp sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại thì chỉ được thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất ở, trong khi điều 79 của luật này thì không đề xuất thu hồi đất.
“Như vậy dự án xây dựng nhà ở thương mại đầu tư trên các loại đất (trong đó có thể là đất ở, đất nông nghiệp hay các loại đất khác), mà không thuộc đối tượng Nhà nước thu hồi đất, cũng không thuộc đối tượng thỏa thuận, thì không thể triển khai được dự án. Đây là vấn đề rất khó khăn với tỉnh Hà Tĩnh,” ông Huấn trăn trở.
Giải đáp vấn đề trên, Thứ trưởng Lê Minh Ngân cho hay để tiếp cận dự án nhà ở thì trước hết vị trí thực hiện dự án phải thuộc đối tượng Nhà nước thu hồi đất theo điều 79 của Luật Đất đai năm 2024, quy định về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Trong đó, khoản 26 của điều này quy định dự án vùng phụ cận các điểm kết nối giao thông và các tuyến giao thông có tiềm năng phát triển.
“Đây là quy định rất mở, chỉ đề cập về mặt không gian mà không nói tới mặt dự án là thuộc đối tượng thu hồi đất. Tức là sau khi xây dựng xong kết cấu hạ tầng đồng bộ thì có không gian phát triển mới và tạo ra vùng phụ cận, mà vùng phụ cận thì đã được định nghĩa tại điều 3 của luật - là đối tượng được thu hồi đất,” ông Ngân nói.
Đăng ký đất đai lần đầu không quá 20 ngày làm việc
Thông tin thêm về Nghị định số 101/2024/NĐ-CP quy định về “Điều tra cơ bản đất đai; đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và hệ thống thông tin đất đai,” Phó Cục trưởng Cục Đăng ký dữ liệu và Thông tin đất đai Phạm Ngô Hiếu cho biết nghị định này gồm 5 chương để quy định chi tiết các nội dung được giao tại 44 Điều thuộc 3 Chương của Luật Đất đai 2024.
Trong đó, về điều tra, đánh giá đất đai, bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất, Luật Đất đai năm 2024 đã quy định cụ thể về: Nguyên tắc điều tra, đánh giá đất đai và bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất đai; các hoạt động điều tra, đánh giá đất đai nội dung điều tra, đánh giá đất đai bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất; tổ chức thực hiện điều tra đánh giá đất đai, bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất.
Tại Nghị định 101/2024/NĐ-CP đã cụ thể hóa trình tự tổ chức thực hiện điều tra, đánh giá đất đai; quy định cụ thể trình tự, thủ tục thẩm định, phê duyệt và công bố kết quả điều tra, đánh giá đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm đối với các các vùng kinh tế - xã hội và cả nước; cấp tỉnh có trách nhiệm đối với kết quả trong phạm tỉnh); trình tự tổ chức bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất.
Về thời gian giải quyết thủ tục đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, cấp giấy nhận (điều 22, Nghị định 101), ông Hiếu cho biết nội dung tại điều này được bố cục theo các trường hợp đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất theo quy định tại Luật Đất đai năm 2024.
Đặc biệt, để làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan trong việc đảm bảo thời gian giải quyết thủ tục thì Nghị định 101 đã quy định về thời gian theo hướng không tính thời gian cơ quan thuế xác định nghĩa vụ tài chính, thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất, thời gian xem xét xử lý đối với trường hợp sử dụng đất có vi phạm pháp luật, thời gian trưng cầu giám định…
Theo ông Hiếu, tại khoản 1 Điều 22 Nghị định 101/2024/NĐ-CP quy định đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất lần đầu là không quá 20 ngày làm việc; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất lần đầu là không quá 3 ngày làm việc.
Nghị định cũng quy định các trường hợp đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất phải cấp mới giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, gồm: Hợp thửa đất hoặc tách thửa đất; dự án đầu tư có sử dụng đất mà điều chỉnh quy hoạch xây dựng chi tiết dự án theo quy định của pháp luật về xây dựng hoặc trường hợp chủ đầu tư dự án đã được cấp giấy chứng nhận cho toàn bộ diện tích đất thực hiện dự án mà có nhu cầu cấp giấy chứng nhận cho từng thửa đất theo quy hoạch xây dựng chi tiết đã được phê duyệt./.