Xăng sinh học E5 - Khó kích cầu nếu thiếu cơ chế giá

Sau 3 tháng triển khai, có thể thấy, thị trường và người tiêu dùng đón nhận mặt hàng xăng sinh học E5 với thái độ khá dè dặt và thận trọng.
Xăng sinh học E5 - Khó kích cầu nếu thiếu cơ chế giá ảnh 1Người dân đổ xăng E5 RON 92. (Ảnh: Sỹ Thắng/TTXVN)

Sau 3 tháng triển khai, có thể thấy, thị trường và người tiêu dùng đón nhận mặt hàng xăng sinh học E5 với thái độ khá dè dặt và thận trọng.

Dù với quyết tâm thực hiện lộ trình của chính quyền các địa phương, cơ quan quản lý Nhà nước các cấp, các doanh nghiệp đầu mối và phân phối xăng dầu, cộng thêm sự ủng hộ từ các cơ quan truyền thông đại chúng về tính năng ưu việt và ý nghĩa của việc sử dụng xăng sinh học E5 trong đời sống xã hội, song tình hình tiêu thụ mặt hàng này chưa có chiều hướng cải thiện.

Để đẩy mạnh tiêu dùng và gia tăng thị phần của xăng E5 so với các mặt hàng xăng khoáng truyền thống thì dư luận xã hội đang băn khoăn đặt câu hỏi: Đâu là cơ chế giá phù hợp cho loại nhiên liệu sinh học này?

Thực tế cho thấy, trong những lần điều chỉnh giá xăng dầu gần đây nhất (kể từ khi Nghị định 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu chính thức có hiệu lực), xăng sinh học E5 được ấn định với mức giá ngang bằng xăng khoáng RON92.

Người tiêu dùng cũng đang được hưởng lợi ngày càng nhiều hơn khi giá xăng dầu thế giới và trong nước có xu hướng liên tục giảm.

Tuy nhiên, để thay đổi thói quen tiêu thụ xăng dầu của người dân sang dùng xăng sinh học E5, không phải chuyện một sớm, một chiều.

Quan trọng hơn là sẽ khó thuyết phục người tiêu dùng thay đổi thói quen lựa chọn khi xăng sinh học chưa xác định được khung cơ sở để tính giá thành cả đầu vào, lẫn đầu ra - vốn là điều cần được công khai, minh bạch như yêu cầu thường thấy lâu nay.

Để được đảm bảo quyền lợi, người tiêu dùng cần biết sản phẩm họ sử dụng được phối trộn thế nào? Chất lượng và quy chuẩn ra sao? Căn cứ vào đâu để tính giá thành? Tham chiếu với giá thế giới thì đắt hay rẻ hơn?...

Vướng mắc về giá là câu chuyện được đặt ra ngay từ khi đưa xăng E5 vào triển khai thử nghiệm.

Ông Nguyễn Sinh Khang, Phó Tổng Giám đốc, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết Nhà nước chưa có chính sách hỗ trợ tài chính cho công tác phân phối và tiêu dùng xăng E5.

Nhiều doanh nghiệp cũng chưa mặn mà đầu tư cho hệ thống cửa hàng xăng sinh học do chi phí để chuyển đổi cửa hàng khá tốn kém, chưa kể chi phí kinh doanh xăng E5 theo giá nguyên liệu và vận chuyển… nên chênh lệch cao hơn vài trăm đồng/lít so với kinh doanh xăng truyền thống.

Cũng theo xác nhận của Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng, hiện tại xăng E5 và xăng thông thường có giá thành như nhau vì tuân theo nguyên tắc thị trường, nhưng Chính phủ sẽ xem xét để hỗ trợ về thuế và phí cho xăng sinh học để khuyến khích doanh nghiệp và người tiêu dùng sử dụng loại xăng này.

Như vậy, có thể lý giải, khi doanh nghiệp và Nhà nước chưa thống nhất được một cơ chế giá phù hợp cho xăng sinh học E5 thì sẽ còn khó khăn trong việc kích cầu tiêu thụ nhiên liệu sinh học.

Để giải bài toán này, các doanh nghiệp xăng dầu đang kiến nghị Nhà nước sớm có chính sách cụ thể và dài hạn để đầu tư và khuyến khích nhiên liệu sinh học như miễn thuế nhập khẩu đối với thiết bị vật tư tồn trữ, vận chuyển, pha chế hay phân phối nhiên liệu sinh học trong nước chưa sản xuất được.

Đồng thời xem xét miễn thuế, phí môi trường đối với phần xăng nền để pha chế xăng E5; giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng E5 đưa vào lưu thông...

Ngoài đề xuất về chính sách hỗ trợ, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn PVN Nguyễn Xuân Sơn còn nhấn mạnh, để chủ trương phát triển xăng sinh học E5 đi vào cuộc sống, Nhà nước nên xem xét triển khai một chiến lược tuyên truyền, quảng bá về nhiên liệu sinh học mang tầm quốc gia nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng và kêu gọi sự hưởng ứng của toàn xã hội cùng tham gia bảo vệ môi trường.

Thực hiện Quyết định 53/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống, từ ngày 1/12/2014, xăng sinh học E5 được bán rộng rãi ở 7 tỉnh, thành phố trên cả nước là Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ và Bà Rịa-Vũng Tàu. Mặt hàng này cũng sẽ chính thức được sử dụng cho các phương tiện cơ giới đường bộ trên toàn quốc kể từ ngày 1/12/2015.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng từng nhấn mạnh, tăng cường việc sản xuất và tiêu thụ xăng E5 là chủ trương lớn nhằm đa dạng hóa các nguồn năng lượng quốc gia, giải quyết các vấn đề về môi trường và phát thải cácbon tại Việt Nam, góp phần vì một Việt Nam xanh, sạch hơn trong tương lai.

Với phân tích của một nhà chuyên môn, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam (Petrolimex) cho rằng, người sử dụng khi chuyển sang dùng xăng sinh học E5 hay E10 sẽ tiết kiệm được hơn so với xăng truyền thống. Máy móc cũng sẽ được vận hành tốt hơn, bền bỉ hơn.

Xăng sinh học do có 5% là cồn Etanol có khả năng làm tăng trị số octan (trị số chống khả năng kích nổ của động cơ) sẽ giúp thải ít chất độc hơn. Sản phẩm đốt cháy là CO2 và H2O, giảm ăn mòn máy móc hơn. Điều này rất tốt cho động cơ của phương tiện.

Sử dụng xăng E5 còn giúp giảm lượng nhiên liệu tiêu thụ, nên người sử dụng sẽ được hưởng lợi về mặt kinh tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục