Xử lý ô nhiễm ở Hà Nội bắt đầu từ đâu?

Tại Hà Nội, tình trạng ô nhiễm môi trường hiện nay được xác định là khá nghiêm trọng, có thể nói là ô nhiễm một cách toàn diện, từ không khí cho đến nước mặt, nước ngầm. Việc giải quyết vấn đề này còn vô vàn khó khăn.

Tại Hà Nội, tình trạng ô nhiễm môi trường hiện nay được xác định là khá nghiêm trọng, có thể nói là ô nhiễm một cách toàn diện, từ không khí cho đến nước mặt, nước ngầm. Việc giải quyết vấn đề này còn vô vàn khó khăn.
 
Không khí không còn trong lành
 
Chất lượng môi trường không khí của Hà Nội đã và đang có biểu hiện suy thoái, đặc biệt là ở các khu vực nội thành. Theo khảo sát của các cơ quan chức năng, nồng độ các chất khí gây ô nhiễm tăng dần qua các năm và nhiều khu vực đã vượt tiêu chuẩn cho phép, nhất là các khu vực có mật độ giao thông cao.
 
Cụ thể, nồng độ benzen vượt tiêu chuẩn từ 1 - 2 lần, nồng độ ôxit nitơ vượt tiêu chuẩn từ 1,08 - 1,24 lần, một số vị trí vượt đến 1,8 lần, nồng độ khí điôxit lưu huỳnh (SO2) vượt tiêu chuẩn từ 1,02-1,16 lần, nồng độ ôxit cacbon (CO) vượt tiêu chuẩn từ 1,03 - 1,31 lần. Đặc biệt, nồng độ bụi PM10 (bụi mịn, có kích thước nhỏ hơn 10 micron) vượt tiêu chuẩn cho phép từ 2 - 4 lần, ở một số vị trí vượt 6 - 7 lần.

Nguyên nhân chủ yếu là do công nghệ của các cơ sở sản xuất công nghiệp, đặc biệt tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn phần lớn là cũ kỹ và lạc hậu, không áp dụng đầy đủ các biện pháp giảm thiểu khí thải. Hầu hết các cơ sở nghề truyền thống đều không có các biện pháp xử lý khí thải.
 
Ngoài ra, cơ sở hạ tầng giao thông của thành phố cũng chưa tốt trong khi tốc độ phát triển các phương tiện giao thông cơ giới tăng nhanh (đến nay thành phố có khoảng 2,4 triệu xe máy và 250.000 ôtô). Chất lượng các phương tiện giao thông lại chưa cao, chưa được kiểm soát chặt chẽ về khí thải, thiếu các biện pháp che chắn khi vận chuyển phế thải, vật liệu xây dựng.
 
Nước đã hết trong xanh
 
Tại các sông hồ của Hà Nội, mức độ ô nhiễm cũng lên mức báo động. Đánh giá chung của Ủy ban Nhân dân thành phố là chất lượng nước 4 sông thoát nước chính (Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét), các kênh mương tiêu thoát, các cống ngầm đang bị ô nhiễm nặng.
 
Nước sông Tô Lịch vào mùa khô hàm lượng ôxy hòa tan thấp hơn so với tiêu chuẩn cho phép trung bình 2,31 lần, nhu cầu ôxy sinh học vượt 7,13 lần, nhu cầu ôxy hóa học vượt 9,86 lần; tổng chất rắn lơ lửng vượt 2,11 lần… Nước các sông Kim Ngưu, Lừ, Sét đều có màu đen, bốc mùi hôi thối.
 
Đặc biệt, nước thải của Khu công nghiệp Vĩnh Tuy (có sản xuất công nghiệp dệt, nhuộm) và một số cơ sở công nghiệp cơ khí, hóa chất được xả vào đoạn đầu và cuối của sông nên vào mùa khô hàm lượng kim loại nặng rất cao.
 
Các hồ chứa nước và hồ điều hòa đều bị ô nhiễm. Các hồ đều có hiện tượng bị phú dưỡng, trong đó có rất nhiều tảo xanh (đặc biệt là hồ Ba Mẫu); các hồ gần khu vực dân cư như hồ Đống Đa, Giảng Võ, Thành Công, Thanh Nhàn có lượng coliform rất lớn, vượt tiêu chuẩn cho phép từ 100 đến trên 200 lần, vào mùa khô vượt đến hơn 700 lần…
 
Nguyên nhân gây ô nhiễm là do nước thải công nghiệp, sinh hoạt, bệnh viện và từ các làng nghề khu vực nông thôn. Đơn cử, tổng khối lượng nước thải công nghiệp trên địa bàn thành phố từ 100.000 – 120.000 m3/ngày nhưng chỉ có 20 - 30% được xử lý, 1/10 khu công nghiệp tập trung mới và 3/25 cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải.
 
Đó là chưa kể trong 700.000 m3/ngày nước thải sinh hoạt nhưng chỉ có khoảng 48.500 m3 được xử lý; 40/48 bệnh viện do thành phố quản lý và tất cả 1.270 làng nghề đều chưa có hệ thống xử lý nước thải mà thải trực tiếp ra sông hồ.
 
Chất thải rắn - xử lý được ít, thải ra nhiều
 
Tổng lượng rác thải sinh hoạt đô thị của thành phố khoảng trên 3.000 tấn/ngày. Chất thải xây dựng trên 1.000 tấn/ngày. Chất thải công nghiệp và công nghiệp nguy hại khoảng 150 tấn/ngày. Chất thải y tế nguy hại khoảng trên 5 tấn/ngày. Lượng rác thải sinh hoạt khu vực nông thôn ước khoảng 2.000 tấn/ngày…
 
Tuy nhiên, công tác xử lý chất thải rắn chủ yếu vẫn là chôn lấp. Tại các huyện thuộc Hà Tây trước đây thậm chí còn đổ tại các bãi rác lộ thiên, hoặc sử dụng ao hồ làm nơi chứa rác gây ô nhiễm nước mặt và nước ngầm nghiêm trọng.

Vấn đề ô nhiễm môi trường của Hà Nội đã được đề cập, cảnh báo từ lâu. Dù đã có những chủ trương, kế hoạch, chính sách giải quyết cụ thể nhưng tình trạng ô nhiễm ngày càng trầm trọng hơn mà vấn đề chủ yếu là do tốc độ xử lý không theo kịp với tốc độ ô nhiễm do nhiều nguyên nhân, khó từ ý thức của người dân cho đến cơ chế, chế tài, kinh phí và quy hoạch…
 
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Vũ Hồng Khanh cho biết, hiện thủ đô đang tập trung quyết liệt vào hai vấn đề chính là nước sạch và rác thải. Hà Nội cũng đã ra quy chế thử nghiệm xử lý làm sạch nước hồ, ao. “Hà Nội hiện có một hội đồng khoa học xác định xem công nghệ nào có nhiều ưu thế nhất để đến tháng 10 năm nay sẽ tổng hợp, công bố và áp dụng rộng rãi”./.
 
(Tin Tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục