Bài 1: 'Không thể vì lợi ích của gia đình mà đẩy gánh nặng cho xã hội'

Xử lý rác thải rắn sinh hoạt tại nguồn: 'Mệnh lệnh' không thể trì hoãn

Để cải thiện tình trạng "tắc-ngập" rác thải, giới chuyên gia cho rằng Việt Nam cần phải tổ chức tốt việc thu gom, phân loại rác thải rắn sinh hoạt tại nguồn, đảm bảo đồng bộ từ "gốc" tới "ngọn."
Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng nếu không phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng nếu không phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Lời tòa soạn!

Từ năm 2015 đến nay, Hà Nội - “trái tim” của cả nước đã trải qua gần 20 lần “ngập” trong rác thải rắn sinh hoạt bởi các khu xử lý chôn lấp rác thải lớn nhất của thành phố là Nam Sơn và Xuân Sơn lần lượt bị quá tải.

Điều đáng nói là, cùng với Thủ đô, tình trạng “tắc” - “ngập” rác thải sinh hoạt cũng đang xảy ra phổ biến tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Bất cập lớn nhất trong xử lý rác bấy lâu nay vẫn chủ yếu là xuất phát từ biện pháp chôn lấp (chiếm 70%), dẫn đến việc nhiều bãi rác bị quá tải, không hợp vệ sinh, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Theo số liệu thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện nay, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên cả nước là khoảng 60.000 tấn/ngày, trong đó khu vực đô thị chiếm 60%. Riêng các thành phố lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, mỗi ngày có từ 7.000-9.000 tấn rác thải. Dự báo, đến năm 2025, tỷ lệ phát sinh chất thải rắn sinh hoạt tăng 10-16%/năm…

[Người dân chặn bãi rác Xuân Sơn đòi quyền lợi: Hà Nội xử lý thế nào?]

Rác - vì thế đã trở thành vấn đề “nóng” được đưa vào chương trình nghị sự của Quốc hội trong năm 2021, khi có 2 nghị quyết (gồm Nghị quyết số 32/2021/QH15 về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022 và Nghị quyết số 16/2021/QH15 về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 đề cập tới vấn đề này, trong đó đặt ra mục tiêu: tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 89-90%; tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng được xử lý đạt 100%.

Bên cạnh đó, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2022, cũng đã đưa ra các quy định nghiêm khắc về việc phân loại rác thải rắn sinh hoạt tại nguồn và thu phí - giá dịch vụ theo khối lượng rác hoặc thể tích chất thải, chậm nhất là ngày 31/12/2024.

Trên cơ sở xác định việc không xử lý tận gốc vấn đề rác thải sẽ tiếp tục làm nảy sinh nhiều áp lực đối với môi trường và sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là tại các bãi chôn lấp, gây bức xúc trong xã hội, giới chuyên gia cho rằng giải pháp cấp thiết hiện nay là Việt Nam cần phải tổ chức tốt việc phân loại rác thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Đây cũng là “mệnh lệnh” từ cuộc sống, nhằm đảm bảo tách rác thải thành các loại khác nhau, qua đó góp phần giảm lượng chất thải cần xử lý, chôn lấp; tăng lượng chất thải tái chế; tận dụng chất thải thực phẩm sản xuất phân bón vi sinh; giảm thiểu các nguy cơ gây ô nhiễm; từ đó góp phần nâng cao ý thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường, tiến đến xây dựng xã hội vì môi trường xanh - sạch - đẹp hơn.

Với tầm quan trọng đó, trong năm 2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã triển khai thí điểm mô hình phân loại rác thải rắn sinh hoạt tại nguồn, áp dụng đối với khu vực đô thị và nông thôn tại 3 tỉnh Lâm Đồng, Nghệ An và Bạc Liêu. Hiện các mô hình này đang dần hoàn thiện để tiến tới nhân rộng ra các địa phương trên cả nước.

Để rõ hơn về kết quả thí điểm mô hình trên, mời bạn đọc đón đọc loạt bài: Xử lý rác thải rắn sinh hoạt tại nguồn: “Mệnh lệnh” không thể trì hoãn.

Xử lý rác thải rắn sinh hoạt tại nguồn: 'Mệnh lệnh' không thể trì hoãn ảnh 1Môi trường càng sạch sẽ thì chất lượng sống càng nâng lên. (Ảnh: HV/Vietnam+)

Bài 1: “Không thể vì lợi ích của gia đình mà đẩy gánh nặng cho xã hội”

Với khí hậu ôn hòa, dễ chịu, cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng, lãng mạn, nhiều khu nghỉ dưỡng, vui chơi, thành phố ngàn hoa - Đà Lạt chính là điểm đến mơ ước của các tín đồ mê “xê dịch” của cả du khách trong và ngoài nước. Thời điểm này, mùa hoa anh đào đang vào độ rực rỡ và sắc hồng lại phủ khắp các phố phường.

Trong cái đẹp của thiên nhiên, cảnh sắc lý tưởng đó, con người nơi đây cũng trở nên thanh lịch hơn và luôn trân quý những giá trị của thiên nhiên, môi trường.

Đó cũng là lý do Đà Lạt đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường lựa chọn là đô thị đầu tiên trên cả nước triển khai thí điểm mô hình phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, qua đó góp phần xây dựng thành phố ngày càng thêm xanh-sạch-đẹp hơn.

Phân loại rác thải: Lợi ích sát sườn

Hơn 4 tháng nay, cứ sau bữa cơm tối, bà Phạm Thị Thành, Tổ trưởng Tổ 6 (phường 2, thành phố Đà Lạt) lại dạo quanh khắp các ngõ, hẻm để góp sức thực hiện “sứ mệnh” xây dựng nếp sống văn minh đô thị và bảo vệ môi trường, đó là tuyên truyền, phổ biến việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn cho gần 150 hộ dân ở trung tâm thành phố du lịch bằng tình yêu và “mệnh lệnh” từ cuộc sống.

Chia sẻ với phóng viên VietnamPlus, bà Thành cho biết với sự phát triển nhanh chóng của xã hội, những năm qua, chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn cũng phát sinh ngày càng nhiều, làm ảnh hưởng đến môi trường và chất lượng cuộc sống.

Để cải thiện tình trạng đó, các tuyến đường chính trên địa bàn đã được chính quyền địa phương lắp đặt hệ thống camera - vừa giám sát an ninh, vừa giám sát người dân bỏ chất thải theo quy định. Tuy vậy, do chất thải rắn sinh hoạt phát sinh ngày càng nhiều nhưng không được phân loại tại nguồn nên hiệu quả xử lý chưa cao.

“Thế nhưng, từ tháng 9/2022 - khi phường 2 triển khai thí điểm mô hình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hoạt động này đã đem lại rất nhiều lợi ích cho người dân và cộng đồng như giảm việc sử dụng túi nylon, cải thiện môi trường,” bà Thành hồ hởi chia sẻ.

Thời gian đầu triển khai mô hình thí điểm trên, bà Thành cho biết người dân trên địa bàn được các chuyên gia, cán bộ của Trung tâm Tư vấn và Công nghệ môi trường, Tổng cục Môi trường (nay đổi tên là Trung tâm Công nghệ và Dữ liệu kiểm soát ô nhiễm môi trường, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường) tập huấn, phổ biến kỹ thuật cũng như kiến thức về lợi ích khi phân loại rác thải tại nguồn.

Tiếp đó, người dân cam kết tham gia dự án, mỗi hộ sẽ được phát miễn phí một thùng đựng rác 3 ngăn và hướng dẫn cách phân loại chất thải sinh hoạt theo từng ngăn như: Chất thải thực phẩm (thức ăn thừa, rau, củ, quả, xác động vật nuôi); chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế (giấy, nhựa, kim loại, cao su, nylon, thủy tinh); chất thải rắn sinh hoạt khác (không bao gồm chất thải nguy hại, cồng kềnh).

“Từ cách nhận diện đó, các gia đình ở tổ 6 không chỉ coi việc phân loại rác thải rắn sinh hoạt là ‘mệnh lệnh’ từ cuộc sống, mà còn là ‘chất keo’ gắn kết giữa các thành viên trong gia đình và cộng đồng, qua đó góp phần làm sạch môi trường cũng như xây dựng tổ dân phố ngày càng thêm xanh - sạch - đẹp hơn,” bà Thành nói.

Xử lý rác thải rắn sinh hoạt tại nguồn: 'Mệnh lệnh' không thể trì hoãn ảnh 2Ông Hàng Du Hùng ở phường 2, thành phố Đà Lạt chia sẻ về việc phân loại rác thải rắn sinh hoạt. (Ảnh: HV/Vietnam+)

Dẫn chúng tôi đi tìm hiểu thực tế việc phân loại rác thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn, ông Bùi Tuấn Cường, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường 2 cho biết với vị trí là phường trung tâm du lịch của thành phố, chính quyền và nhân dân phường 2 luôn xác định môi trường là một trong những yếu tố quyết định cho sự phát triển bền vững của địa phương, hướng tới nền kinh tế xanh, tuần hoàn.

Vì thế, quá trình triển khai thí điểm mô hình phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn ở trên địa bàn phường 2 luôn được chính quyền và nhân dân ủng hộ rất cao.

Đặc biệt, trong quá trình triển khai, chính quyền phường 2 đã bàn giao 4.000 thùng đựng rác 3 ngăn do Bộ Tài nguyên và Môi trường hỗ trợ cho các hộ dân cùng với 144 thùng rác chuyên dụng cho đơn vị thu gom rác thải ở trên địa bàn. Phường 2 cũng đã thành lập tổ công tác phân loại rác thải rắn sinh hoạt tại nguồn với 18 tổ trưởng tổ dân phố cùng với các đồng chí trưởng, phó các tổ chức, đoàn thể của phường (như Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội người cao tuổi,…) làm thành viên. Các tổ dân phố có trách nhiệm kiểm tra, báo cáo định kỳ tình hình.

“Đến nay, việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn của các hộ dân, bước đầu đã có nhiều chuyển biến tích cực. Thay vì bỏ chất thải rắn hỗ hợp như trước, giờ đây, các hộ gia đình đã thực hiện nghiêm túc phân loại rác thải rắn tại nguồn thành 3 loại theo quy định mới của Luật Bảo vệ môi trường,” ông Cường nhấn mạnh.

Không thể “đẩy gánh nặng” ra xã hội

Đang liền tay phân loại rác thải vào thùng chứa 3 ngăn, ông Hàng Du Hùng (68 tuổi, ở tổ 6, phường 2, thành phố Đà Lạt) vẫn vui vẻ tiếp đón chúng tôi bằng nụ cười giòn giã. Ông Hùng cho biết trước đây phần lớn rác thải sinh hoạt hàng ngày gia đình ông thường cho vào 1 túi bóng lớn, rồi đem vứt ra một góc ngoài đường.

“Ở trong tổ, trước đây gia đình nào cũng làm như vậy cả. Bởi vậy, khi rác thải nhiều thì cũng không tránh khỏi ô nhiễm,” ông Hùng thẳng thắn chia sẻ.

Thế nhưng, từ tháng 9/2022 đến nay, tham gia triển khai thí điểm mô hình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, việc phân loại, vứt bỏ rác thải của các hộ dân ở tổ 6 đã được cải thiện theo hướng tích cực hơn, đảm bảo sạch từ nhà ra ngõ.

Cùng tham gia thí điểm mô hình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, ông Trần Bổ, Tổ trưởng Tổ dân phố 20, phường 2 cho biết toàn tổ hiện có trên 220 hộ dân. Ngay khi nhận được tin tổ dân phố được chọn triển khai thí điểm mô hình, hầu hết các hộ dân trên địa bàn đều nhất trí ủng hộ vì môi trường xanh, đẹp hơn.

Ông Bổ nhấn mạnh gia đình là tế bào của xã hội. Vì thế, các hộ gia đình trong tổ dân phố sau khi nghe cán bộ phổ biến, đều ý thức được phân loại rác thải tại nguồn là việc làm cần thiết. Điều này không chỉ thể hiện trách nhiệm với môi trường ở nơi mình đang sinh sống, mà còn là cơ hội để “biến” rác thải thành tài nguyên.

Xử lý rác thải rắn sinh hoạt tại nguồn: 'Mệnh lệnh' không thể trì hoãn ảnh 3Thùng đựng rác 3 ngăn giúp người dân phân loại rác thải sinh hoạt hiệu quả. (Ảnh: HV/Vietnam+)

“Quan trọng hơn là không thể vì lợi ích cá nhân mà đẩy gánh nặng ra cho xã hội được. Với cá nhân, tôi khẳng định rằng dù sinh sống ở bất cứ địa phương nào, tôi cũng xác định môi trường là điều tốt nhất cho sức khỏe. Môi trường càng sạch sẽ thì chất lượng sống càng nâng lên,” Tổ trưởng Tổ dân phố 20, phường 2 chia sẻ.

Về phía đơn vị thu gom, vận chuyển rác, ông Trần Hữu Toàn, Phó Đội trưởng Đội Môi trường đô thị thuộc Công ty Cổ phần Dịch vụ đô thị Đà Lạt, cho biết hiện nay toàn Đội Môi trường đô thị Đà Lạt có hơn 200 người, được phân làm 7 tổ.

Theo quy định của Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng, vào 17 giờ chiều là người dân đem rác ra các thùng đựng rác ở ngoài đường để các xe thu gom đến bốc rác. Từ khi triển khai mô hình thu gom rác thải tại nguồn, ý thức của người dân thay đổi rất nhiều, nhờ đó công việc của các công nhân trong đội cũng đỡ vất vả hơn.

“Đặc biệt, môi trường đô thị đang ngày một sạch, đẹp hơn,” ông Toàn nhấn mạnh.

“Triển khai đồng bộ, mô hình sẽ bền vững”

Chia sẻ về ý nghĩa của mô hình thí điểm phân loại rác thải rắn sinh hoạt tại nguồn, bà Nguyễn Khánh Ngân, cán bộ Chi cục Bảo vệ Môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng) cho biết từ nay đến năm 2024 là lộ trình để các địa phương triển khai, làm quen với mô hình, trước khi đi vào vận hành bắt buộc.

“Điều may mắn với Đà Lạt là đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường lựa chọn triển khai mô hình thí điểm phân loại rác thải rắn sinh hoạt tại nguồn cũng như hỗ trợ kỹ thuật, kinh phí để triển khai. Đây là điều rất thuận lợi,” bà Ngân phấn khởi nói.

Nhắc lại quá trình triển khai mô hình, bà Ngân cho biết thời gian đầu, việc phổ biến cho người dân, đa phần triển khai vào buổi tối, do người dân ban ngày đi làm. Do vậy, việc phổ biến cũng có bỡ ngỡ, nhưng càng về sau càng đi vào khuôn khổ.

“Trong quá trình phổ biến, một số hộ dân chưa đồng tình với phương án thu gom theo lộ trình các ngày thứ 2, 4, 6 hay 3, 5, 7, vì họ nói rằng rác thải thực phẩm để trong nhà sẽ hôi thối. Kinh nghiệm của tôi thì thấy rằng nếu mình vệ sinh sạch sẽ, kín đáo sẽ không bao giờ ảnh hưởng. Vì vậy, giải pháp quan trọng là việc tuyên truyền cần phải sâu sát hơn để người dân hiểu và thay đổi,” bà Ngân chia sẻ.

Xử lý rác thải rắn sinh hoạt tại nguồn: 'Mệnh lệnh' không thể trì hoãn ảnh 4Ông Nguyễn Văn Trãi, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lâm Đồng (ngoài cùng bên phải) đi kiểm tra việc phân loại rác thải sinh hoạt trên địa bàn. (Ảnh: HV/Vietnam+)

Ngoài ra, để góp phần nâng cao hiệu quả của việc phân loại rác thải rắn sinh hoạt tại nguồn cũng như hoạt động thu gom, ngày 15/12/2022 vừa qua, Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Lâm Đồng cũng đã hỗ trợ cho người dân phường 2 túi đựng rác thải (bao gồm 2 màu vàng và xanh) với khối lượng 1.700 kg để thuận tiện cho việc phân loại rác, thay vì túi đựng rác chỉ có một màu đen như thời gian vừa qua.

“Với ý nghĩa của mô hình, sự hỗ trợ của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho Đà Lạt, tôi tin mô hình này sẽ được mở rộng và bền vững,” bà Ngân nhấn mạnh.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Trãi, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lâm Đồng khẳng định việc triển khai thí điểm mô hình phân loại rác thải tại nguồn có ý nghĩa rất quan trọng đối với tất cả các địa phương, trong đó có Lâm Đồng. Đặc biệt, theo quy định của Luật Bảo vệ Môi trường 2020 thì từ hạn chót là ngày 31/12/2024, tất cả các địa phương sẽ phải thực hiện bắt buộc mô hình này.

“Tôi cho rằng đây là việc làm cần thiết, bởi nó không chỉ góp phần giảm thiểu ô nhiễm, mà trong quá trình phân loại còn có thể tận dụng các loại rác thải khác nhau để tái sử dụng theo hướng kinh tế tuần hoàn. Đến thời điểm hiện tại, tôi cho rằng mô hình thí điểm tại phường 2, thành phố Đà Lạt là khá thành công,” ông Trãi nói.

Theo ông Trãi, hiện ý thức về phân loại rác thải tại nguồn của người dân là rất tốt. Kiểm tra thực tế cũng như báo cáo của địa phương cho thấy việc phân loại rác của người dân đã được thực hiện theo hướng dẫn, đảm bảo vệ sinh môi trường.

“Với cách làm hiện nay, tôi tin mô hình sẽ sớm được nhân rộng,” ông Trãi kỳ vọng./.

Mời độc giả đón đọc Bài 2: “Biến” rác thành phân bón sạch: Xanh môi trường, lợi cho gia đình-xã hội

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục