Ấn định thời điểm khai thác tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông

Đường sắt Cát Linh-Hà Đông sẽ được khai thác trong quý 1 năm 2018

Sau nhiều lần gia hạn tiến độ, Chính phủ đã “chốt” với Bộ Giao thông Vận tải trong quý 1/2018, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông phải đưa vào khai thác thương mại.
Đường sắt Cát Linh-Hà Đông sẽ được khai thác trong quý 1 năm 2018 ảnh 1Đoàn tàu của dự án Cát Linh-Hà Đông chính thức được cẩu lên ray đường sắt. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Sau nhiều lần gia hạn tiến độ, Chính phủ đã “chốt” với Bộ Giao thông Vận tải trong quý 1/2018, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông phải đưa vào khai thác thương mại.

Tuy nhiên, vướng mắc hiện nay của dự án này chính là gói vay bổ sung 250 triệu USD (do đội vốn) vẫn chưa được Ngân hàng xuất nhập khẩu Trung Quốc (China Eximbank) “gật đầu” để giải ngân cho các nhà thầu nhằm đẩy nhanh tiến độ.

[Chậm nhất tháng 10 sẽ chạy thử đoàn tàu đường sắt Cát Linh-Hà Đông]

Theo lãnh đạo Ban Quản lý dự án đường sắt, việc chưa ký kết được gia hạn hiệp định tín dụng ưu đãi bên mua và ký kết hiệp định ưu đãi bố sung vẫn đang được phía Việt Nam và Trung Quốc đàm phán chắc chắn tác động đến thực hiện dự án.

Ban Quản lý dự án đường sắt vẫn đang quyết liệt chỉ đạo nhà thầu khẩn trương triển khai, thực hiện các hạng mục còn lại, đặc biệt là các hạng mục “đường găng” tiến độ ảnh hưởng trực tiếp đến công tác vận hành chạy thử đồng thời khẳng định không lùi các mục tiêu đã đặt ra đối với dự án.

Giải thích về tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông với chiều dài 13km này sẽ cần 658 nhân sự để phục vụ, trong đó có 55 lái tàu, lãnh đạo Ban Quản lý dự án đường sắt cho rằng, tuyến đường sắt đô thị khi đưa vào khai thác sẽ phục vụ hành khách tới 18 tiếng/ngày tương đương khoảng 2,5 ca chứ không phải chỉ 1 ca như các công việc hành chính thông thường.

Các lái tàu, nhân viên kỹ thuật... được đưa sang Trung Quốc đào tạo từ năm 2015 theo hiệp định ký kết giữa Chính phủ Việt Nam và Trung Quốc.

Theo Ban quản lý dự án, trong hơn 600 nhân lực này có hơn 400 người được đào tạo Việt Nam, 200 người được cử sang Trung Quốc. 37 lái tàu sang Trung Quốc đào tạo đều là những lái tàu chính nên được đào tạo dài hạn nhất với 315 ngày. Toàn bộ kinh phí đào tạo nằm trong tổng kinh phí dự án./.

Dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư có tổng mức đầu tư ban đầu là 552 triệu USD; trong đó, vay vốn của Trung Quốc là 419 triệu USD, vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 133 triệu USD. Tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 886 triệu USD, tăng 250 triệu USD.

Dự kiến ban đầu đưa vào khai thác năm 2016 nhưng phải điều chỉnh lùi đến năm 2018 mới khai thác thương mại.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục