Cấp bách chống hạn, xâm nhập mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Bộ NN&PTNT kiến nghị các bộ, ngành liên quan mở rộng phạm vi, đối tượng được hỗ trợ kinh phí để các địa phương chủ động thực hiện giải pháp phòng, chống, khắc phục hậu quả hạn hán, xâm nhập mặn.
Cấp bách chống hạn, xâm nhập mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long ảnh 1Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Duy Khương/TTXVN)

Tại Hội nghị phòng chống hạn, xâm nhập mặn các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ ngày 17/2, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát, cho rằng tình hình hạn mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long đang như một tình huống thiên tai ở mức cấp 1, cấp 2 và là một trận thiên tai nghiêm trọng gần 100 năm nay mới có.

Đến nay, vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã có khoảng hơn 200.000 tấn lúa bị thiệt hại, hơn 1.000 tỷ đồng của dân đã mất.

Mặn có thể kéo dài

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, mùa khô năm 2015-2016 do thiếu nước ngọt, ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long nước mặn đã xâm nhập sớm, sâu và kéo dài so cùng kỳ. Ngay từ đầu mùa khô, nồng độ mặn 4g/l xuất hiện trong tháng 1/2016 có phạm vi ảnh hưởng 40-60km, tăng hơn 10km so cùng kỳ. Tình hình xâm nhập mặn ở một số tỉnh đã ở mức báo động như Cà Mau, Kiên Giang, Bến Tre, Trà Vinh…

Ông Hoàng Văn Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, cho biết dòng chảy từ thượng lưu về Đồng bằng sông Cửu Long mùa khô 2015-2016 dự kiến ở mức thấp, do vậy hạn hán và xâm nhập mặn dự báo cũng hết sức nghiêm trọng. Trong các tháng mùa khô năm 2016, tổng lượng chảy sông Mekong về khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có khả năng thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 20-50%, mực nước các trạm chính sông Cửu Long ở mức thấp và chịu ảnh hưởng mạnh của thủy triều.

Khả năng xâm nhập mặn vùng cửa sông Nam Bộ tiếp tục sâu và cao hơn cùng kỳ của mùa khô 2015 và trung bình nhiều năm trước. Từ cuối tháng 2/2016, mặn có khả năng duy trì ở mức cao, nghiêm trọng. Trên sông Tiền, sông Hậu độ mặn trên 4g/l có thể xâm nhập sâu khoảng 50-70km tính từ cửa sông, có thời kỳ trên 70km. Độ mặn sẽ tăng cao và kéo dài đến đầu tháng Năm.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Quốc Doanh, diện tích lúa đông xuân 2015-2016 có nguy cơ xâm nhập mặn và hạn hán của các tỉnh ven biển khoảng hơn 339.000ha, chiếm 35,5% diện tích xuống giống của vùng ven biển và chiếm gần 22% diện tích lúa đông xuân 2015-2016 toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, diện tích đã bị ảnh hưởng nặng là 104.000ha, chiếm 11% diện tích xuống giống của vùng ven biển và chiếm gần 7% diện tích xuống giống lúa đông xuân 2015-2016 toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Đến nay, Đồng bằng sông Cửu Long mới chỉ thu hoạch được khoảng 300.000ha, còn 1,3 triệu ha. Nếu không có các giải pháp kịp thời thì hạn và xâm nhập mặn sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới diện tích sản xuất các vụ tiếp theo.

Giáo sư-tiến sỹ Tăng Đức Thắng, Phó Giám đốc Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam, cho biết mùa khô 2015-2016 là năm có mặn xâm nhập sớm, sâu và khả năng kéo dài đến hết mùa khô nếu không có mưa. Các vùng cách biển 25-45km từ cuối tháng 2/2016 trở đi có nguồn nước ngọt giảm nhiều và gần như không có khả năng lấy nước ngọt từ cửa sông, gây ra tình trạng thiếu nước ngọt cho sản xuất và nước sinh hoạt.

Các vùng cách biển 45-65km, từ tháng 3/2016 đến tháng 5/2016 có khả năng bị mặn cao trên 4g/l xâm nhập. Trong thời kỳ này, vào những đợt triều cường mặn sẽ xâm nhập sâu. Các vùng cách biển xa hơn 70-75km tuy ít gặp xâm nhập mặn 4g/l, nhưng cũng cẩn thận trong các đợt triều cường, và vẫn là vùng xâm nhập của nước mặn nồng độ dưới 4g/l, ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt. Nếu không có mưa tình hình xâm nhập mặn sẽ tới tháng 5/2016, kéo dài qua tháng 6/2016, thậm chí có thể tới tháng 7/2016.

Chủ động chống hạn, mặn sớm

Theo giáo sư-tiến sỹ Tăng Đức Thắng, công tác dự báo hạn, mặn được thực hiện từ rất sớm. Tháng 10/2015, Đồng bằng sông Cửu Long đang còn là mùa lũ nhưng Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam đã có dự báo đầu tiên về tình hình hạn, mặn. Từ đó đến nay, Viện tiếp tục có những dự báo liên tục về tình hình hạn, mặn và gửi thông báo thường xuyên đến các địa phương.

Cũng theo ông Tăng Đức Thắng, các địa phương cần tích trữ nguồn nước ngọt tối đa bất kỳ thời điểm nào xuất hiện nguồn nước ngọt trên sông, kênh. Một số khu vực có nguồn nước ngọt khó khăn hoặc xa nguồn ngọt cần xem xét lựa chọn loại cây chịu hạn, ít sử dụng nước. Lâu dài cần có chiến lược cấp nước ngọt cho các vùng xa nguồn ngọt và ven biển, trong đó đặc biệt chú ý nâng cấp các kênh chuyển nước ngọt và các trạm bơm hỗ trợ cho các hệ thống ngọt hóa.

Cấp bách chống hạn, xâm nhập mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long ảnh 2Nông dân tại ấp Hai Trong, xã Nam Yên, huyện An Biên, Kiên Giang bên ruộng lúa mùa bị lép hạt, thiệt hại trên 90% do nhiễm mặn. (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn kiến nghị Chính phủ chỉ đạo bộ, ngành Trung ương, các địa phương coi đây là nhiệm vụ phòng chống thiên tai hết sức nghiêm trọng để chỉ đạo quyết liệt với các giải pháp cấp bách và lâu dài.

Bộ đã sớm kiến nghị các bộ, ngành liên quan mở rộng phạm vi, đối tượng được hỗ trợ kinh phí để các địa phương chủ động thực hiện giải pháp phòng, chống, khắc phục hậu quả hạn hán, xâm nhập mặn. Cụ thể, hỗ trợ những vùng phải dừng sản xuất do không đủ nguồn nước tưới; xây dựng đập tạm, cống bọng để trữ nước, ngăn mặn, đào ao, giếng, nạo vét hệ thống kênh nội đồng; hỗ trợ kinh phí chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ lúa sang cây trồng cạn ở những vùng bị hạn hán nặng.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát, việc triển khai công tác phòng chống sớm hạn mặn sẽ góp phần hạn chế những thiệt hại. Bộ đã triển khai nhiều biện pháp như cụ thể hóa các dự báo tình hình hạn, mặn xuống tận các phường, xã có nguy cơ ảnh hưởng hạn mặn để triển khai thực hiện; đồng thời cấp bách triển khai thực hiện các công trình thủy lợi, công trình cấp nước đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân những vùng được dự báo nguy cơ hạn mặn nặng nề; đẩy nhanh tiến độ các công trình ứng phó biến đổi khí hậu.

Đặc biệt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã chỉ đạo các địa phương, trước mắt tạm ứng ngân sách địa phương để hỗ trợ ngay các diện tích lúa bị thiệt hại trong thời gian qua, với mức hỗ trợ 2 triệu đồng/ha cho diện tích lúa bị thiệt hại trên 70% và hỗ trợ 1 triệu đồng/ha đối với diện tích lúa bị thiệt hại 30-70%.

Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu các địa phương đắp đập tạm, gia cố đê bao, cống bọng nhằm chống hạn mặn trong thời gian tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục