Mỹ không kích quân đội Syria: Bước đi đơn phương nguy hiểm

Triển vọng giải quyết hòa bình cuộc xung đột dai dẳng ở Syria lại trở nên xa vời khi phe đối lập ở nước này ngay lập tức hối thúc Mỹ tiến hành thêm các vụ tấn công tương tự nhằm vào quân đội Syria.
Mỹ không kích quân đội Syria: Bước đi đơn phương nguy hiểm ảnh 1Mỹ tấn công tên lửa vào Syria. (Nguồn: AP)

Hơn 50 quả tên lửa Tomahawk mà quân đội Mỹ tấn công một căn cứ không quân của Syria rạng sáng 7/4 có thể ví như một mồi lửa, không chỉ làm chao đảo quốc gia Trung Đông vốn chìm trong bạo lực này, mà còn kích hoạt “thùng thuốc súng” của những mâu thuẫn giữa các bên và các cường quốc trên thế giới trong vấn đề Syria.

Căng thẳng đang leo thang với tốc độ khó lường khi cuộc chiến chống khủng bố tại Syria, với sự hỗ trợ của cả Nga và Mỹ, vẫn chưa có hồi kết và các vòng đàm phán hòa bình ở cả Geneva (Thụy Sĩ) lẫn Astana (Kazakhstan) nhằm chấm dứt cuộc nội chiến ở quốc gia Trung Đông này đã bước sang năm thứ 7 mới chỉ dừng lại ở những cam kết trên giấy. Cuộc xung đột Syria có nguy cơ ngày càng trầm trọng và các bên liên quan có thể lâm vào thế đối đầu.

Quyết định của Tổng thống Mỹ ra lệnh tấn công căn cứ quân sự của chính quyền Syria bằng tên lửa hành trình được Washington giải thích là để "đáp trả" một vụ tấn công nghi có sử dụng vũ khí hóa học ở ở Idlib hôm 4/4, làm hơn 80 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương.

Mỹ và các nước phương Tây một mực đổ lỗi cho quân đội Syria sử dụng vũ khí hóa học tấn công dân thường, trong khi Bộ Quốc phòng Nga khẳng định quân đội Syria đã không kích trúng kho vũ khí hóa học của phe đối lập nước này.

Bất chấp cho tới thời điểm này chưa có bất kỳ kết quả điều tra chính thức nào về nghi vấn sử dụng vũ khí hóa học trên, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng chưa tìm được tiếng nói chung về một dự thảo nghị quyết liên quan đến việc điều tra vụ tấn công, song Mỹ đã đơn phương có hành động quân sự nhằm vào quân đội chính quyền của Tổng thống Syria Basha al-Assad.

Cùng với những thiệt hại đầu tiên cả về người và của tại Syria, vụ tấn công bằng tên lửa của Mỹ thực sự đã đẩy cục diện cuộc xung đột ở quốc gia Trung Đông này vào thế nguy hiểm trong bối cảnh các vòng đàm phán hòa bình nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng Syria vẫn đang được cả Liên hợp quốc, Nga, Mỹ... nỗ lực xúc tiến.

Triển vọng giải quyết hòa bình cuộc xung đột dai dẳng ở Syria lại trở nên xa vời khi phe đối lập ở nước này ngay lập tức hối thúc Mỹ tiến hành thêm các vụ tấn công tương tự nhằm vào quân đội Syria.

Trong khi đó, chính phủ Syria kịch liệt lên án, coi các cuộc không kích bằng tên lửa của Mỹ vào các khu vực quân sự của nước này là phục vụ mục đích của "các nhóm khủng bố vũ trang" và tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Một liên minh quốc tế chống khủng bố tại Syria, với sự tham gia của cả lực lượng chính phủ lẫn phe đối lập, cùng các đối tác quốc tế như Nga, Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran... đang được hình thành, có nguy cơ tan rã bởi những bất đồng phát sinh sau vụ tấn công của Washington.

Căng thẳng cũng nảy sinh giữa các nước có vai trò quan trọng trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng Syria. Cùng với một số nước phương Tây, Thổ Nhĩ Kỳ bày tỏ ủng hộ Washington, còn Nga và Iran ngay lập tức lên án hành động của Mỹ.

Tổng thống Nga Vladimir Putin thẳng thừng tuyên bố đây là một hành động xâm lược một quốc gia có chủ quyền, vi phạm luật pháp quốc tế với một cái cớ bịa đặt. Nhà lãnh đạo Nga còn chỉ rõ cuộc không kích vào Syria là nhằm đánh lạc hướng sự chú ý của dư luận trước việc nhiều thường dân thiệt mạng ở Iraq trong các cuộc không kích của liên quân do Mỹ đứng đầu.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavro​v còn so sánh hành động đơn phương của Washington tấn công Syria với việc Mỹ và Anh từng dựng lên cái cớ để xâm lược Iraq năm 2003.

Còn nhớ, với lý do chính quyền nhà lãnh đạo Iraq Saddam Hussein sử dụng "vũ khí hủy diệt hàng loạt," Mỹ và Anh đã phát động cuộc chiến tranh xâm lược Iraq, lật đổ ông Hussein, dù sau đó người ta không tìm thấy bất kỳ bằng chứng nào về vũ khí hủy diệt hàng loạt tại Iraq.

Sau này, cựu Thủ tướng Anh Tony Blair và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đều phải thừa nhận cuộc tấn công Iraq năm 2003 là một sai lầm.

Trước khi Mỹ thực hiện vụ tấn công vào căn cứ quân sự ở Syria, Nga đã nhiều lần cảnh báo về những hậu quả tiêu cực nếu Mỹ tấn công quốc gia Trung Đông này.

Giới lãnh đạo Nga nhấn mạnh đây là hành động khiêu khích, thể hiện "chính sách hai mặt" của Mỹ cũng như việc Washington áp dụng "tiêu chuẩn kép."

Có thể thấy rõ cuộc không kích này đang làm tổn hại quan hệ Nga-Mỹ vốn đang trong thời kỳ nhạy cảm. Moskva đã lập tức quyết định đình chỉ hiệu lực của thỏa thuận giữa hai nước về ngăn chặn các vụ va chạm giữa lực lượng không quân Nga và Mỹ tham gia chống khủng bố ở Syria.

Chưa rõ Mỹ có thể đạt được mục đích khi tiến hành tấn công quân đội Syria hay không, song rõ ràng hành động quân sự mới của Washington đang khiến bối cảnh khu vực thêm phức tạp, không chỉ Syria mà cả Trung Đông có thể rơi vào vòng xoáy bất ổn mới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục