Ngân hàng Thế giới thúc đẩy cơ chế mua bán phát thải carbon

Hơn 70 quốc gia và hơn 1.000 công ty hàng đầu thế giới đã thể hiện sự ủng hộ cơ chế mua bán phát thải carbon, trong nỗ lực giảm thiểu những tác động nghiêm trọng của tình trạng biến đổi khí hậu.
Ngân hàng Thế giới thúc đẩy cơ chế mua bán phát thải carbon ảnh 1Khói thải từ nhà máy nhiệt điện ở thủ đô Sofia, Bulgaria. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về khí hậu tại New York (Mỹ), hơn 70 quốc gia, 11 chính quyền khu vực và hơn 1.000 công ty hàng đầu thế giới đã thể hiện sự ủng hộ cơ chế mua bán phát thải carbon, trong nỗ lực giảm thiểu những tác động nghiêm trọng của tình trạng biến đổi khí hậu bằng cách khuyến khích việc sử dụng các công nghệ năng lượng sạch.

Trong một tuyên bố đưa ra ngày 22/9, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Jim Jong Kim cho biết việc các chính phủ đại diện cho gần một nửa dân số thế giới và 52% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu ủng hộ mua bán phát thải carbon là một giải pháp cần thiết trong việc đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu đồng thời là "một bước tiến trên con đường giảm thiểu lượng khí thải carbon."

Theo ông, việc ấn định giá đối với mỗi tấn khí thải carbon còn có ý nghĩa khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng các công nghệ sạch, từ bỏ dần việc sử dụng các nhiên liệu hóa thạch đồng thời gây sức ép buộc các cơ sở gây ô nhiễm có ý thức giảm thiểu các hoạt động gây ô nhiễm.

Chủ tịch WB cho rằng đây cũng là “biện pháp ít tốn kém nhất” cho các quốc gia nhằm đạt được các mục tiêu về môi trường. Các nước này gồm Trung Quốc, Nga, các thành viên Liên minh châu Âu (EU), Indonesia, Mexico và Nam Phi. Trong khi đó, các tập đoàn lớn ủng hộ hướng đi này có Nokia, LG Electronics, Lego và Shell...

Dự kiến WB sẽ thành lập một liên minh lãnh đạo trong lĩnh vực áp giá khí carbon nhằm khuyến khích các nước áp dụng các biện pháp hiệu quả nhằm cắt giảm khí thải carbon trên toàn cầu, bao gồm việc ban hành thuế đối với loại khí thải độc hại này.

Hiện các quốc gia có lượng khí thải carbon ô nhiễm cao nhất thế giới như Trung Quốc và các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã đồng ý tham gia liên minh trên cùng với các nền kinh tế mới nổi và kém phát triển nhất.

WB cũng ước tính có khoảng 40 quốc gia, hơn 20 vùng lãnh thổ, khu vực và thành phố, chiếm hơn 22% lượng khí thải toàn cầu, đã hoặc đang lên kế hoạch áp giá đối với khí thải carbon./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục