Theo nhận định của giới chuyên gia chính trị được tờ Thời báo Hàn Quốc số ra ngày 11/4 đăng tải thì dường như sẽ không có “cơ hội” cho hai miền Triều Tiên cùng tham chiến.
Chuyên gia phân tích Ko Soo-suk thuộc Viện Nghiên cứu Kinh tế Hanwha (HERI) Hàn Quốc đưa ra bốn lý do giải thích tại sao chiến tranh sẽ không nổ ra trên bán đảo Triều Tiên.
Trước hết, nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong Un biết rõ sức mạnh mà quân đội Mỹ đã thể hiện trong cuộc chiến tranh Iraq, đồng thời không muốn mình có kết cục tương tự như Saddam Hussein.
Thứ hai, Bình Nhưỡng không thể tấn công Seoul khi có rất đông công dân Trung Quốc đang sinh sống, lao động và học tập tại đây (khoảng 300.000 người). Mặc dù là nhà bảo trợ chính, đồng minh tin cậy của Triều Tiên nhưng Bắc Kinh sẽ không bao giờ để công dân của mình bị thiệt mạng bởi chính vũ khí của Bình Nhưỡng.
Thứ ba, quân đội Triều Tiên không dễ dàng đương đầu trước hỏa lực rất mạnh của liên quân Hàn-Mỹ với các loại vũ khí, khí tài hiện đại được bố trí đồng thời cả trên bộ, trên không và trên biển.
Cuối cùng, điều mà ông Kim Jong Un mong muốn vẫn là hòa bình chứ không phải chiến tranh nên sẽ không mạo hiểm. Đây chính là nền tảng cơ bản để chính quyền họ Kim tiếp tục “tồn tại” trong thời gian dài.
Theo nhà nghiên cứu Chang Yong-seok thuộc Viện Nghiên cứu Hòa bình và Thống nhất (IPUS) của Đại học Quốc gia Seoul, nếu xem xét một cách sâu hơn sẽ thấy chính quyền Kim Jong Un đang tập trung vào chiến lược dài hơi là cải cách giáo dục và phát triển kinh tế. Sự chuẩn bị đó cho thấy ông Kim Jong Un đang kỳ vọng sẽ lãnh đạo đất nước lâu dài, nên sẽ không phát động chiến tranh.
Giáo sư Yang Moo-jin thuộc Đại học Triều Tiên (ở Hàn Quốc) thì cho rằng điều mà chính quyền Bình Nhưỡng thực sự mong muốn là thông qua các cuộc khẩu chiến và khiêu khích nhằm có được cuộc đối thoại trực tiếp với Mỹ để bàn thảo về "Hiệp ước Hòa bình" thay thế "Thỏa thuận đình chiến" ký năm 1953./.