5 lỗi sai trong báo cáo của LHQ về biến đổi khí hậu

Trong khoảng thời gian từ năm 1845-1965, mỗi năm chiều dài của sông băng Pindari ngắn đi 135,2 m song con số thực tế chỉ là 23,5m.
Bản báo cáo về tình trạng Trái Đất ấm lên của Ủy ban Liên Chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) soạn thảo năm 2007 có tới 5 lỗi sai.

Đây là thông báo của giáo sư Graham Cogley thuộc Đại học Trent của Canada đưa ra trên tạp chí Science của Mỹ ngày 20/1.

Theo giáo sư Cogley, những lỗi sai này đã được phát hiện trong một phần của báo cáo, dự báo việc tan chảy của các sông băng trên dãy Himalaya.

Theo đó, báo cáo này cho rằng các sông băng trên Himalaya sẽ tan chảy nhanh hơn bất kỳ nơi nào trên thế giới, trong khi ông Cogley và các cộng sự thuộc Cơ quan kiểm soát sông băng thế giới cho rằng tốc độ tan chảy của các sông băng trên thế giới là như nhau.

Ngoài ra, báo cáo của IPPC dự đoán nếu Trái Đất tiếp tục nóng lên, các sông băng trên Himalaya sẽ biến mất vào năm 2035, sớm hơn hàng trăm năm so với dự báo của các nhà khoa học Nga là vào năm 2350.

Không chỉ vậy, theo giáo sư Cogley, báo cáo còn phóng đại diện tích của các sông băng ở Himalaya khi cho rằng vào năm 2035, nó sẽ bị thu hẹp từ 500.000 xuống còn 100.000 km2, trong khi thực tế tổng diện tích của các sông băng tại đây hiện chỉ là 33.000 km2.

Một sai sót nghiêm trọng trong báo cáo của ICPP mà giáo sư Cogley chỉ ra là báo cáo cho biết trong khoảng thời gian từ năm 1845-1965, mỗi năm chiều dài của sông băng Pindari ngắn đi 135,2 m song con số thực tế chỉ là 23,5m.

Việc phát hiện về các lỗi sai này đã buộc những nhà khoa học, từng đoạt giải Nobel, là tác giả của bản báo cáo trên phải đưa ra lời xin lỗi và cam kết sẽ cẩn trọng hơn.

Tuy nhiên, rất nhiều nhà khoa học, trong đó có cả những người chỉ trích báo cáo của IPCC, cho rằng các lỗi này nói chung không ảnh hưởng đến kết luận tình trạng Trái Đất ấm lên do con người tạo ra và đây là một nguy cơ đối với nhân loại./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục