Trang mạng asiatimes.com đưa tin sự leo thang của cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung nhằm giành quyền thống trị ở Biển Đông đang đe dọa hòa bình, ổn định và hạnh phúc của các dân tộc trong khu vực.
Một cuộc đụng độ quân sự giữa Trung Quốc và Mỹ ở vùng biển này không phải là không thể tránh khỏi, nhưng nó ngày càng có khả năng xảy ra.
Mối nguy là rõ ràng và hiện hữu, và điều cấp bách là chính phủ các nước trong khu vực phải kiểm soát tình hình để tránh xảy ra xung đột giữa các cường quốc sẽ khiến họ thiệt hại đáng kể.
Hội nghị cấp cao của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 38 và các hội nghị cấp cao liên quan sẽ được tổ chức vào ngày 26-28/10 tại Brunei, sau đó là Hội nghị cấp cao Đông Á vào tháng 11/2021.
Đây là cơ hội để ASEAN khẳng định mình và tránh một cuộc đụng độ giữa các cường quốc ở Biển Đông.
ASEAN cần trở lại những vấn đề cơ bản và tạo ra sức sống mới trong Tuyên bố năm 1971 về Khu vực Hòa bình, Tự do và Trung lập (ZOPFAN), Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác ASEAN năm 1976 (Hiệp ước Bali), Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân ở Đông Nam Á năm 1995 và Hiệp ước Vùng tự do (SEANWFZ) hay còn gọi là Hiệp ước Bangkok.
Biển Đông là một trong những nơi nguy hiểm nhất cho một cuộc xung đột tiềm tàng giữa các cường quốc. Đây không phải là suy đoán hay cường điệu.
Bắc Kinh lo ngại Mỹ phô trương vũ lực ở vùng biển này đến mức Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ - Tướng Mark Miley - cảm thấy ông phải trấn an Trung Quốc rằng Mỹ không có kế hoạch tấn công nước này.
Các quan hệ đối tác an ninh chống Trung Quốc do Mỹ thúc đẩy, nhóm Bộ tứ và hiện tại là AUKUS, chỉ làm tình hình thêm phức tạp và làm tăng khả năng xảy ra đụng độ Mỹ-Trung ở Biển Đông.
Những động thái chiến lược thực tế này nhằm chống lại những gì Washington coi là “mối đe dọa từ Trung Quốc” đối với quyền bá chủ của họ ở châu Á. Phản ứng của Trung Quốc có nguy cơ khiến tình hình trở nên nguy hiểm hơn. Mỹ và các đối tác thực hiện các hành động này một phần do ASEAN đã không hiệu quả trong việc giải quyết các mối quan ngại về an ninh khu vực như tranh chấp Biển Đông.
Vì vậy, Mỹ và các đồng minh bỏ qua họ để ký kết các hiệp ước này. Kết quả là ASEAN đã bị suy yếu và chia rẽ.
Các hiệp ước cần được củng cố
Năm 1971, các thành viên sáng lập ASEAN gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan đã tái khẳng định tầm nhìn của họ đối với khu vực bằng tuyên bố ZOPFAN.
Phần mở đầu của tuyên bố này đặc biệt nhắc lại một trong những lý do thành lập ASEAN: giữ cho khu vực “không bị đe dọa bởi bất kỳ hình thức hay cách thức can thiệp nào từ các cường quốc bên ngoài.”
Mục đích của văn kiện này là nhằm ngăn chặn xung đột giữa các cường quốc trong khu vực. Dựa trên ZOPFAN, năm 1976, các quốc gia thành viên ASEAN đã đàm phán Hiệp ước Bali, thúc đẩy “hòa bình vĩnh viễn, tình hữu nghị và hợp tác vĩnh viễn giữa các dân tộc ở Đông Nam Á.”
Tất cả các tác nhân lớn bên ngoài, bao gồm cả Trung Quốc, đã tham gia. Đây chính là điều kiện ngầm để họ được mời tham dự các diễn đàn an ninh lớn của khu vực như Diễn đàn khu vực ASEAN, Hội nghị cấp cao Đông Á và các cuộc họp ASEAN mở rộng.
ASEAN đã cố gắng để được lắng nghe, nhưng rất ít hoặc không có kết quả.
Tháng 6/2020, khi Ngoại trưởng Mỹ lúc đó là Mike Pompeo lên án Trung Quốc về các chính sách và hành động gây hấn của họ ở Biển Đông, các ngoại trưởng ASEAN đã phản ứng bằng cách nhắc lại ý định duy trì Đông Nam Á là “một khu vực hòa bình, an ninh, trung lập và ổn định” và kêu gọi tất cả các quốc gia “kiềm chế trong việc tiến hành các hoạt động có thể làm phức tạp hoặc leo thang tranh chấp.”
Họ cũng kêu gọi những người chơi chính kiềm chế, không đe dọa dùng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực, và giải quyết các mâu thuẫn và tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình.
Một tuyên bố của ASEAN được đưa ra theo yêu cầu của Indonesia đã tái khẳng định “tầm quan trọng của việc duy trì các mục tiêu và nguyên tắc của Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác ở Đông Nam Á, Tuyên bố về Khu vực Hòa bình, Tự do và Trung lập (ZOPFAN) và Tuyên bố của Hội nghị Cấp cao Đông Á về các nguyên tắc cùng có lợi.”
Tuy nhiên, những tuyên bố này vẫn chưa đủ để kiềm chế Mỹ và Trung Quốc. Thật vậy, những lời kêu gọi đã rơi vào... "những cái tai điếc."
Đương kim Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã tái khẳng định tuyên bố của Pompeo là chính sách. Nói thẳng ra, các ưu tiên của ASEAN đang bị phớt lờ.
Đã đến lúc quyết đoán hơn
Để bảo vệ chính mình và người dân của mình trước cuộc cạnh tranh của các cường quốc trong khu vực, ASEAN hoặc đa số các thành viên của khối phải hành động quyết liệt, nhiệt tình và thẳng thắn. ASEAN cần lên tiếng mạnh mẽ hơn và “thống nhất” tiếng nói chung để kêu gọi Trung Quốc và Mỹ kiềm chế ngoại giao và quân sự nhiều hơn.
ASEAN nên tuyên bố một cách dứt khoát rằng họ phản đối cả Mỹ và Trung Quốc bài binh bố trận ở Biển Đông.
Trên thực tế, các nước ASEAN cần gây áp lực lên các đối tác đã cam kết thúc đẩy hòa bình - những cường quốc bên ngoài đã tham gia Hiệp ước Bali.
Một khả năng là một nhóm các thành viên chủ chốt công khai kêu gọi Mỹ và Trung Quốc kiềm chế. Ít nhất, điều đó sẽ tước đi lý do của cả hai - đặc biệt là Mỹ - rằng họ đang hành động để trợ giúp các quốc gia Đông Nam Á.
Có lẽ các bên tranh chấp là đối thủ của Trung Quốc nên thành lập một tiểu ban ASEAN để đối phó với Trung Quốc trong khi tổ chức này cố gắng đối phó với Mỹ.
Hiệp ước Bali đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua. Ngoài ra, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi 2 cường quốc kiềm chế. ASEAN có thể đưa ra yêu cầu chính thức đối với các cơ quan của Liên hợp quốc ủng hộ họ về việc hỗ trợ trong việc kiềm chế Mỹ-Trung.
ASEAN có một phương tiện tiềm năng có thể giúp giảm thiểu các cuộc va chạm giữa các tàu chiến, tàu ngầm của Mỹ với các tàu chiến và tàu hải cảnh của Trung Quốc - dẫn đến nguy cơ xảy ra tai nạn rò rỉ phóng xạ hạt nhân - ở Biển Đông. Hiệp ước Bangkok bắt buộc các quốc gia thành viên “không được phát triển, sản xuất hoặc sở hữu hoặc kiểm soát vũ khí hạt nhân."
Khu vực không có vũ khí hạt nhân từng được tuyên bố (NWFZ) bao gồm lãnh thổ của các quốc gia thành viên ASEAN và các vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của họ.
“Lãnh thổ” bao gồm lãnh hải, vùng nước quần đảo, đáy biển và lòng đất dưới đáy biển và vùng trời phía trên chúng. Một số ý kiến cho biết điều này cũng áp dụng cho các tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Ủy ban SEANWFZ gồm các ngoại trưởng ASEAN đã họp lần gần đây nhất là vào đầu tháng 9/2020 để xem xét việc triển khai các hoạt động đảm bảo an ninh và an toàn hạt nhân trong khu vực, đồng thời hỗ trợ các nỗ lực thúc đẩy Hiệp ước Bangkok tại các diễn đàn của Liên hợp quốc.
Mỹ phản đối hiệp ước vì lo ngại về quyền tự do hàng hải trong các đặc khu kinh tế của khu vực. Họ không muốn có bên thứ ba (tức Trung Quốc) có thể có nơi ẩn náu trong khu vực này.
Hiệp ước có thể được thắt chặt để bịt các kẽ hở. Tất nhiên, các cường quốc hạt nhân sẽ phản đối, nhưng nếu làm vậy, ASEAN sẽ gửi đi một tín hiệu rằng các quốc gia Đông Nam Á đã chán ngấy việc quân đội của các cường quốc hoạt động trong khu vực mà không quan tâm đến lợi ích của ASEAN.
Hiệp ước quy định “mỗi quốc gia thành viên, khi được thông báo, có thể tự quyết định xem có cho phép tàu và máy bay nước ngoài thăm các cảng và sân bay của họ hay không.”
Quy định này có thể được thắt chặt bằng cách khuyến nghị các nước thành viên không cho phép các tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân và mang vũ khí hạt nhân cập cảng, giống như New Zealand đã làm.
Trung Quốc cho biết họ sẽ ký Hiệp ước Bangkok, nhưng vẫn chưa thực hiện được vì ASEAN muốn cả 5 cường quốc hạt nhân ký kết đồng thời.
Chữ ký của Trung Quốc sẽ có ý nghĩa quan trọng vì nước này đã tuyên bố không sử dụng vũ khí hạt nhân trước tiên và sẽ không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại các quốc gia không có vũ khí hạt nhân hoặc nằm trong các NWFZ được thiết lập theo khuôn khổ hiệp ước.
ASEAN hoặc một bộ phận của ASEAN có thể yêu cầu Đại hội đồng Liên hợp quốc giải quyết mâu thuẫn cơ bản trong các hướng dẫn của họ đối với các NWFZ, theo đó cho phép các quốc gia thành viên trong khu vực không có vũ khí hạt nhân tự quyết định có cho phép tàu và máy bay nước ngoài đến thăm các cảng và sân bay của họ hay không, cho phép máy bay nước ngoài quá cảnh không phận của họ và cho tàu nước ngoài điều hướng trong hoặc đi qua lãnh thổ của họ, bao gồm vùng biển, vùng nước quần đảo hoặc eo biển được sử dụng cho hàng hải quốc tế.
Đây là một mâu thuẫn cơ bản với khái niệm và mục đích của các NWFZ và khiến chúng không hiệu quả. Chỉ cần nêu ra vấn đề có thể khiến Mỹ và Trung Quốc tạm ngừng và có thể tạo ra một khoảng thời gian để hòa bình có cơ hội.
Những đề xuất này có vẻ không thực tế. Nhưng nếu ASEAN hoặc các quốc gia thành viên không làm gì, cũng không thực tế khi cho rằng hòa bình và ổn định trong khu vực sẽ được duy trì. Ít nhất ASEAN phải cố gắng hết sức và càng sớm càng tốt./.