ASEAN - điểm tựa cho sự ổn định khu vực giữa cạnh tranh Mỹ-Trung

Các thỏa thuận hợp tác của ASEAN đã tạo ra một cơ chế hiệu quả cho sự tham gia và quản lý các lợi ích của Mỹ và Trung Quốc trong khu vực.
ASEAN - điểm tựa cho sự ổn định khu vực giữa cạnh tranh Mỹ-Trung ảnh 1(Nguồn: siiaonline.org)

Trang Diễn đàn Đông Á đăng bài bình luận rằng mối quan hệ giữa ASEAN, Trung Quốc và Mỹ đang chịu nhiều áp lực trong một thế giới mà trật tự toàn cầu đang thay đổi đáng kể.

Sự thay đổi này đang đe dọa thịnh vượng và an ninh chung của châu Á.

Bài viết phân tích rằng cấu trúc quyền lực toàn cầu đang chứng kiến những thay đổi lớn do sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Điều này đang gây lo ngại cho Mỹ và các nước khác thay vì được chào đón như trước đây.

Đại dịch COVID-19 bùng phát càng làm gia tăng áp lực lên căng thẳng giữa hai siêu cường này cũng như lên nền kinh tế toàn cầu.

Trong bối cảnh đó, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã đóng vai trò trung tâm như một điểm tựa giúp ổn định sự cạnh tranh giữa hai cường quốc.

[Mối tương quan giữa quan hệ Mỹ-Trung và chủ nghĩa đa phương]

Các thỏa thuận hợp tác của ASEAN đã tạo ra một cơ chế hiệu quả cho sự tham gia và quản lý các lợi ích của Mỹ và Trung Quốc trong khu vực.

Câu hỏi đặt ra hiện nay là liệu ASEAN và các khuôn khổ khu vực của hiệp hội này có tiếp tục duy trì được khả năng ổn định tình hình trong bối cảnh Washington và Bắc Kinh ngày càng coi nhau là đối thủ cạnh tranh chiến lược?

Một mặt, sự trỗi dậy của Trung Quốc như một cường quốc kinh tế thế giới đã nâng cao lòng tin và ảnh hưởng của nước này trong khu vực, cả đối với tổ chức ASEAN nói chung và các quốc gia thành viên ASEAN nói riêng.

Một trong những lĩnh vực mà Trung Quốc tác động trực tiếp đến các thành viên ASEAN là hỗ trợ tài chính của Trung Quốc thông qua sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI).

Sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc đi đôi với tham vọng địa chính trị của nước này.

Mặt khác, ASEAN đối mặt với những vấn đề xuất phát từ những thay đổi căn bản trong chính sách kinh tế đối ngoại và quốc tế của Mỹ kể từ khi ông Donald Trump lên làm Tổng thống Mỹ.

ASEAN - điểm tựa cho sự ổn định khu vực giữa cạnh tranh Mỹ-Trung ảnh 2(Nguồn: AP)

Chính sách "Nước Mỹ trên hết" của ông Trump và việc Chính quyền của ông hợp lý hóa chủ nghĩa bảo hộ thương mại để giải quyết tình trạng thất nghiệp của người Mỹ đã làm suy yếu cam kết đối với những cơ chế thương mại đa phương rộng mở.

Cụ thể, Chính quyền của ông Trump đã phản đối cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO, theo đuổi chủ nghĩa song phương và đàm phán lại các hiệp định NAFTA ở Bắc Mỹ và KORUS với Hàn Quốc, rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và phát động cuộc chiến thương mại và công nghệ với Trung Quốc.

Những hành động này đã làm rung chuyển nền tảng của hệ thống kinh tế quốc tế mà ASEAN dựa vào.

Ngoài ra, sự thiếu tôn trọng của ông Trump đối với các mối quan hệ đồng minh trong khu vực làm gia tăng nghi ngờ ở châu Á về độ tin cậy của Mỹ.

Tác giả bài viết chỉ ra năm "sân khấu" chính trong đó các lực lượng kinh tế và chính trị ảnh hưởng đến ASEAN và quan hệ  của ASEAN với các cường quốc.

Đó là Biển Đông và các vấn đề lãnh thổ và tự do hàng hải; sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) của Trung Quốc; cuộc chiến thương mại và công nghệ leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc; phản ứng với sáng kiến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và mở (FOIP) của Mỹ; và tác động của đại dịch COVID-19.

Trong các vấn đề trên, ASEAN và các quốc gia hội nhập kinh tế mạnh mẽ ở Đông Á, những nước lâu nay phát triển thông quan chính sách ngoại giao và chủ nghĩa đa phương dựa trên luật lệ, đứng trước những lựa chọn đối lập nhau.

Những lựa chọn này sẽ gây những áp lực nội bộ nặng nề lên ASEAN do các nước thành viên có các mối quan hệ chính trị và an ninh đa dạng với Mỹ.

Không những thế, các áp lực này có khả năng làm tăng sự chia rẽ không chỉ giữa các thành viên ASEAN mà còn giữa ASEAN và các đối tác đối thoại, trong nhóm ASEAN+6 và các tiến trình của ASEAN+8 (Hội nghị cấp cao Đông Á), cũng như gây thiệt hại khó có thể khắc phục được đối với tiến trình hội nhập hội nhập Đông Á do ASEAN lãnh đạo.

Sự gắn kết của quan hệ kinh tế mạnh mẽ giữa châu Á và Trung Quốc dễ bị "bào mòn" bởi các mâu thuẫn trong quan hệ chính trị giữa một số quốc gia trong khu vực với Trung Quốc và bị chia tách bởi mối quan hệ song phương chặt chẽ với Mỹ.

Trừ khi có một chiến lược khác thay thế, một chiến lược của Mỹ nhằm chấm dứt sự phụ thuộc kinh tế với Trung Quốc có thể bao hàm cả việc chấm dứt sự phụ thuộc của khu vực Đông Á vào cường quốc châu Á này.

Theo chuyên gia David Camroux, ASEAN có một số lợi thế trong việc đối phó với thách thức địa chính trị hiện nay mà ASEAN phải đối mặt.

Cụ thể, ASEAN có vai trò tăng cường, hợp pháp hóa, xã hội hóa, tạo ra vùng đệm, phòng ngừa rủi ro và nâng cao vị thế của các quốc gia thành viên trong các vấn đề khu vực và quốc tế.

Chuyên gia Camroux phân tích: "ASEAN đem lại sự đoàn kết nội khối trước các chiến lược cân bằng quốc tế mà mỗi nước Đông Nam Á theo đuổi."

"Trong khuôn khổ vai trò trung tâm của ASEAN, các hình thức phòng ngừa rủi ro của mỗi quốc gia thành viên có thêm được một khía cạnh đa phương giúp tăng năng lực của mỗi quốc gia trong việc đàm phán các vấn đề khó xử về địa chính trị, chẳng hạn như cạnh tranh Mỹ-Trung Quốc."

"Xét cho cùng, ASEAN là một thực thể có uy tín trên trường quốc tế và có khả năng cao trong việc tìm kiếm các nhà đầu tư. Trong bối cảnh cạnh tranh quyền lực, chấp nhận và thúc đẩy vai trò trung tâm của ASEAN là một lựa chọn mặc định thuận tiện."

Ngày càng có nhiều áp lực lên ASEAN và mỗi quốc gia thành viên trong việc lựa chọn phe nào trong "Chiến tranh Lạnh mới" xung quanh cuộc cạnh tranh địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc.

Việc tăng cường khuôn khổ ngoại giao này tạo ra viễn cảnh một ASEAN có thể bị chia rẽ và suy yếu về thể chế, và vai trò trung tâm của ASEAN đối với ngoại giao khu vực bị suy yếu.

Vì vậy, phản ứng của ASEAN đối với ý tưởng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Washington là đưa ra Tầm nhìn riêng của khối về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Là một sản phẩm của Chiến tranh Lạnh, trong hơn nửa thế kỷ tồn tại của mình, ASEAN đã thành công trong việc vượt qua sự chia rẽ về ý thức hệ mà không bị chi phối bởi sự chia rẽ ý thức hệ này.

Ngày nay, ASEAN và ngay cả các quốc gia thành viên đối đầu trực tiếp với sức mạnh hàng hải của Trung Quốc cũng không có ý định biến khu vực này trở thành sân khấu của một cuộc xung đột mới giữa các cường quốc.

Bài viết kết luận rằng có được một sự cân bằng quyền lực một cách hòa bình giữa Washington và Bắc Kinh là phù hợp nhất đối với ASEAN, cho phép ASEAN giữ được không gian riêng cho mình để phục vụ lợi ích của các quốc gia thành viên thay vì lợi ích của bất kỳ quốc gia bá quyền nào.

Chính trị quyền lực ở châu Á không còn cần phải dựa vào quyền lực bá chủ nữa.

Ở Đông Á, trọng tâm cần hướng tới là sự phụ thuộc lẫn nhau dựa trên quan hệ kinh tế, chủ nghĩa khu vực và sự bình đẳng cho các quốc gia nhỏ, yếu hơn.

Trong bối cảnh đó, vai trò trung tâm của ASEAN rất quan trọng đối với hợp tác kinh tế và chính trị khu vực ở châu Á./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục