Bắc Giang sớm chủ động triển khai công tác tiêu thụ vải thiều

Rút kinh nghiệm các năm trước, năm nay, tỉnh Bắc Giang sớm chủ động triển khai công tác tiêu thụ vải thiều, đặc biệt là chuẩn bị vùng vải thiều phục vụ xuất khẩu.
Bắc Giang sớm chủ động triển khai công tác tiêu thụ vải thiều ảnh 1Người dân Lục Ngạn (Bắc Giang) hối hả thu hoạch vải. (Ảnh: Việt Hưng/TTXVN phát)

Ngày 14/5 tại thành phố Lào Cai, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Giang phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai và chính quyền nhân dân huyện Hà Khẩu, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) tổ chức hội nghị bàn biện pháp tiêu thụ vải thiều năm 2015.

Tại hội nghị này, hai tỉnh Lào Cai và Bắc Giang cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để tiêu thụ vải thiều cho người nông dân đạt kết quả tốt nhất. Phía huyện Hà Khẩu, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) cũng cam kết sẽ tạo mọi điều kiện để quả vải Việt Nam nhập vào thị trường nhanh và nhiều nhất, không gây phiền phức cho doanh nghiệp và người mua bán. Đồng thời, tạo mặt bằng tập kết hàng hóa thuận lợi để các thương nhân mua bán trao đổi hàng hóa theo luật pháp của hai nước.

Rút kinh nghiệm các năm trước, năm nay, tỉnh Bắc Giang sớm chủ động triển khai công tác tiêu thụ vải thiều, đặc biệt là chuẩn bị vùng vải thiều phục vụ xuất khẩu ra các thị trường Trung Quốc và các nước trong khu vực, kể cả thị trường mới là Mỹ và Australia.

Hiện nay, diện tích vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP của tỉnh Bắc Giang đã mở rộng lên 12.000ha, với sản lượng ước tính gần 80.000 tấn và có khoảng 100ha sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP để phục vụ xuất khẩu vào thị trường khó tính.

Dự kiến thời vụ thu hoạch vải thiều sẽ bắt đầu từ 20/5 đến 10/6 đối với vải sớm và từ 15/6 đến 10/7 đối với vải chính vụ. Các ý kiến tại hội nghị bàn biện pháp tiêu thụ vải thiều cũng đã cho thấy sự "vào cuộc" khá sớm của các ngành, của tỉnh Bắc Giang và các doanh nghiệp, thương nhân trong vấn đề tiêu thụ.

Năm 2015, diện tích vải thiều cho thu hoạch của tỉnh Bắc Giang đạt khoảng 32.000ha, sản lượng ước đạt 160.000 tấn; trong đó sản lượng vải thiều sớm ước đạt 25.000 tấn. Trong định hướng tiêu thụ năm nay, tỉnh Bắc Giang dự kiến sẽ có khoảng 60% sản lượng vải thiều được tiêu thụ nội địa, còn lại 40% sản lượng xuất khẩu; trong đó, xuất khẩu qua cửa khẩu Lào Cai ước khoảng 60.000 tấn.

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Giang Bùi Văn Hạnh cam kết sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan tập trung cao công tác chăm sóc, giám sát quy trình để đảm bảo an toàn thực phẩm; tăng cường công tác kiểm tra, ngăn chặn, chấn chỉnh và xử lý nghiêm tình trạng gian lận và tự ý tăng giá quá nhiều đối với các loại vật tư phục vụ việc tiêu thụ vải.

Riêng đối với việc xuất khẩu vải thiều ra nước ngoài, ông Bùi Văn Hạnh mong muốn các doanh nghiệp sớm triển khai xúc tiến, kết nối đối tác nhập khẩu. Đồng thời, khẳng định, tỉnh Bắc Giang sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi, có cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp, các cơ quan chức năng tạo điều kiện cho thương nhân và các phương tiện của họ vào địa phương lưu trú và nhận hàng thuận lợi nhất.

Với cương vị là địa phương "đầu cầu" xuất khẩu, ông Lê Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai cho biết, sẽ tạo thuận lợi nhất cho xuất khẩu vải thiều qua biên giới, như yêu cầu các cơ quan chức năng cửa khẩu làm thêm giờ không để hàng tồn ứ; đảm bảo bến bãi an toàn, an ninh và vệ sinh; giao Sở Công Thương làm đầu mối nắm bắt và tổng hợp những thông tin cần thiết liên quan đến quả vải xuất khẩu để báo Ủy ban Nhân dân hai tỉnh xử lý kịp thời. Đồng thời giao Hiệp hội doanh nghiệp và Doanh nghiệp trẻ tích cực kết nối thông thương với các doanh nghiệp bạn tiêu thụ vải quả và các hàng hóa khác.

Bên cạnh đó, địa phương đề nghị Bộ Công Thương và chính quyền huyện Hà Khẩu, Vân Nam (Trung Quốc) tạo điều kiện để các doanh nghiệp xuất nhập vải quả thuận lợi nhất. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần tìm hiểu, nắm bắt đối tác bạn hàng để tránh những khúc mắc rủi ro trong mua bán, giao thương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục