Bài 3: Những bản ‘hợp đồng ma’ hô biến ‘vàng đen’ thành xỉ thải

Trong quá trình điều tra, phóng viên VietnamPlus đã phát hiện những sự thật khó tin nhưng có thật về cách vận hành của đường dây “ăn cắp” than công khai bằng những bản “hợp đồng ma” để lách luật.
Bài 3: Những bản ‘hợp đồng ma’ hô biến ‘vàng đen’ thành xỉ thải ảnh 1Một khu xưởng tập kết, tuyển xít than của doanh nghiệp tư nhân bên ngoài Mỏ than Phấn Mễ. (Ảnh: P.V/Vietnam+)

Trong quá trình đột kích vào “thiên đường than lậu” tại tỉnh Thái Nguyên, bằng phương pháp nghiệp vụ riêng, nhóm phóng viên đã ghi lại được những hình ảnh thường ngày của những xưởng tuyển than bên ngoài Mỏ than Phấn Mễ. Qua đó phát hiện những sự thật khó tin nhưng có thật về cách vận hành của đường dây “ăn cắp” than công khai bằng những bản “hợp đồng ma” để lách luật theo hình thức bán sái thải để tuồn “vàng đen” ra ngoài trái quy định.

Cận cảnh đoàn xe tải “ăn cắp” than từ bãi thải

Tháng 3/2018, qua các mối quan hệ xã hội, chúng tôi đã được một người tên T., từng lái xe chở than ở Mỏ than Phấn Mễ (vừa nghỉ việc) chia sẻ về “đường dây” móc nối từ các “mắt xích” mỏ, để tuồn bán than ra ngoài.

T., cho biết: “Bọn ở mỏ nó thông đồng với nhau, móc nối giữa lái xe, bảo vệ, điều độ, chủ yếu là điều độ. Nếu than đẹp lên bãi thải đổ gọn một chỗ sau đó cho máy lên xúc luôn; những cái sái đổ lung tung sau đó gom lại xúc đi tới các xưởng tuyển than ngoài phạm vi quản lý của mỏ.”

Theo lời T., thông thường, người dưới moong sẽ múc lẫn cả than và đá, sau đó chở về các công ty xung quanh mỏ. Có những hôm xẩm tối còn múc nguyên than lên rồi chở ra khỏi moong.

“Ví như 17 giờ chiều, cứ khai thác vào vỉa là họ xúc, hoặc buổi trưa cũng vậy. Nay ở mỏ, người quản lý mới lên ghê lắm, nhưng cho vào chương trình là lại làm. Trước đây thì ông cũ họ làm ác lắm. Họ xúc lên và đi đổ ngay. Cái nhà ở rìa mong mỏ, có hôm múc lên đổ ở đó luôn, để mấy hôm rồi bán luôn.”

[Mega Story ‘Ma trận vàng đen’ trong cơn khát năng lượng]

Để chứng minh cho câu chuyện của người công nhân lái xe đã nghỉ việc là đúng, nhóm phóng viên tiếp tục tìm đến gặp anh H., một người từng mở xưởng chế biến than bên ngoài mỏ Phấn Mễ với nguồn than được lấy từ mỏ.

Qua trao đổi, anh H., cho biết: “Nếu muốn lấy than từ mỏ thì chỉ cho mỗi bảo vệ mấy trăm nghìn, tùy vào loại than, bán không qua trạm cân, không có hợp đồng. Các công ty đang làm đều là từ ăn trộm ăn cắp về, hợp đồng mua ở bãi thải sau khi tuyển chứ không phải bãi thải của mỏ. Họ làm suốt ngày suốt đêm, chẳng chừa giờ nào, giữa thanh thiên bạch nhật…”

Từ những thông tin tiết lộ của những người từng vận chuyển, chế biến than ở ven Mỏ than Phấn Mễ, đầu tháng 3/2018, nhóm phóng viên có mặt tại khu vực khai thác lộ thiên của Mỏ than Phấn Mễ. Theo quan sát của chúng tôi, có khoảng 7-8 xưởng tuyển than tư nhân “sống ký sinh” ở xung quanh khu vực mỏ than Phấn Mễ.

Những xưởng tuyển than này, hàng ngày đã “điều động” những chiếc xe tải trọng lớn lên khu vực bãi thải của Mỏ than Phấn Mễ, chở một lượng rất lớn đất đá lẫn bột đen (nghi là than) về tập kết ngay trong xưởng. Sau đó, nguồn đất đá thải này được đưa lên dây chuyền sàng tuyển, rửa lấy than, “tuồn” ra thị trường tiêu thụ.

Trong buổi tiếp cận đầu tiên vào sáng 5/3/2018, chúng tôi đã ghi lại một video clip dài hơn 23 phút cận cảnh xe tải màu vàng mang biển kiểm soát 20C-017.22 (trên xe có ghi chữ T666) được một máy múc xúc đất đá màu đen từ bãi thải chở thẳng vào một xưởng chế biến than tư nhân ngay gần Mỏ than Phấn Mễ.

Khoảng một tháng sau, vào lúc 17 giờ 35 phút chiều 2/4/2018, chúng tôi tiếp tục ghi nhận xe tải mang biển kiểm soát 20C-011.20 đang đổ “hàng” (đất đá lẫn bột than) tại một xưởng tuyển bên ngoài mỏ. Ngày hôm sau, vào lúc 9 giờ 7 phút và 9 giờ 13 phút sáng 3/4/2018, tiếp tục ghi nhận các xe tải mang biển kiểm soát 20C-035.11 và 20C-035.91 vận chuyển sái từ bãi thải về xưởng tuyển bên ngoài mỏ.

Bài 3: Những bản ‘hợp đồng ma’ hô biến ‘vàng đen’ thành xỉ thải ảnh 2Những chiếc xe chở xít lẫn than chở từ long moong Mỏ than Phấn Mễ lên bãi thải đổ, sau đó được “tuồn’ về các xưởng tuyển rửa xít than tư nhân bên ngoài mỏ. (Ảnh: P.V/Vietnam+)

Tại các xưởng tuyển “sống ký sinh” xung quanh khu vực Mỏ than Phấn Mễ, hoạt động tuyển rửa than cũng diễn ra rầm rộ. Tiếng máy sàng tuyển kêu vang cả một vùng trời. Ngoài đường, nước bùn than tràn lan đen như mực...

Sau hơn một tháng tiếp cận điều tra, phát hiện có người lạ, bỗng nhiên từ đâu ra đội bảo vệ xé vé, ghi chép lại các xe ra vào mỏ diễn ra rất bài bản-những hình ảnh nhiều ngày liên tiếp trước đó không thể bắt gặp. Nghi bị lộ, chúng tôi tạm thời rút khỏi khu vực “nóng” và hẹn ngày quay trở lại tìm hiểu tường tận hoạt động.

Sau một thời gian “tạm lãnh,” đầu tháng 12/2018, nhóm phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus tiếp tục quay trở lại điều tra về hoạt động khai thác, đổ thải, tuồn than từ khu vực Mỏ than Phấn Mễ ra các xưởng tuyển rửa than bên ngoài khu vực mỏ.

Theo quan sát, cứ khoảng 40 phút lại có hai chiếc xe tải màu vàng, biển kiểm soát 20C-057.18 và 20C-071.20 chuyển sái (đất đá có lẫn than) từ khu vực bãi thải đi ra. Trên hai xe đó có dòng chữ Doanh nghiệp tư nhân thương mại Hải Bình chở thẳng từ bãi thải đổ tại một xưởng tuyển than tư nhân gần cầu treo Phục Linh.

[Theo chân đội phu than đột kích vào ‘thiên đường than lậu’]

Trong buổi chiều 15/12, có mặt tại bãi thải, chúng tôi tiếp tục ghi nhận rất nhiều xe tải chở “sái đen” từ lòng moong lên bãi thải đổ. Khi những xe này rút, những chiếc xe khác (thùng xe không chở gì) lại kéo lên bốc một lượng lớn đá và bột than về các khu xưởng tuyển than bên ngoài mỏ tập kết.

Chiều ngày 16/12, chiếc xe tải biển kiểm soát 20C-071.20 tiếp tục miệt mài lên bãi thải chở “hàng” về bãi tập kết ở đầu cầu. Cùng ngày, xuất hiện thêm xe tải biển kiểm soát 20C-067.26 tham gia với hành trình tương tự. Đáng nói là 16/12 là chủ nhật, mọi hoạt động của mỏ than Phấn Mễ đều tạm nghỉ!

Tiếp tục sang sáng 17/12, khi nhóm phóng viên chúng tôi tiếp cận bãi thải các xe theo lộ trình bãi thải Mỏ than Phấn Mễ - xưởng của Công ty Hải Bình hoạt động từ sớm, nhưng đến trưa bỗng thấy hoạt động này dừng lại. Nghi bị lộ, chúng tôi rời khỏi Mỏ than Phấn Mễ để về thành phố Thái Nguyên rồi đi đường vòng về phía trung tâm huyện Đại Từ để tiếp cận mỏ than qua xã Phục Linh chỉ để lại 1 nguồn tin riêng ở lại.

Đến khoảng 16 giờ 30 cùng ngày, nguồn tin ở mỏ báo ra đang có nhiều xe tải vào Mỏ than Phấn Mễ chở than lên đổ ở một số nơi quanh mỏ. Theo nguồn tin khẳng định, đó là than chứ không phải sái hay đá thải, chúng tôi vội vã quay lại.

Khi chúng tôi có mặt, nhìn xuống lòng moong, từng đoàn xe từ 5-7 chiếc, cứ một hai xe chở đá thải màu trắng lại có một xe than màu đen. Khi xe chở ra khỏi moong thì tỏa đi nhiều hướng khác nhau.

Theo bám chiếc xe tải màu xanh, biển kiểm soát 20C-048.45- thời gian được ghi nhận từ máy quay là 17 giờ 10 phút ngày 17/12- từ Mỏ than Phấn Mễ hướng thẳng lên bãi thải, rồi bất ngờ đổ xuống giữa ngã ba ven đường nguyên một xe than. Tại đây một chiếc máy xúc đang chờ sẵn để múc than lên xe tải của một xưởng tuyển ở ngoài mỏ.

Bài 3: Những bản ‘hợp đồng ma’ hô biến ‘vàng đen’ thành xỉ thải ảnh 3Hoạt động sàng tuyển xít lấy than diễn ra rầm rộ tại các xưởng tuyển xít than tư nhân bên ngoài Mỏ than Phấn Mễ. (Ảnh: P.V/Vietnam+)

Sử dụng “hợp đồng ma” để… “tuồn” than

Để rõ hơn về hoạt động vận chuyển sái thải và than nêu trên, ngày 18/12/2018, nhóm phóng viên quyết định mang hình ảnh và video clip đã ghi nhận được trong suốt hơn nửa năm qua tới gặp và làm việc với lãnh đạo Mỏ than Phấn Mễ.

Tiếp chúng tôi, ông Nguyễn Duy Khải-Phó Giám đốc Mỏ than Phấn Mễ cho biết, hiện mỏ than này đang khai thác theo hai công nghệ là hầm lò và lộ thiên (Bắc Làng Cẩm khai thác âm 210m, Làng Cẩm khai thác hầm lò âm 170m). Sản lượng mỗi năm mỏ được giao khai thác là 195.000 tấn.

“Riêng than mỡ ở mỏ tương đối hiếm, trữ lượng nhỏ nên sản lượng thấp. Đặc thù than mỡ là chỉ cấp cho gang thép, than luyện cốc, cốc luyện ra gang, gang làm ra phôi thép. Chúng tôi không được phép bán than ra ngoài, mà chỉ phục vụ vào công ty gang thép, mọi chi phí giá thành do gang thép hạch toán,” ông Khải nói.

Vẫn theo ông Khải, hiện Mỏ than Phấn Mễ sản xuất không đủ nên phải nhập khẩu thêm về lượng than đạt tiêu chuẩn về cốc. “Mỏ không bán cho cơ quan nào sản phẩm chính, còn sản phẩm phụ như sái sau tuyển, chúng tôi bán phục vụ dân sinh thôi. Các doanh nghiệp tư nhận mua bán sái của công ty đều có hợp đồng.”

Sau đó, vị Phó Giám đốc Mỏ than Phấn Mễ cũng cấp cho chúng tôi nhiều bản Hợp đồng kinh tế về việc mua bán sái thải và bã sái thải sau tuyển giữa Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên-Mỏ than Phấn Mễ với các công ty tư nhân như: Công ty trách nhiệm hữu hạn Công Hoàng Sơn; Chi nhánh Công ty Cổ phần Khai khoáng Miền Núi-Xí nghiệp than An Khánh Cù Vân; Công ty trách nhiệm hữu hạn Vũ Hải Lâm; Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Vận tải Hải Bình… với nội dung tên hàng là “sái thải sau tuyển loại to (đá xít), bã sái thải sau tuyển than vừa và bã sái thải sau tuyển than 3B.”

[Bài 2: ‘Tuồn’ lậu cả ngàn tấn than mỗi tháng bằng ‘suất ngoại giao’]

Theo như nội dung tên hàng của các bản Hợp đồng kinh tế nêu trên, thì Mỏ than Phấn Mễ chỉ có thể bán sái thải sau tuyển (nếu được bán đúng như nội dung ghi trong hợp đồng), đó là đá xít, bã sái thải sau tuyển than vừa và bã sái thải sau tuyển than 3B. Vậy nhưng, thực tế cho thấy, các loại “sái sau tuyển” mà Mỏ than Phấn Mễ bán đều được múc và vận chuyển từ dưới lòng moong mỏ than lên bãi thải, không qua khu vực nghiền tuyển của mỏ, mà đưa thẳng về các xưởng tuyển tư nhân ở bên ngoài.

Trả lời câu hỏi sao xe của các doanh nghiệp được phép lên thẳng bãi thải để chở “hàng” về các xưởng tư nhân bên ngoài khu vực mỏ mà không như trong hợp đồng là “mua sái sau sàng tuyển” ở phân xưởng tuyển than của Mỏ than Phấn Mễ, ông Khải giãi bày: “Khai thác máy móc phải có cái chọn lọc, than tốt đổ vào bãi một, bãi hai, than xấu thì đổ vào bãi lấn đất, phải dùng lực lượng nhặt lại. Trong quá trình khai thác máy móc hoạt động thì việc lẫn than trên xe là có, khẳng định là có, nên người dân lên bãi nhặt là có. Còn xúc than lên bãi thải khẳng định không có, vì chúng tôi có hệ thống quản lý chặt chẽ, có người trên bãi thải, xe đi phải có vé, ngoài ra còn có quản đốc. Tổ chỉ huy ở dưới mỏ còn có một ông giám sát và quản lý than để phối hợp với công ty để giải quyết.”

Nhưng khi được phóng viên cho xem hình ảnh, ông Khải lại thừa nhận: “Những chuyện ăn trộm đúng là quản lý kiểu gì cũng có kẽ hở, ví như bịt cửa này nó khoét cửa kia, người ta gọi là mưu thầy vợ thợ, họ lắm mẹo, lắm bài lắm. Ở công trường không tránh khỏi trộm cắp được, chỉ có cách là làm sao để giảm thiểu đi thôi..”

“Thật ra khi có bóng dáng lãnh đạo vào là họ im hết, nhưng tại công trường, mỗi ca chỉ có một lãnh đạo,” ông Khải nói thêm.

Bài 3: Những bản ‘hợp đồng ma’ hô biến ‘vàng đen’ thành xỉ thải ảnh 4Hoạt động khai thác tại Mỏ than tại Mỏ than Phấn Mễ

Theo ông Khải, hiện có hai công ty đang chở thuê đất đá cho mỏ nên xe xuống moong là chuyện đương nhiên, các doanh nghiệp xung quanh hoạt động đều có giấy phép, mua bán. “Mỏ chỉ thuê bốc xúc và vận chuyển đất đá, chứ những xưởng xung quanh chúng tôi không liên kết với họ, họ chỉ mua những sái thải về họ nghiền,” ông Khải phân trần.

“Hợp đồng mua bán họ cho vào chỉ để lách luật”

Trên phương diện lãnh đạo chính quyền địa phương, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đình Khương, Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Phục Linh, huyện Đại Từ cho biết: Trên địa bàn có 4 doanh nghiệp, trong đó 1 doanh nghiệp khai thác đá và 3 doanh nghiệp làm than ở xung quanh Mỏ than Phấn Mễ.

Khi được hỏi về hồ sơ của các doanh nghiệp tuyển than trên địa bàn, ông Khương nói: “Mình không có hồ sơ của các doanh nghiệp, thực ra mình không quản lý. Qua kiểm tra cơ quan chức năng cấp tỉnh, huyện giao cho xã kiểm tra, nên chỉ kiểm tra nhắc nhở thế thôi, khi vấn đề nóng ngoài tầm kiểm soát thì địa phương làm văn bản đề nghị huyện. Còn than có vận chuyển lên đó không mình không kiểm soát được, do đó là đất của mỏ, địa phương không giám sát được.”

Theo ông Khương, tại các kỳ tiếp xúc cử tri, ông cũng được nghe người dân phản ảnh, nhưng sự việc này do các cơ quan cuyên môn giải quyết, các báo cáo và đề án môi trường địa phương không nắm được. Mặc dù vậy ông Khương cũng thừa nhận: “Trong quá trình kiểm tra mình không yêu cầu ‘có thể’ là thiếu sót của địa phương..”

Còn ông Đặng Cương Quyết, Bí thư Đảng Ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Cù Vân, huyện Đại Từ cho biết, trên địa bàn xã có doanh nghiệp Hải Bình thuê đất của dân, có cam kết bảo vệ môi trường theo yêu cầu của tỉnh, có giấy tờ đầy đủ. Chỉ có điều, trong quá trình làm thì gây bụi bẩn, bùn than tràn ra đường.

Bài 3: Những bản ‘hợp đồng ma’ hô biến ‘vàng đen’ thành xỉ thải ảnh 5Các xưởng tập kết, tuyển xít than bên ngoài Mỏ than Phấn Mễ. (Ảnh: P.V/Vietnam+)

Ban đầu trao đổi với phóng viên là vậy, nhưng khi được hỏi là đã thấy các giấy tờ liên quan của công ty trên địa bàn bao giờ chưa, cũng như biên bản các lần kiểm tra, thì ông Quyết lại khẳng định: “Việc này liên quan liên quan đến cấp tỉnh, hoạt động của doanh nghiệp nằm ngoài tầm của xã, địa phương cũng không nắm được.”

“Vừa rồi huyện có đoàn kiểm tra nhưng mình không đi. Còn những thông tin anh em phản ánh hôm nay mình mới biết,” ông Quyết cho biết thêm.

Không chỉ cấp cơ sở tỏ ra ‘ngạc nhiên,’ mà ngay cả lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Nguyên khi nghe phóng viên thông tin và cho xem hình ảnh hoạt động vận chuyển, “tuồn” sái thải, than ở Mỏ than Phấn Mễ ra ngoài cũng tỏ ra “bất ngờ.”

Tại buổi làm việc với phóng viên vào ngày 5/1/2019, ông Nguyễn Thế Giang, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Nguyên cho biết: “Sở không cấp đề án bảo vệ môi trường cho đơn vị nào ở quanh Mỏ than Phấn Mễ. Việc vận chuyển trên bãi thải thì liên quan đến nhiều ngành khác nữa. Nếu vận chuyển xít, than thẳng từ mỏ, từ bãi thải ra ngoài thì cái này liên quan đến thất thoát tài nguyên khoáng sản, thất thoát thuế VAT theo sản lượng khai thác.”

Về nội dung bán sái, bã sái thải sau tuyển than của Mỏ than Phấn Mễ, ông Giang nói: “Anh biết câu chuyên ở đó là 3 gầu đá 2 gầu than, hoặc là chuyển lên bãi thải sẽ có đội quân mót ở bãi luôn. Anh sẽ rà soát lại vì Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường nên phải xem có được phép bán xít đi không. Nếu không được phép mình sẽ thông tin để kiểm tra, xử lý việc đó.”

Còn về nội dung liên quan những hợp đồng bán sái, bã thải, sau khi nghe phóng viên trao đổi và xem hợp đồng, ông Giang và một cán bộ phòng khoáng sản của Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Nguyên đều nhận định: “Ngay câu chữ trong hợp đồng đã thấy mập mờ rồi. Nếu bán sái thải như thông tin phản ánh trên là không được phép. Báo cáo đánh giá tác động môi trường quy định, đổ vào chỗ nào đó phải trồng cây. Chữ trong hợp đồng mua bán họ cho vào chỉ để lách luật…”

Với cách quản lý xã đổ huyện, huyện đổ tỉnh, môi trường đổ quản lý kinh tế… và sự ngỡ ngàng đến khó tin của các cơ quan chức năng địa phương, cứ thế hàng chục, thậm chí cả trăm tấn than ngày đêm được công khai thẩm lậu ra ngoài./.

Toàn cảnh hoạt động tuồn than lậu trong và ngoài Mỏ than Phấn Mễ. (Video: P.V/Vietnam+)

Trong quá trình điều tra về than lậu tại các vùng mỏ Thái Nguyên, nhóm phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus liên tiếp nhận được tin báo rằng, hoạt động vận chuyển, tuồn bán xít than trái phép ở Quảng Ninh, thời gian gần đây cũng đang diễn ra rầm rộ bằng cả đường bộ và đường biển. Cuối tháng 12, chúng tôi quyết định xuôi về vùng đất cảng.

Sau gần hai tháng bám địa bàn, nhóm phóng viên đã phát hiện “thiên đường than lậu” với hàng chục điểm tập kết xít thải để tuyển than trái phép nằm trong Cụm Công nghiệp Cẩm Thịnh, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Xít thải sau khi “tuồn” từ các mỏ than đến đây sẽ được đưa lên máy móc tuyển rửa lấy than bùn, rồi xuất bán đi khắp nơi ở trong nước, thậm chí xuất khẩu ra nước ngoài bằng tàu biển..

Điều đáng nói là, thực trạng trên diễn ra công khai ngay giữa ban ngày, hỏi người dân trên địa bàn phường Cẩm Thịnh, dường như ai cũng biết tới “thiên đường than lậu” này. Vậy mà, lãnh đạo chính quyền sở tại lại chối bay “sự thật” rằng “làm gì có bến bãi than lậu nào.” Vì sao vậy?

Mời độc giả đón đọc Bài 4: Chính quyền bao che cho ‘thiên đường than lậu’ vô tư tồn tại?

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục