Vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) đã áp dụng tốt bài học kinh nghiệm từ đợt bùng phát dịch SARS năm 2003 để áp dụng trong cuộc chiến chống lại dịch COVID-19.
Theo NBC, trong bối cảnh các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là Mỹ và châu Âu, đang vật lộn với sự bùng nổ của SARS-CoV-2, Đài Loan có thể mang đến những bài học quý giá về cách kiềm chế dịch bệnh lây lan.
Hòn đảo này chỉ cách 130km so với Trung Quốc đại lục, nơi COVID-19 được cho là bắt đầu xuất phát từ thành phố Vũ Hán. Khi dịch bệnh bùng phát vào tháng Một, nhiều doanh nhân Đài Loan cùng thân nhân ở đại lục đang trở về nhà để ăn Tết Nguyên Đán. Đồng thời, mỗi ngày hòn đảo này đón tới 2.000 lượt khách du lịch từ đại lục với khả năng mang theo virus.
Tuy vậy, tính đến 12/3, Đài Loan chỉ có 48 ca mắc COVID-19 và một ca tử vong - ít hơn rất nhiều so với con số 80.793 ca mắc và 3.186 ca tử vong tại Trung Quốc đại lục, cũng như các quốc gia ở Đông Bắc Á như Hàn Quốc (hơn 7.800 ca) và Nhật Bản (620 ca).
[Đài Loan nâng cảnh báo dịch COVID-19 lên mức cao nhất]
Trong số hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ bị ảnh hưởng, Đài Loan có tỷ lệ mắc bệnh trên đầu người thấp nhất - khoảng 1/500.000 người. Với vị trí địa lý rất gần Trung Quốc cũng như có số lượng người qua lại rất lớn, tỷ lệ này thực sự đáng ngạc nhiên.
Vậy Đài Loan có thể mang đến cho các nước trên thế giới những bài học nào để kìm hãm sự lây lan của virus?
Cảnh giác và chủ động
Một phần do nằm sát Trung Quốc và sử dụng cùng ngôn ngữ, Đài Loan đã sớm biết về "bệnh viêm phổi nghiêm trọng" đang lan rộng ở Vũ Hán. Nhưng chính các biện pháp chủ động mà hòn đảo này áp dụng đã giúp ngăn chặn một đợt bùng phát lớn.
Vào ngày 31/12/2019, cùng ngày Trung Quốc báo lên Tổ chức Y tế Thế giới WHO về những ca bệnh viêm phổi lạ, Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) của Đài Loan đã lập tức yêu cầu kiểm tra các hành khách đáp các chuyến bay từ Vũ Hán.
Và bất chấp quan hệ không êm đẹp với Bắc Kinh, Đài Loan đã đề nghị và được phép cử một nhóm chuyên gia tới đại lục để thực hiện nhiệm vụ tìm hiểu thực tế vào ngày 12/01/2020.
"Họ không cho chúng tôi thấy cái mà họ không muốn chúng tôi thấy, nhưng các chuyên gia của chúng tôi đã cảm nhận được tình hình không khả quan," người phát ngôn Kolas Yotaka của chính phủ Đài Loan chia sẻ với NBC News.
Ngay sau khi nhóm công tác trở về, Đài Loan đã bắt đầu yêu cầu các bệnh viện làm xét nghiệm và báo cáo các ca bệnh. Điều này giúp cho chính phủ xác định được những người mắc bệnh, theo dõi sự tiếp xúc của họ và cách ly mọi đối tượng liên quan, ngăn chặn virus lây lan ra cộng đồng.
Tất cả những công việc này đã được thực hiện từ lâu trước khi Đài Loan xác nhận ca nhiễm đầu tiên vào ngày 21/01 và các nước khác trên thế giới mới được báo động về dịch bệnh.
Thiết lập một trung tâm chỉ huy
Theo giáo sư Jason Wang thuộc trung tâm Chính sách Y tế của Đại học Stanford - một chuyên gia về nhi khoa có bằng tiến sỹ về phân tích chính sách, một động thái quan trọng không kém của CDC của Đài Loan là khởi động Trung tâm Chỉ huy phòng chống dịch bệnh trung ương khá sớm vào ngày 20/1, mở đường cho việc nhanh chóng đưa ra một loạt các biện pháp kiểm soát dịch bệnh.
"Đài Loan đã nhanh chóng lập và áp dụng một danh sách gồm ít nhất 124 mục hành động trong vòng 5 tuần qua - tức là 3 tới 4 mục hành động mỗi ngày - để bảo vệ sức khỏe cộng đồng," giáo sư Wang cho biết. "Các chính sách và hành động đã vượt ra khỏi sự kiểm soát biên giới bởi họ đã nhận ra rằng chỉ như vậy là chưa đủ."
Trung tâm chỉ huy đứng đầu là Bộ trưởng Y tế Chen Shih-chung không chỉ điều tra các ca mắc và nghi nhiễm virus, mà còn làm việc với các bộ và chính quyền địa phương để phối hợp phản ứng trên khắp lãnh thổ Đài Loan, bao gồm phân bổ ngân sách, huy động nhân sự và tư vấn về khử trùng tại trường học.
Hành động nhanh chóng và quyết đoán
Đài Loan cũng đã có những biện pháp cứng rắn ngay từ sớm. Vào ngày 26/1, năm ngày sau khi xác nhận ca nhiễm đầu tiên, Đài Loan đã cấm khách từ Vũ Hán - sớm hơn bất kỳ quốc gia và vùng lãnh thổ nào khác.
Không lâu sau, các chuyến bay từ hầu hết các địa phương khác (trừ một số thành phố) tại Trung Quốc cũng bị cấm hạ cánh tại Đài Loan, và chỉ có người Đài Loan mới được phép nhập cảnh.
Sử dụng công nghệ để phát hiện và theo dõi các trường hợp
Sau khi bảo đảm an toàn tại biên giới, Đài Loan đã sử dụng công nghệ để chiến đấu với virus. Các máy theo dõi nhiệt độ đã được thiết lập tại các sân bay sau đợt bùng phát dịch SARS năm 2003 để phát hiện bất kỳ hành khách nào bị sốt - một triệu chứng mắc virus SARS-CoV-2.
Hành khách cũng có thể quét mã QR và báo cáo lịch sử đi lại cùng các triệu chứng sức khỏe của họ trực tuyến. Dữ liệu này sau đó được chuyển trực tiếp tới CDC của Đài Loan.
Những người đến từ các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề bắt buộc phải tự cách ly tại nhà trong 14 ngày, ngay cả khi không có dấu hiệu đổ bệnh, và được theo dõi bằng ứng dụng chia sẻ vị trí trên điện thoại di động. Nếu trốn cách ly, họ có thể bị phạt tiền rất nặng.
Hình phạt này cũng được áp dụng nếu không khai báo các triệu chứng.
Ví dụ, một người đàn ông cố ý giấu diếm nhà chức trách rằng anh ta đã có các triệu chứng bệnh sau khi trở về từ Vũ Hán và vẫn đến tới một câu lạc bộ khiêu vũ vào ngày hôm sau đã bị phạt 10.000 USD.
Chính quyền Đài Loan cũng nhanh chóng xác định những người có tiếp xúc với người mắc bệnh, làm xét nghiệm và cho họ cách ly tại nhà.
"Họ cũng chủ động tìm các ca nhiễm mới bằng cách tái xét nghiệm những người từng có kết quả âm tính," giáo sư Wang cho biết.
Bảo đảm sẵn sàng nguồn cung ứng
Để đảm bảo nguồn cung khẩu trang ổn định, chính phủ đã nhanh chóng cấm các nhà sản xuất xuất khẩu, áp dụng một hệ thống phân phối và cố định giá ở mức 16 xu/khẩu trang.
Chính phủ cũng mở các dây chuyền sản xuất mới và điều động binh sĩ đến làm việc tại các nhà máy, giúp tăng đáng kể sản lượng.
Những chiếc khẩu trang này giúp cư dân tại các thành phố đông dân ở Đài Loan tự bảo vệ mình; chúng giúp họ cảm thấy an toàn và không hoảng loạn.
Giáo dục cộng đồng
Chính phủ cũng yêu cầu các đài truyền hình và truyền thanh phát các bản tin dịch vụ công ích mỗi giờ về cách thức lây lan của virus, tầm quan trọng của việc rửa tay đúng cách, và khi nào cần đeo khẩu trang.
"Chúng tôi chỉ đơn giản nghĩ rằng một khi thông tin được minh bạch, và mọi người có đủ kiến thức y tế, thì sự sợ hãi của họ sẽ giảm xuống," bà Kolas, người phát ngôn của chính phủ cho hay.
Người dân đã biết rằng hầu hết các bệnh nhân chỉ có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng, vì thế tỷ lệ tử vong có thể thấp hơn so với con số được báo cáo. Họ cũng hiểu rằng hành trình đi lại của một người hay sự tiếp xúc với người đã mắc bệnh, chứ không phải quốc tịch hay chủng tộc, sẽ xác định mức độ rủi ro của người đó. Hiểu biết đó đã giúp giảm sự phân biệt đối xử.
Vận động sự tham gia từ cộng đồng
Tu Chen-yang, hiệu trưởng một trường học tại Đài Loan, cho biết sự hợp tác của cộng đồng, bao gồm cả học sinh, với các biện pháp mà chính phủ khuyến nghị là rất quan trọng để ngăn chặn virus lây lan.
"Hơn 95% phụ huynh đo thân nhiệt cho con em ở nhà và báo cho trường trước khi các em đến lớp. Bất kể chính phủ có làm gì, mọi người cũng phải có trách nhiệm với sức khỏe của chính mình."
Nature Lin, một quản lý tòa nhà ngân hàng cũng đồng tính với quan điểm trên. Anh kiểm tra nhiệt độ của nhân viên đi làm hàng ngày bằng một camera phát hiện đặt ở sảnh.
"Chúng tôi đã dự trữ cồn khử trùng và máy đo thân nhiệt từ trong kỳ nghỉ," anh cho biết.
Thực tế, mọi tòa nhà văn phòng, trường học và trung tâm thể thao cộng đồng đều có kiểm tra thân nhiệt và ngăn không cho bất cứ ai bị sốt vào bên trong. Các tòa nhà chung cư cũng đặt nước rửa tay sát khuẩn ở bên trong hoặc bên ngoài thang máy.
Học từ kinh nghiệm
Đài Loan đã áp dụng tốt những bài học rút ra từ đợt bùng phát dịch SARS năm 2003. Dịch bệnh năm đó đã khiến 73 người thiệt mạng và làm tổn hại nền kinh tế.
Lần này, chính quyền và người dân Đài Loan đã có sự chuẩn bị, và sự sẵn sàng đó đã giúp tỷ lệ ủng hộ nhà lãnh đạo Thái Anh Văn tăng lên.
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, người phát ngôn Kolas cho biết bà tin rằng hệ thống bảo hiểm y tế của đất nước, với 99% dân số tham gia, là rất quan trọng để chống lại sự lây lan của dịch bệnh.
"Bảo hiểm y tế của Đài Loan giúp mọi người không cảm thấy ngại đến bệnh viện. Nếu bạn nghi ngờ mình mắc COVID-19, bạn không phải lo rằng mình không trả nổi tiền viện phí để xét nghiệm," bà nói.
"Bạn có thể được xét nghiệm miễn phí, và nếu buộc phải cách ly trong 14 ngày, chúng tôi sẽ cung cấp thực phẩm, nơi ở và chăm sóc y tế. Vì vậy, không ai tránh gặp bác sỹ vì sợ không thể chi trả cho việc chăm sóc sức khỏe"./.