Báo động đỏ với các "thiên đường" sinh thái ở Brazil

Những "thiên đường" sinh thái tại quốc gia Nam Mỹ Brazil đang ngày càng phải đối mặt với nhiều hiểm họa từ các doanh nghiệp và các băng nhóm tội phạm.
Báo động đỏ với các "thiên đường" sinh thái ở Brazil ảnh 1Ảnh tư liệu: Khoảng rừng Amazon bị chặt phá tại bang Para, Brazil, ngày 14/10/2014. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Brazil là nơi tập trung hơn 50% các loài động, thực vật trên thế giới nhưng những "thiên đường" sinh thái tại quốc gia Nam Mỹ này đang ngày càng phải đối mặt với nhiều hiểm họa từ các doanh nghiệp và các băng nhóm tội phạm.

Các chuyên gia nhận định cấu trúc đa dạng sinh học vốn rất phong phú tại Brazil đang bị tấn công từ nhiều phía, từ những hoạt động chặt phá rừng để lấy đất canh tác, khai thác chui khoáng sản làm ô nhiễm các dòng sông hay hoạt động buôn lậu gỗ khiến những loài thực vật quí hiếm dần biến mất.

[Amazon mất 30 triệu ha rừng nguyên sinh trong 17 năm]

Theo các chuyên gia, diện tích rừng bị tàn phá tại Amazon từng giảm đáng kể từ năm 2004 tới 2012, nhưng nay đã tăng trở lại từ tháng 1/2019. Diện tích rừng bị tàn phá tăng 54% lên 108 km2 so với mức 70km2 một năm trước. Dù diện tích này giảm trong tháng 2 và tháng 3, nhưng tổng cộng có khoảng 268km2 rừng nhiệt đới Amazon đã biến mất trong quí 1/2019. Tỷ lệ rừng bị tàn phá tăng 24% trong 12 tháng qua.

Thường được biết đến như "lá phổi của hành tinh", rừng rậm Amazon có số lượng các loài phong phú với 40.000 loài thực vật, 3.000 loài cá nước ngọt, gần 1.300 loài chim và 370 loài bò sát. Đây cũng là nơi cư trú cuối cùng của loài báo đốm, được mệnh danh là "vua của những cánh rừng Mỹ Latinh," và loài cá heo hồng quý hiếm, những loài đều đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Không chỉ phong phú với những loài đã đượcbiết đến, trong 20 năm qua, Amazon chưa bao giờ khiến con người thôi ngạc nhiên khi có tới 2.200 loài thực vật và động vật có xương sống mới được phát hiện tại đây.

Nhưng diện tích rừng bị tàn phá tại đây mỗi ngày cũng đang được tính bằng đơn vị "sân bóng." Khoảng 80% diện tích rừng bị tàn phá biến thành các đồng cỏ. Trong nhiều trường hợp, những người mới đến chiếm đoạt đất, bao gồm cả các khu vực vốn đã được phân chia ranh giới cho người bản địa hoặc các công viên quốc gia.

Theo quy định tại Brazil, sau 10 năm sở hữu, chủ đất sẽ được cấp chứng nhận đất sản xuất và có thể bán mảnh đất này. Các chuyên gia cho rằng đây chính là yếu tố chính khiến tình trạng phá rừng gia tăng. Tình trạng phá rừng không chỉ khiến hệ sinh thái dưới nước bị ô nhiễm mà còn góp phần làm tình trạng biến đổi khí hậu thêm nghiêm trọng vì thải carbon ra khí quyển.

Vùng Pantanal ở miền Trung Tây Brazil là vùng đất ít được biết đến hơn, nhưng cũng là nơi bảo tồn đa dạng sinh học lớn và dễ bị tác động. Đây là địa điểm tập trung nhiều động - thực vật hoang dã nhất ở Nam Mỹ với hơn 665 loài chim. Tuy nhiên, hệ đa dạng sinh học ở đây cũng bị đe dọa nghiêm trọng do nạn phá rừng, xói lở đất, hoạt động canh tác nông nghiệp lạm dụng thuốc hóa học, tình trạng đánh bắt quá đà, khai thác thủy điện, khai khoáng và du lịch./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục