Báo động xuống cấp môi trường đô thị

Ở các đô thị, tình trạng nước thải sinh hoạt, công nghiệp chưa qua xử lý xả trực tiếp vào nguồn nước tiếp nhận hiện đang phổ biến. Nhiều dòng sông, kênh mương thoát nước, bãi chôn lấp rác bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Ở các đô thị, tình trạng nước thải sinh hoạt, công nghiệp chưa qua xử lý xả trực tiếp vào nguồn nước tiếp nhận hiện đang phổ biến. Nhiều dòng sông, kênh mương thoát nước, bãi chôn lấp rác bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Nguyên nhân chủ yếu là do chưa có kế hoạch, quy hoạch phát triển đồng bộ, thiếu sự phối hợp tập trung trong đầu tư xây dựng và quản lý vận hành, chưa huy động tốt các nguồn lực trong xã hội cùng tham gia…

Đó là nhận định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, ông Nguyễn Hồng Quân khi tham dự diễn đàn Phát triển Đô thị Bền vững, diễn ra ngày 26-27/2 tại Hà Nội.

Thực trạng báo động

Một báo cáo tại Hội nghị quốc gia về đánh giá ngành nước, tháng 10/2008 cho thấy, trong những năm gần đây, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc phục hồi, phát triển và nâng cấp các dịch vụ cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng trong nước vẫn chưa thể đáp ứng những nhu cầu cơ bản của người dân. Hiện, Việt Nam có 28 triệu người sống trong đói nghèo và 30 triệu người không có nước sạch.

Ngoài ra, tại các khu vực đô thị hiện nay, chất thải từ các cơ sở sản xuất công nghiệp, hộ gia đình, nước nhiễm bẩn và không khí đang là những vấn đề vô cùng bức xúc.

Bà Karin Kortmann, Quốc Vụ khanh, Bộ Hợp tác và Phát triển Kinh tế Liên bang Đức cho rằng, đó không phải là vấn đề của riêng Việt Nam mà của cả các nước trên thế giới. “Chính sự bất hợp lý trong quản lý nước thải và chất thải rắn đã gây ra những hậu quả về môi trường,” bà Korrtmann nói.

Về thực trạng này, Bộ Xây dựng cho biết, tại các thành phố lớn ở Việt Nam, có từ 50-80% số hộ gia đình sử dụng bể tự hoại, 10-20% sử dụng các loại nhà tiêu đơn giản như hố xí thùng. Tại các thành phố khác, có 30-50% xử dụng hố xí thùng hoặc hố xí hai ngăn. Tuy nhiên, nước thải từ các nhà vệ sinh này thường chỉ được xử lý sơ bộ rồi hòa chung với nước xám chưa qua xử lý trước khi chảy vào cống thoát nước chung hoặc chảy thẳng ra sông suối, ao hồ...

Cùng với đó, ở hầu hết các thành phố, hệ thống thoát nước thường được xây dựng với đường kính, độ dốc nhỏ và tốc độ dòng chảy thấp, đã gây ra sự lắng đọng và tắc cống trong cả mạng lưới. Chính điều này đã gây ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng.

Đối với chất thải rắn, Bộ Xây dựng cho biết, tổng khối lượng chất thải trên toàn quốc được tính vào khoảng 12,8 triệu tấn/năm. Theo dự báo, khối lượng này sẽ tăng lên con số 22 triệu tấn vào năm 2020. Hằng ngày, có 82% trong số 19.685 tấn rác đô thị được thu gom và có khoảng 10% trong số đó được tái chế và 12% được xử lý.

Trên thực tế, chỉ một khối lượng nhỏ chất thải hữu cơ được tận dụng làm phân bón, hầu hết chất thải rắn còn lại được đem đi chôn lấp. Tuy nhiên, theo nhận định, chỉ có 15% số bãi chôn lấp được coi là đạt yêu cầu vệ sinh. Số còn lại, do thiếu xử lý nên đã gây ra ô nhiễm nghiêm trọng cho đất đai và nước ngầm tại các khu vực xung quanh.

Loay hoay đưa chìa vào ổ khóa

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân cho biết, tuy vấn đề phát triển hệ thống thoát nước, xử lý nước thải và quản lý chất thải rắn dù đã được Chính phủ và các địa phương quan tâm, nhưng vẫn còn nhiều bất cập. Một thực trạng rất dễ thấy là tình trạng ô nhiễm môi trường tại các đô thị và khu công nghiệp. Tuy nhiên, Chính phủ Việt Nam đã ban hành một số Nghị định, Chiến lược, Định hướng rõ ràng, liên quan tới công tác quản lý hạ tầng kỹ thuật.

“Các Nghị định mới ban hành này công cụ quản lý thống nhất, có tính pháp lý cao nhằm cải cách, thúc đẩy ngành thoát nước và vệ sinh môi trường đô thị phát triển bền vững,” Bộ trưởng Quân nói.

Tuy đã có “chìa khóa” trên, nhưng Bộ trưởng Quân cũng cho rằng việc thực hiện, áp dụng vào cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn... Ông Quân lấy ví dụ như việc huy động các nguồn lực tư tham gia là rất khó khăn. Lý giải, ông cho rằng việc thoát nước và xử lý nước thải đòi hỏi nguồn vốn lớn nhưng lợi nhuận dịch vụ mang lại thì lại rất thấp. Trong khi đó, phí dịch vụ còn thấp nên chưa đảm bảo thu hồi chi phí cho đầu tư, vận hành công trình…

“Ngoài ra, nhận thức của một số chính quyền địa phương coi đây là trách nhiệm của Nhà nước nên chưa tích cực triển khai thực hiện các Nghị định. Nhiều bộ phận dân chúng chưa nhận thức đầy đủ về quyền và nghĩa vụ trong việc bảo vệ môi trường…” Bộ trưởng Quân bổ sung.
 

Trung Hiền (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục