Bạo lực ở Jerusalem: Từ tranh chấp mảnh đất nhỏ đến cuộc đấu tranh lớn

Nguyên nhân của vụ việc là người dân Palestine đấu tranh phản đối khi họ bị chính quyền Israel cưỡng chế khỏi khu vực Sheikh Jarrah để lấy đất cho dự án xây dựng khu định cư của người Do Thái.
Một góc thành phố Tel Aviv. (Nguồn: expedia.com)

Theo phóng viên TTXVN tại Tel Aviv, không khí căng thẳng và bạo lực tiếp diễn trong những ngày qua tại Đông Jerusalem khiến cộng đồng quốc tế lo ngại, trong khi chính phủ Israel dường như vẫn chưa có giải pháp nào rõ rệt. Từ một vụ tranh chấp đất đai, sự việc đang bị đẩy lên cao và có nguy cơ lan rộng khó kiểm soát.

Nguyên nhân trực tiếp của vụ việc là người dân Palestine đấu tranh phản đối khi họ bị chính quyền Israel cưỡng chế khỏi khu vực Sheikh Jarrah của Jerusalem để lấy đất cho một dự án xây dựng khu định cư của người Do Thái.

Trong tuần qua, hàng chục người dân đã tụ tập mỗi tối để hành lễ Ramadan trong một tòa nhà, nơi người Israel đã chuyển vào sinh sống. Cảnh sát Israel đến giải tán và xảy ra đụng độ.

Trong khi đó, hàng trăm người biểu tình sau khi hành lễ Ramadan ở ngôi đền thiêng Al-Aqsa ở Jerusalem cũng va chạm với cảnh sát. Một số người quá khích ném đá, chai lọ và pháo hoa tự chế; trong khi cảnh sát Israel sử dụng vòi rồng, đạn cao su và lựu đạn để trấn áp, khiến 200 người bị thương.

Tuy nhiên, các vụ đụng độ này chỉ là hệ quả của hàng chục năm âm ỉ tranh chấp và thù hận xung quanh quyền sở hữu một khu đất nhỏ tại khu vực Sheikh Jarrah ở phía bắc của khu Thành cổ Jerusalem.

[Bế tắc trong việc thành lập chính phủ liên minh ở Israel]

Bị tòa án phán quyết bất công, người dân Palestine chuyển sang đấu tranh bằng biểu tình. Trong bối cảnh ngột ngạt của mối quan hệ đầy mâu thuẫn giữa người Arập và người Do Thái, "mồi lửa nhỏ" đã dẫn đến các vụ va chạm liên tục giữa người dân và cảnh sát Israel.

 Lần ngược trở lại lịch sử, năm 1876, một nhóm người Do Thái dòng Sephardi và Ashknazi - có nguồn gốc từ châu Âu, khi đó đang sinh sống tại Jerusalem - đã đến mua một mảnh đất gần ngôi mộ của tu sĩ Shimon Hatzaddik rất được trọng vọng. Một cộng đồng Do Thái nhỏ ra đời tại khu vực này.

Khi chiến tranh nổ ra vào năm 1948, người dân phải chạy loạn khỏi Sheikh Rarrah, hầu hết trong đó là người Arập. Họ bỏ lại nhà cửa, ruộng vườn tại khu vực hiện nằm ở phía Tây của Đường Ranh giới theo thỏa thuận đình chiến năm 1949 giữa Israel và các nước Jordan, Ai Cập, Syria và Liban.

Trong khi đó, cộng đồng Do Thái cũng bỏ lại nhà cửa, dù số lượng khá nhỏ, ở phía Đông của Đường Ranh giới. Sau chiến tranh, hầu hết những người Do Thái đều đã được đền bù. Năm 1956, chính phủ Jordan và Liên hợp quốc đã tài trợ xây 28 ngôi nhà tại Sheikh Jarrah để hỗ trợ cho người tị nạn Palestine.

Luật pháp của Israel đã quy định chỉ có người Do Thái mới có quyền đòi lại và trao trả đất đai ở phía bên kia Đường Ranh giới. Nhà nước Do Thái đã tịch thu đất đai của người Palestine dựa trên “Luật Bất động sản vô thừa nhận”.

Các công ty phát triển bất động sản Israel đã mua lại các khu đất ở Jerusalem, bao gồm một số khu ở Sheikh Jarrah ở phía Tây và khu của hai cộng đồng Sephardi và Ashkenazi ở phía Đông như đã nói ở trên.

Năm 2003, các hội đồng địa phương đã đề nghị một Tòa án Giáo sỹ (một thiết chế trong hệ thống tư pháp của Israel, chuyên phán quyết các vấn đề về hôn nhân và tôn giáo) hủy bỏ “niềm tin tôn giáo” đối với các khu đất này, đồng nghĩa với việc cho phép chúng được mua bán trên thị trường.

Ngay sau đó, khu đất được bán cho một công ty của Israel có tên Nahalat Shimon, thuộc sở hữu của công ty Nahalat Shimon International, có trụ sở đăng ký tại bang Delaware (Mỹ). Vì vậy, theo các điều luật về kinh tế, quyền sở hữu pháp lý đối với khu đất trở nên mập mờ vì sở hữu công ty Hahalat Shimon là các cổ đông. Công ty này đã dùng công cụ pháp lý để cưỡng chế những người thừa kế ra khỏi mảnh đất do cha mẹ họ để lại khi chạy loạn nhằm thực hiện dự án xây dựng 200 căn hộ tại đây.

Cho đến nay, Nahalat Shimon đã cưỡng chế được 4 hộ dân. 13 hộ dân khác, với tổng cộng khoảng 300 nhân khẩu, đang đối mặt với nguy cơ vô gia cư sau phán quyết của tòa phán.

Người Do Thái coi các vụ bạo lực gần đây là do tranh chấp quyền sở hữu đất đai, nhưng người dân Đông Jerusalem, với sự hỗ trợ của các nhóm vận động, coi đây là cuộc đấu tranh nhằm chống lại Nhà nước Do Thái và tình trạng bất bình đẳng với người Arập.

Trong những tuần gần đây, căng thẳng bùng phát khi hàng trăm người dân Palestine đối mặt với viễn cảnh bị cưỡng chế, cộng thêm những cuộc va chạm giữa người Arập và người Do Thái tại Cổng Damascus trong tháng Ramadan của người Hồi giáo, và việc người Palestine phải hoãn cuộc tổng tuyển cử vì lý do người dân ở Đông Jerusalem không được tham gia bỏ phiếu. Cơn giận dữ đã bùng lên và vượt ra khỏi Jerusalem. Người Israel gốc Arập, người Arập ở các nước, cộng đồng quốc tế và mọi người dân Palestine ở Jerusalem đều quan tâm đến vụ việc này.

Trong vụ tranh chấp ở Sheikh Jarrah, có khoảng 300 người Palestine bị chính quyền Israel cưỡng chế để phục vụ dự án xây chung cư cho người Do Thái - một vụ việc mà tòa án đã có phán quyết.

Tuy nhiên, vụ việc này có thể sẽ dẫn đến một vòng xoáy bạo lực lớn hơn nhiều bởi theo những ước tính chưa đầy đủ, có tới 30% đất đai ở Tây Jerusalem, hiện hoàn toàn thuộc quyền kiểm soát của Israel, trước năm 1948 là thuộc sở hữu của người Arập.

Năm 2010, hai giáo sư thuộc Viện Nghiên cứu Chính sách Jerusalem là Yitzhak Reiter và Lior Lehrs đã đề xuất một giải pháp mà theo họ là rất đơn giản: Sung công đất của công ty Nahalat Shimon.

Kể từ năm 1967 (năm xảy ra chiến tranh giữa Israel và các nước Arập), nhà nước Do Thái đã sung công hàng nghìn hécta đất thuộc sở hữu tư nhân của người Palestine để xây các khu định cư tại Đông Jerusalem cho người Israel.

Hai giáo sư đặt vấn đề tại sao lần này nhà nước không sung công một mảnh đất nhỏ? Nếu làm vậy, quyền lợi của người Palestine được đảm bảo, còn thiệt hại của công ty Nahalat Shimon sẽ được nhà nước đền bù. 

Vụ Sheikh Jarrah đã tiếp diễn hơn 30 năm và diễn ra trên cả hai mặt trận pháp lý và biểu tình. Tại tòa án, đây chỉ là một vụ tranh chấp quyền sở hữu đất đai, nhưng trên đường phố, cuộc đấu tranh đã mở rộng thành sự phản đối trước tình trạng phân biệt đối xử của luật pháp Israel nhằm vào người Palestine. Nếu không được xử lý khéo léo, căng thẳng tại Jerusalem có nguy cơ lan rộng ra các vùng lãnh thổ khác của Palestine. Tiến trình hòa bình giữa Israel và Palestin sẽ ngày càng trở nên xa vời./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục