Báo Nhật: "Toan tính của Trung Quốc không thể tha thứ"

Mạng tin Sankei (Nhật Bản) ngày 9/5 đăng về vụ Trung Quốc hạ đặt giàn khoan dầu Hải Dương 981 (Haiyang Shiyou 981) tại vùng biển gần Hoàng Sa của Việt Nam.
Báo Nhật: "Toan tính của Trung Quốc không thể tha thứ" ảnh 1Tàu Việt Nam bị tàu Trung Quốc gây hư hại trên vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế của Việt Nam (Nguồn: Cảnh sát biển Việt Nam)

Mạng tin Sankei (Nhật Bản) ngày 9/5 có viết về vụ Trung Quốc hạ đặt giàn khoan dầu tại vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.


Vietnam+
xin đăng tải nội dung chính của bài viết (Quan điểm trong bài viết là của tác giả):

Theo mạng tin Sankei (Nhật Bản) ngày 9/5, Trung Quốc đặt giàn khoan dầu Hải Dương-981 ( Haiyang Shiyou 981) tại vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa dẫn đến việc xảy ra va chạm giữa các tàu của hai nước.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ đã chỉ trích Trung Quốc rằng “việc đặt giàn khoan ở khu vực tranh chấp là hành động khiêu khích” trong khi Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga bày tỏ quan ngại sâu sắc bởi hành động đơn phương của Trung Quốc đang làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. Ông Suga cũng yêu cầu các bên kiềm chế. Phản ứng của Mỹ và Nhật Bản là đương nhiên.

Tương tự với việc tiến ra biển Hoa Đông bất chấp luật pháp, hành động của Trung Quốc là nhằm mục đích thử nghiệm ý đồ thay đổi hiện trạng bằng vũ lực và làm bất ổn tình hình. Không thể tha thứ cho những toan tính này.

Theo nguồn tin của Việt Nam, Trung Quốc hồi đầu tháng này bắt đầu đặt giàn khoan dầu tại vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước này. Sau khi lên tiếng phản đối hành động của Trung Quốc, phía Việt Nam đã phái 30 tàu tới vùng biển trên trong khi phía Trung Quốc triển khai 80 tàu, phun vòi rồng và cho tàu đâm húc vào tàu Việt Nam.

Lợi dụng cơ hội Mỹ rút quân khỏi Việt Nam, Trung Quốc đã chiếm đóng thực tế đối với quần đảo Hoàng Sa. Bộ Ngoại giao Trung Quốc coi quần đảo này là “lãnh thổ cố hữu của Trung Quốc” và việc đặt giàn khoan dầu là “hành động chính đáng căn cứ vào chủ quyền của nước này”.

Căn cứ mà Trung Quốc dựa vào là “đường chín đoạn” do Bắc Kinh tự đặt ra, khoanh vùng gần như toàn bộ biển Đông, mặc nhiên coi đây là vùng lãnh hải của nước này. Cách lập luận này hoàn toàn trái ngược với khái niệm lãnh hải bắt nguồn từ lục địa và không được công nhận trên bình diện quốc tế.

Ở vùng biển gần quần đảo Trường Sa, tàu tuần tra của Philippines đã bắt giữ tàu cá Trung Quốc do nghi ngờ đánh bắt trái phép, khiến căng thẳng giữa Manila và Bắc Kinh gia tăng. Vùng biển này trở thành khu vực nảy sinh tranh chấp giữa các bên sau khi Mỹ rút quân khỏi Philippines.

Vấn đề chính ở đây là Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) mà Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), trong đó có Việt Nam, đề xuất và bàn thảo với Trung Quốc nhằm xoa dịu căng thẳng và tránh nguy cơ xảy ra xung đột dường như không thể đạt kết quả cụ thể do quan điểm tiêu cực từ phía Trung Quốc.

Để ngăn chặn thái độ và hành vi nêu trên của Trung Quốc, quan trọng hơn cả là các nước liên quan cần đi đến thống nhất trong đó Mỹ là chủ thể chính đảm nhiệm vai trò duy trì ổn định tình hình khu vực.

Trong chuyến công du châu Á vừa qua, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã cam kết sẽ bảo vệ quần đảo Senkaku và quay trở lại Philippines. Đây là một bước tiến lớn nhằm tăng cường khả năng răn đe và kiềm chế Trung Quốc.

Trong chuyến thăm của Chủ tịch nước Việt Nam Trương tấn Sang, Nhật Bản và Việt Nam đã nhất trí tăng cường hợp tác trong lĩnh vực chính trị và an ninh, bao gồm cả an ninh biển. Nhật Bản đang xúc tiến hỗ trợ tàu tuần tra và hợp tác đào tạo cảnh sát biển cho Việt Nam.

Nhật Bản cũng cung cấp cho Philippines 10 tàu tuần tra. Theo Sankei, trong tương lai, Nhật Bản cần tiếp tục tăng cường các hoạt động hỗ trợ như trên./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục