Bão số 9 vừa tan, hai cơn bão mới hình thành

Ngoài khơi Thái Bình Dương đã xuất hiện hai cơn bão di chuyển theo hướng tây tây bắc và sẽ trở thành siêu bão trong vài ngày tới.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, vào thời điểm bão số 9 đổ bộ và gây hại ở Việt Nam thì ngoài khơi Thái Bình Dương xuất hiện hai cơn bão Parma và Melor.

Đến chiều 30/9, bão Parma có vị trí tâm ở vào khoảng 10 độ bắc, 135 độ đông, cách Philippines khoảng 1.100km về phía đông với cường độ cấp 12, giật cấp 14. Bão Melor ở vào khoảng 12,7 độ bắc, 154,5 độ đông, cách bão Parma khoảng 2.400km về phía đông bắc, cường độ cấp 8, giật cấp 10.

Hai cơn bão này đang di chuyển theo hướng tây tây bắc với tốc độ từ 25 - 30 km/giờ và sẽ trở thành siêu bão trong khoảng 2-3 ngày tới. Riêng bão Parma sẽ đạt cấp 16 - 17, cấp cuối cùng trong thang độ gió Bôpho (khoảng 250 km/giờ) khi tiến gần tới đảo Luzon.

Còn quá sớm để có thể khẳng định bão Parma có vào Biển Đông hay không, nhưng vào những ngày cuối tuần này, chí ít nó cũng sẽ gây gió mạnh nguy hiểm ở khu vực đông bắc Biển Đông.

Do vậy, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương đang theo dõi chặt chẽ hai cơn bão này và khuyến cáo, tàu thuyền không nên di chuyển đến vùng đông bắc Biển Đông để đề phòng những bất trắc có thể xảy ra.

Ngày 30/9, ở các tỉnh Trung Trung bộ và Tây Nguyên - nơi bão số 9 đổ bộ trực tiếp, tuy vẫn còn mưa nhưng cường độ giảm đáng kể, lũ các sông từ Quảng Trị đến Phú Yên, Gia Lai, Kon Tum và Đắk Lắk đã đạt đỉnh và đang xuống nhưng còn ở mức cao trong 1 - 2 ngày tới.

Do lũ thượng nguồn về kết hợp với kỳ triều cường, trong những ngày tới, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long, vùng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên sẽ lên, gây ngập úng nhiều nơi.

Đỉnh triều trên sông Sài Gòn và Đồng Nai tại Thành phố Hồ Chí Minh sẽ lên cao vào buổi sáng (từ 5 - 8 giờ) và buổi chiều (từ 16 - 20 giờ) đạt từ 1,42 - 1,45m sẽ gây ngập úng trên diện rộng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục