Biến đổi khí hậu có thể làm thay đổi kinh tế toàn cầu

Nạn hạn hán tại miền Trung Tây nước Mỹ trong năm 2012 đã khiến giá ngô thế giới tăng 30%, còn giá đậu tương tăng 20%.
Trên quan điểm của Tập đoàn tái bảo hiểm Munich Re Group (Munich Re) có trụ sở tại Đức, biến đổi khí hậu mà kèm theo đó là các thiên tai như hạn hán có thể làm thay đổi toàn bộ nền kinh tế toàn cầu.

Cho dù nhận định này của Munich Re đúng hay sai nhưng chắc chắn là cường độ và tần suất của các hiện tượng thiên nhiên thảm khốc và những thiệt hại mà chúng gây ra đang tăng lên.

Từ giữa những năm 1970, các nhà khoa học của Munich Re (gồm một số nhà khí tượng học, địa chất học, thủy văn học và địa vật lý hàng đầu thế giới) đã kết luận rằng biến đổi khí hậu đứng đằng sau sự gia tăng đáng báo động các thảm họa thiên nhiên như bão lụt, hạn hán, cháy rừng, nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp trong những thập niên gần đây, trong đó hạn hán đang nổi lên là một trong những thảm họa thiên nhiên đáng ngại nhất, có thể định hình lại cảnh quan loài người và toàn bộ nền kinh tế thế giới.

Nạn đói năm 2011 tại Somalia chính là do hạn hán nghiêm trọng. Trong khi Nga đã nhiều lần bị hạn hán trong các năm 2010 và 2011, đến mức chính phủ nước này phải ban hành lệnh tạm thời cấm xuất khẩu lúa mỳ để bảo vệ các nguồn cung cấp trong nước. Tại khu vực Trung Tây Mỹ năm 2012, hạn hán và nắng nóng đi kèm khiến nước này thiệt hại khoảng 20 tỷ USD, và khiến cho khoảng 100 người thiệt mạng.

Ảnh hưởng của nạn hạn hán tại Mỹ đã được cảm nhận trên khắp thế giới, nhưng rất may đã không gây ra nạn đói tại những khu vực khan hiếm lương thực và thu nhập thấp trên thế giới. Mỹ đang là quốc gia sản xuất và xuất khẩu ngô lớn nhất thế giới, sản xuất lớn nhất và xuất khẩu đậu tương lớn thứ hai thế giới. Nạn hạn hán tại miền Trung Tây nước này năm 2012 đã khiến giá ngô thế giới tăng 30%, còn giá đậu tương tăng 20%. Lượng dự trữ hai mặt hàng này của Mỹ và toàn thế giới đã tụt xuống mức thấp kỷ lục.

Munich Re đang dự báo rằng các đợt nắng nóng như vậy dường như sẽ xảy ra 2-3 năm một lần tại Trung Tây Mỹ và Trung Âu, khoảng 1-2 năm/lần tại Đông Nam Á, làm tăng khả năng xảy ra các đợt hạn hán lớn. Việc dân số toàn cầu năm 2050 có thể tăng lên 10 tỷ người, so với mức 7 tỷ người hiện nay, cùng với khả năng hạn hán có thể dẫn đến việc lặp lại khủng hoảng lương thực.

Trong một bài bình luận gần đây, nhà khí tượng học Peter Hoppe, người đứng đầu bộ phận rủi ro địa lý của Munich Re, đã nhấn mạnh rằng hạn hán sẽ là một trong những thảm họa thiên nhiên thảm khốc nhất trong những năm tới, là mối đe dọa lớn nhất đối với các nguồn cung cấp lương thực toàn cầu./.

Dương Hoa (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục