Ông Nguyễn Thành Tâm, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận, cho biết Ủy ban Nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Sở Kế hoạch Đầu tư phối hợp với ngành liên quan rà soát lại các dự án du lịch triển khai chậm và chưa triển khai.
Đối với các dự án triển khai chậm, nếu nhà đầu tư gặp khó do nguyên nhân khách quan, tỉnh sẽ tiếp tục gia hạn một khoảng thời gian nhất định để chia sẻ khó khăn.
Riêng các dự án quá thời gian quy định mà vẫn chưa triển khai, dù với bất kỳ lý do gì, tỉnh sẽ quyết định thu hồi chuyển cho nhà đầu tư khác có năng lực và sẽ xử lý nghiêm những chủ dự án lợi dụng danh nghĩa để trục lợi, gây khó khăn cho môi trường đầu tư du lịch.
Theo báo cáo mới nhất từ Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận, đến cuối tháng 11/2014, tỉnh có 398 dự án đầu tư du lịch đã được cấp phép còn hiệu lực với tổng diện tích hơn 7.700 ha, tổng vốn đăng ký đầu tư 60.300 tỷ đồng; trong đó, có 166 dự án đã hoàn thành và đi vào hoạt động, 80 dự án đang triển khai xây dựng và 152 dự án chưa triển khai xây dựng. Những dự án còn lại đang chậm triển khai, thậm chí có dự án không gặp vướng mắc nhưng chưa triển khai xây dựng.
Theo ông Ngô Minh Chính, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận, nguyên nhân chính khiến các dự án du lịch triển khai chậm trong thời gian qua là công tác đền bù giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, kéo dài do việc xác định tính pháp lý nguồn gốc đất. Có những dự án chỉ vướng đền bù một phần nhưng không đền bù được, ảnh hưởng đến cả dự án.
Cơ sở hạ tầng của một số khu vực còn thiếu, chưa đồng bộ làm cho nhà đầu tư triển khai cầm chừng như ở khu vực thị xã La Gi, huyện Hàm Thuận Nam… Nhiều dự án ở một số khu vực như Hòa Thắng (huyện Bắc Bình), chồng lấn với quy hoạch cát đen, điện gió phải tạm dừng để ưu tiên thăm dò, khai thác.
Tỉnh cũng thừa nhận, có nhiều khu vực dự án triển khai chậm là do lỗi một phần của địa phương như chưa đầu tư đường, điện đến dự án. Nhưng vẫn có nhiều dự án đã được cấp phép lâu nhưng chủ đầu tư vẫn chưa triển khai, dù công tác đền bù giải phóng mặt bằng đã thực hiện xong. Những dự án này tập trung chủ yếu tại thành phố Phan Thiết và huyện Hàm Thuận Nam.
Từ năm 2012 đến nay, tỉnh Bình Thuận đã thu hồi hơn 20 dự án du lịch chậm triển khai./.