Đợt cắt giảm điều kiện kinh doanh 'chưa từng có' của Bộ Công Thương

Bộ Công Thương: Cắt giảm điều kiện kinh doanh không vì thành tích

Với trên 50% các điều kiện đầu tư và kinh doanh sẽ được bãi bỏ, đại diện Bộ Công Thương khẳng định việc làm trên không phải nhằm mục đích phiêu lưu hay chạy theo thành tích.
Bộ Công Thương: Cắt giảm điều kiện kinh doanh không vì thành tích ảnh 1Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Với trên 50% các điều kiện đầu tư và kinh doanh sẽ được bãi bỏ, đại diện Bộ Công Thương khẳng định việc làm trên không phải nhằm mục đích phiêu lưu hay chạy theo thành tích.

​Thông tin trên được Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh ​đưa ra tại buổi tọa đàm "Cắt giảm điều kiện kinh doanh tại Bộ Công Thương tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp," do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 22/11, tại Hà Nội.

[Làm gì để tiếp tục cắt giảm điều kiện kinh doanh không cần thiết]

Ngày 20/9 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã ký ban hành Quyết định số 3610a/QĐ-BCT ban hành phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương giai đoạn 2017 - 2018.

Theo Quyết định này, 675 điều kiện đầu tư, kinh doanh được cắt giảm. Con số này nhiều hơn khoảng 60 điều kiện so với dự kiến ban đầu và chiếm khoảng 55,5% tổng số điều kiện kinh doanh mà Bộ Công Thương đang quản lý.

Nói rõ thêm, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết, việc cắt giảm sẽ đi vào 16 ngành nghề, trong đó có nhiều ngành nghề được dư luận quan tâm như rượu, thuốc lá, logistics, xăng dầu...

Cụ thể với xăng dầu, Bộ Công Thương đã cân nhắc và xem xét cắt giảm điều kiện kinh doanh và đầu tư trên 2 phương diện vừa đảm bảo nguồn cung đồng thời đảm bảo nâng cao tính cạnh trạnh hơn cho lĩnh vực này.

Trong khi đó, với ngành điện, việc bãi bỏ bớt các điều kiện kinh doanh sẽ tạo động lực lớn hơn thu hút được nhiều doanh nghiệp khác ngoài Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có thể cùng đầu tư và tham gia thị trường.

Đại diện Bộ Công Thương cũng khẳng định, việc cắt giảm không phải là "phiêu lưu vì thành tích" mà dựa vào 5 nguyên tắc, cụ thể là phương thức quản lý nhà nước sẽ chuyển dần từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Đồng thời, việc bãi bỏ cũng tính đến các điều kiện gia nhập thị trường theo các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Ngoài ra, điều kiện đầu tư, kinh doanh không trái với Luật Đầu tư 2014. Cũng như phải xem xét thận trọng về tính khả thi, các điều kiện nguồn lực của cơ quan quản lý nhà nước các cấp và khả năng phân cấp mạnh mẽ hơn cho các địa phương và gắn với công tác cải cách hành chính.

"Dù ban đầu dư luận cũng rất bất ngờ với tuyên bố cắt giảm này nhưng Bộ Công Thương khẳng định sẽ thực hiện đúng theo những gì đề ra," Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nói.

Bộ Công Thương: Cắt giảm điều kiện kinh doanh không vì thành tích ảnh 2Các chuyên gia tại tọa đàm: "Cắt giảm điều kiện kinh doanh tại Bộ Công Thương"

Đột phá phải thay đổi tư duy quản lý

Đánh giá cao ​cách làm của Bộ Công Thương, Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho ​rằng, đây là một công việc ​"chưa từng có" với số lượng cắt giảm rất lớn và rải đều trong các ngành mà Bộ quản lý, đặc biệt là việc thực thi thể hiện tính quyết liệt với tiêu chí đưa ra cụ thể.

Tuy vậy, chuyên gia này cũng mong muốn việc cắt giảm của Bộ Công Thương cần ​mở rộng hơn và ​loại bỏ những điều kiện ​có thể làm "bó chân" doanh nghiệp.

Dẫn chứng những nghi ngại của ​dư luận về khả năng có thể mọc thêm các giấy phép con, ông Cung đặc biệt nhấn mạnh đến tư duy và cách thức quản lý.

Theo đó, nếu tư duy không thay đổi, chưa đặt niềm tin vào doanh nghiệp thì khả năng mọc thêm các giấy phép con sẽ rất cao, nhất là khi một sự việc nào đó vấp phải những phản ứng của dư luận.

Thậm chí, chuyên gia này còn "lo sợ" một xu hướng đi ngược lại hoặc cố tình gây ra thất bại của một số cán bộ có thể mất quyền mất lợi do thay đổi phương thức quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm.

"Nền kinh tế thị trường muốn tiến lên hiện đại thì cách làm đột phá và thay đổi về tư duy quản lý là việc không thể không làm," Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung lưu ý.

​Tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh khẳng định, khi điều kiện kinh doanh xóa bỏ thì không một nơi nào có thể đòi hỏi thêm các giấy phép con, việc kiểm tra phải dựa trên các quy chuẩn và tiêu chuẩn đã được lượng hóa bằng các quy định của pháp luật một cách công khai, minh bạch và hơn nữa là giúp loại bỏ được một số công chức có thể "bẻ hành, bẻ tỏi" doanh nghiệp.

Lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, chậm nhất là cuối tháng 11, các văn bản sửa đổi điều kiện kinh doanh sẽ được cơ quan chức năng trình Chính phủ để thông qua, từ đó tạo ra sức lan tỏa lớn hơn cho người dân, doanh nghiệp trong việc cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục