Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng vừa có công điện số 02/CĐ-BTC đề nghị Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và ba tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Hà Tĩnh tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp bảo hiểm tiếp cận hiện trường, đánh giá xác định nguyên nhân và mức độ thiệt hại của các doanh nghiệp bị thiệt hại bởi các hành vi vi phạm pháp luật của một số đối tượng trong các cuộc tuần hành diễn ra ở các địa phương này nhằm phản đối Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan dầu khí trong vùng biển của Việt Nam.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng yêu cầu Ủy ban Nhân dân các địa phương trên phân công cơ quan đơn vị làm đầu mối để cung cấp hồ sơ, tài liệu, chứng từ có liên quan và phối hợp với các doanh nghiệp bảo hiểm nhanh chóng xác định nguyên nhân thiệt hại, mức độ thiệt hại thực tế của các doanh nghiệp bị thiệt hại để các doanh nghiệp bảo hiểm có cơ sở xem xét tạm ứng bồi thường và giải quyết bồi thường các thiệt hại thuộc phạm vi bảo hiểm nhanh chóng đầy đủ và kịp thời.
Ông Phùng Ngọc Khánh, Cục trưởng Cục Quản lý, Giám sát Bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết theo thống kê, số doanh nghiệp bị thiệt hại có tham gia bảo hiểm là 532 doanh nghiệp, trong đó riêng Bình Dương có khoảng 500 đơn vị. Ước tính số tiền thiệt hại mà các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ bồi thường lên tới trên 2.000 tỷ đồng.
Để chi trả tiền bồi thường kịp thời cho các doanh nghiệp, theo chỉ đạo của Bộ Tài chính, doanh nghiệp bảo hiểm phải tạm ứng tiền bồi thường những thiệt hại ngay sau khi có xác nhận của Sở Tài chính, Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, qua đó giúp cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp nhanh chóng khôi phục sản xuất kinh doanh, ổn định sản xuất./.