Tại buổi làm việc với Đoàn công tác của Ngân hàng Thế giới (WB) về tiến độ triển khai dự án Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai - Dự án VILG diễn ra trong ngày 26/4, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai là một trong 6 dự án xây dựng cơ sở dữ liệu quan trọng của Chính phủ.
Theo ông Hà, việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai sẽ đóng vai trò quan trọng trong cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hướng đến Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số. Do đó cần chỉ ra được các vướng mắc và đề ra các giải pháp để thực hiện nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai không chỉ trong 30 tỉnh thực hiện dự án, mà trên cơ sở hệ thống cơ sở dữ liệu sẽ cập nhật cả 63 tỉnh thành trên cả nước đáp ứng chỉ đạo của Chính phủ.
Dự án VILG được Chủ tịch nước phê duyệt Hiệp định tài trợ từ ngày 23/12/2016, có hiệu lực từ tháng 3/2017 với tổng kinh phí 180 triệu USD, thực hiện trong thời gian 5 năm (2017-2021).
Mục tiêu thực hiện dự án là nâng cao hiệu suất và tính minh bạch của dịch vụ quản lý đất đai tại các tỉnh dự án thông qua việc phát triển và thực hiện Hệ thống thông tin đất đai đa mục tiêu quốc gia (MPILS).
Dự án gồm ba hợp phần: Tăng cường chất lượng cung cấp dịch vụ đất đai, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai và triển khai hệ thống thông tin đất đai quốc gia đa mục tiêu và quản lý dự án, với tổng vốn đầu tư 180 triệu USD do WB tài trợ. Dự án được triển khai tại 33 tỉnh thành phố nhưng đến nay có 3 tỉnh xin rút khỏi dự án là Tuyên Quang, Quảng Bình và Lâm Đồng.
Bà Stefanie Stallmeister, Giám đốc Điều hành hoạt động Dự án VILG đánh giá cao các kết quả đạt được của dự án (như đã ký hợp đồng xây dựng cơ sở dữ liệu ở địa phương được 64%; xây dựng kết nối cơ sở hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai đồng bộ và triển khai ở các tỉnh, thành tham gia dự án), song bà cũng thẳn thắn chỉ ra tiến độ giải ngân, thực hiện dự án còn thấp và chậm.
[Xây dựng bộ cơ sở dữ liệu nền đất đai: Cần sự quyết liệt từ địa phương]
Chính vì thế, bà Stefanie Stallmeister mong muốn Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục yêu cầu Ban Quản lý Dự án VLAP Trung ương chỉ đạo các địa phương thực hiện tiến độ giải ngân, nhất là hướng dẫn địa phương trong việc nộp thuế dự án do không thể sử dụng vốn IDA mà phải sử dụng vốn đối ứng để thực hiện.
Trên cơ sở đó, phía Ngân hàng Thế giới sẽ gia hạn tiến độ nếu 83 huyện hoàn thành ký hợp đồng xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai trước tháng 8/2021; hoàn thành hai hợp đồng cung cấp dịch vụ công đất đai và cơ chế tài chính bền vững; xem xét gia hạn thực hiện các thủ tục để giảm hơn 40 triệu USD vào tháng 9/2021.
Tại buổi làm việc, đại diện Bộ Tài chính, Ban Quản lý dự án VILG Trung ương cũng đã đề ra các phương án, giải pháp khả thi để giải quyết các vấn đề tồn tại của Dự án. Trước mắt, Ban Quản lý dự án VILG Trung ương kiến nghị Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường làm việc với các địa phương có các huyện còn chưa thực hiện ký hợp đồng xây dựng cơ sở dữ liệu để đôn đốc.
Trên cơ sở ý kiến đóng góp của các bên liên quan, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết về vấn đề hướng dẫn địa phương trong việc nộp thuế dự án do không thể sử dụng vốn IDA mà phải sử dụng vốn đối ứng để thực hiện, Bộ sẽ làm việc với Bộ Tài chính và báo cáo Chính phủ trong tháng 5/2021, nếu Chính phủ đồng ý sẽ tháo gỡ cho địa phương về vấn đề này.
Về hợp đồng cung cấp dịch vụ công đất đai và cơ chế tài chính bền vững, Bộ trưởng đề nghị Ngân hàng Thế giới đồng ý để Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc Bộ Tài chính thực hiện vì đây là vấn đề hiện nay đã và đang được triển khai ở địa phương như việc thu phí dịch vụ của Văn phòng Đăng ký đất đai ở địa phương và chỉ cơ quan quản lý mới thực hiện tốt công việc này.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng yêu cầu Ban Quản lý Dự án VILG Trung ương tiếp tục đẩy nhanh và đôn đốc các địa phương thực hiện dự án nếu Chính phủ đồng ý việc cho phép sử dụng vốn IDA và làm rõ quy định về đầu tư công sẽ tiếp tục gia hạn thực hiện dự án còn nếu không sẽ kết thúc dự án vào cuối năm 2021./.