Bộ TN-MT và Standard Chartered hợp tác đưa phát thải ròng về ‘0’

Theo tính toán sơ bộ, để đạt được cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” (mục tiêu net zero) vào năm 2050, Việt Nam cần nguồn lực lên tới hàng nghìn tỷ USD.
Bộ Tài nguyên Môi trường và Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam ký kết Biên bản ghi nhớ về ứng phó với biến đổi khí hậu. (Ảnh: KT)
Bộ Tài nguyên Môi trường và Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam ký kết Biên bản ghi nhớ về ứng phó với biến đổi khí hậu. (Ảnh: KT)

Chiều 5/9, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã có buổi tiếp và làm việc với ông Bill Winters - Tổng Giám đốc toàn cầu Ngân hàng Standard Charted cùng đoàn công tác của ngân hàng đến thăm và làm việc tại Hà Nội.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trần Hồng Hà và Tổng Giám đốc Bill Winters đã cùng nhau thảo luận về những vấn đề thực tiễn hiện nay đang tồn tại trong việc giảm phát thải khí nhà kính và ứng phó với biến đổi khí hậu một cách bền vững.

Theo ông Hà, ứng phó với biến đổi khí hậu và triển khai các cam kết tại COP26, nhất là cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” (mục tiêu net zero) vào năm 2050, đang được Đảng, Quốc hội, Chính phủ Việt Nam xác định là ưu tiên hàng đầu.

Trên thực tế, Việt Nam đã và đang tích cực, chủ động tham gia cùng cộng đồng quốc tế chung tay  giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu hướng tới phát triển kinh tế tuần hoàn, cácbon thấp. Tuy nhiên, theo tính toán sơ bộ, để đạt được mục tiêu “Net zero,” Việt Nam cần nguồn lực hàng nghìn tỷ USD.

Vì thế, các nỗ lực và hành động của Ngân hàng Standard Charterd và cá nhân ông Bill Winters trong hoạt động đầu tư, hỗ trợ hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam, đặc biệt là cam kết về đầu tư phát triển bền vững của ngài José Vinals Chủ tịch Ngân hàng tại cuộc họp với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong khuôn khổ COP26 tại Glasgow (Vương quốc Anh) là rất quan trọng.

[Mega Story: Việt Nam ưu tiên cao nhất cho "tương lai xanh"]

Người đứng đầu ngành tài nguyên và môi trường cũng khẳng định việc thúc đẩy hợp tác với các đối tác phát triển, các định chế tài chính quốc tế, đặc biệt là hợp tác phát triển tài chính xanh bền vững là một trong những ưu tiên của Chính phủ Việt Nam trong việc triển khai thực hiện các cam kết của Việt Nam tại COP26.

Theo đó, Việt Nam đã ban hành Đề án về các nhiệm vụ giải pháp triển khai kết quả COP26 và Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050.

Bày tỏ ấn tượng với những cam kết của Việt Nam cũng như các hoạt động của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong thời gian qua, ông Bill Winters - Tổng Giám đốc toàn cầu Ngân hàng Standard Chartered cho biết sẽ cùng chung tay giúp Việt Nam trong công cuộc chuyển đổi này để thực hiện các mục tiêu cam kết.

Với kinh nghiệm, năng lực của mình, Ngân hàng Standard Chartered có thể giúp Việt Nam triển khai các giải pháp nhằm giải quyết thách thức về khí hậu ở Việt Nam, thúc đẩy sự tham gia của thành phần tư nhân trong ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển các dự án năng lượng tái tạo, các dự án xanh trong thời gian tới.

Cũng trong khuôn khổ buổi làm việc, dưới sự chứng kiến của Bộ trưởng Trần Hồng Hà và Tổng Giám đốc Bill Winters, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu Tăng Thế Cường và Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam Michele Wee đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác về ứng phó với biến đổi khí hậu.

Theo chương trình hợp tác, Ngân hàng Standard Chartered sẽ hỗ trợ Bộ Tài nguyên và Môi trường trong công tác nâng cao năng lực và thúc đẩy sự tham gia của tư nhân thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển các chương trình về tài chính chuyển đổi, tài chính xanh và bền vững cũng như chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và thúc đẩy sự phát triển của thị trường cácbon.

Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có các cuộc thảo luận sơ bộ về các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu và mong muốn tiếp tục trao đổi thường xuyên nhằm hỗ trợ Việt Nam trong các nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu phù hợp với cam kết của Chính phủ tại COP26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC)./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục