Bộ trưởng Mỹ kêu gọi IMF tăng cường giám sát chính sách tiền tệ

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin kêu gọi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cung cấp một báo cáo phân tích "thẳng thắn" về các chính sách tỷ giá hối đoái của các quốc gia thành viên.
Bộ trưởng Mỹ kêu gọi IMF tăng cường giám sát chính sách tiền tệ ảnh 1Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin. (Nguồn: AP)

Ngày 21/2, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin kêu gọi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cung cấp một báo cáo phân tích "thẳng thắn" về các chính sách tỷ giá hối đoái của các quốc gia thành viên.

Lời đề nghị trên của Bộ trưởng Mnuchin được đưa ra trong cuộc điện đàm với Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde. Đây là cuộc thảo luận đầu tiên giữa lãnh đạo IMF và chính quyền tân Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Tổng thống Trump từng nhiều lần chỉ trích chính sách tiền tệ và thương mại của các quốc gia, cụ thể là Trung Quốc, nhằm tạo lợi thế xuất khẩu để cạnh tranh không lành mạnh với các đối tác thương mại.

Trong chiến dịch tranh cử tổng thống hồi năm ngoái, ông Trump cảnh báo sẽ đánh thuế đối với các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc và tuyên bố nước này là quốc gia thao túng tiền tệ - động thái sẽ cho phép Washington đưa ra các biện pháp đáp trả.

Trong bản đánh giá hàng năm mới nhất về tình hình kinh tế Trung Quốc công bố hồi tháng 8/2016, IMF nhận định đồng Nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc "nhìn chung là phù hợp với các quy tắc."

Tuy nhiên, trong năm 2015, đồng NDT đã tăng giá 10% và được đánh giá là "tương đối mạnh" - trái với quan điểm của chính quyền Tổng thống Trump nhìn nhận là đồng tiền yếu.

Đề cập tới vấn đề thâm hụt thương mại, Bộ trưởng Mnuchin cho biết ông mong chờ những lời khuyên về chính sách kinh tế thẳng thắn của IMF đối với các quốc gia thành viên. 

Bình luận về nội dung cuộc thảo luận giữa Tổng Giám đốc IMF và Bộ trưởng Tài chính Mỹ, người phát ngôn IMF Gerry Rice nhận định cuộc điện đàm "mang tính xây dựng" và đề cập tới "hàng loạt vấn đề liên quan lợi ích của các quốc gia thành viên."

Quan chức trên đồng thời cho biết, IMF mong muốn tiếp tục hợp tác hiệu quả và chặt chẽ với giới chức Mỹ. 

IMF thực hiện chức năng giám sát chính sách tiền tệ và kinh tế của 189 quốc gia thành viên, và quy định các thành viên không được thao túng tỷ giá hối đoái nhằm tạo ưu thế cạnh tranh với các nước khác.

Tuy nhiên, trên thực tế, IMF chỉ có thể tác động để những nước tham gia chương trình cho vay của thể chế này thay đổi chính sách./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục