Phát triển nhà ở xã hội tiếp tục là điểm sáng trong năm 2014. Việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản đã thành công khi gắn với chương trình phát triển nhà ở bởi cùng lúc đáp ứng được các yêu cầu về nhà ở của người dân, nhất là phân khúc thu nhập thấp.
Bên lề Hội nghị triển khai công tác năm 2015 của ngành Xây dựng, Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng xung quanh vấn đề này.
- Số lượng nhà ở xã hội và việc tiếp cận quỹ nhà ở này được cải thiện rõ rệt đã góp phần tích cực vào công tác an sinh xã hội, tạo lập được niềm tin cho người dân. Bộ trưởng đánh giá như thế nào về kết quả này?
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Nhà ở xã hội là sự cố gắng rất lớn của Chính phủ và các bộ ngành cũng như các địa phương. Nhu cầu nhà ở xã hội là rất lớn. Có thể nói đến 80% người mua nhà có nhu cầu về nhà ở xã hội. Đây là loại nhà ở có sự hỗ trợ của nhà nước về đất, vay vốn, lãi suất ưu đãi... Tuy nhiên, hiện nhà ở xã hội đang ở giai đoạn đầu phát triển với hệ thống chính sách đang hoàn thiện.
Sau Nghị định 188, Luật Nhà ở cũng có một chương dành riêng về nhà ở xã hội; trong đó quy định rõ đối tượng được mua cùng những chính sách hỗ trợ. Đây là hành lang pháp lý hết sức quan trọng, là môi trường để huy động các nguồn lực cho phát triển nhà ở xã hội.
Phát triển nhà ở xã hội không chỉ trong một vài năm, không chỉ trong ngắn hạn mà nó là lâu dài. Khi thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam mới chỉ 2.000 USD/năm, người dân vẫn rất cần nhà ở xã hội. Ngay cả những nước có thu nhập 50.000 USD/năm, họ cũng vẫn đang tiếp tục phát triển loại hình nhà ở này.
Xác định đây là công việc lâu dài nên chúng ta phải tập trung, quyết liệt, đưa các chương trình nhà ở xã hội trở thành mục tiêu, tiêu chí, một nhiệm vụ chính trị của mỗi ngành, mỗi địa phương. Có như vậy, phát triển nhà ở xã hội mới thực sự đi vào thực chất và người dân sẽ là đối tượng chính được hưởng lợi.
- Ý nghĩ của chương trình phát triển nhà hội đã rõ nhưng để đạt mục tiêu đề ra thì cần những biện pháp cụ thể nào, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Năm 2015, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục để tạo điều kiện cho các dự án nhà ở xã hội phát triển, nhưng vai trò của các địa phương là đặc biệt quan trọng. Các địa phương phải xây dựng được chương trình phát triển nhà ở xã hội, chương trình nhà ở nói chung, sau đó cân đối cung-cầu về nhà ở xã hội để có một lộ trình phát triển theo mục tiêu đề ra trong giai đoạn hàng năm, trung hạn và dài hạn.
Đây sẽ là căn cứ để kêu gọi các nhà đầu tư tham gia. Nhà nước, trong đó có các bộ ngành Trung ương, địa phương tạo mọi điều kiện theo đúng quy định của pháp luật để hỗ trợ cho các doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội; hỗ trợ người dân có đủ điều kiện để loại nhà này, nhất là nguồn tín dụng ưu đãi. Nếu làm được như vậy, chắc chắn việc phát triển nhà ở xã hội sẽ trở thành một chương trình thường xuyên và ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân.
- Hiện việc giải ngân gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng vẫn còn chậm, chưa đạt kết quả như mong đợi. Vậy đâu là hạn chế và trong thời gian tới có giải pháp nào để dòng vốn lưu thông nhanh hơn, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỷ đồng với lãi suất thấp, ưu đãi và sau này sẽ là cả một chương trình lâu dài đã được Nghị định 188 chỉ rõ.
Các ngân hàng thương mại sẽ phải dành tối thiểu 3% dư nợ tín dụng để cho vay với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp cũng như người dân phát triển nhà ở xã hội và mua hoặc thuê nhà ở xã hội. Đây là một chương trình lâu dài nhưng phải đúng đối tượng. Chậm là do nhiều hạn chế và phải tìm cách khắc phục, tháo gỡ, khơi thông nhưng cũng không thể vì “nhanh” mà đưa dòng tiền này phục vụ sai đối tượng.
Ngay như Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đồng tình với quan điểm không chỉ giới hạn trong gói tín dụng 30.000 tỷ này mà phải mở rộng và duy trì gói hỗ trợ tín dụng lãi suất thấp cho Chương trình nhà ở lâu dài. Như vậy có nghĩa là kết thúc gói 30.000 tỷ đồng này, Chính phủ sẽ yêu cầu tiếp tục phải có một gói khác để cho người có nhu cầu có nhu cầu mua nhà ở xã hội vay, người đầu tư nhà ở xã hội được vay. Đây là một yêu cầu lâu dài.
Việc giải ngân nhanh hay chậm gói tín dụng 30.000 tỷ đồng vừa qua còn phụ thuộc vào nguồn cung sản phẩm nhà ở xã hội. Cùng đó là các điều kiện cho vay của ngân hàng vì ngân hàng cũng là doanh nghiệp. Họ tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận nguồn vốn này một cách tiện lợi và dễ dàng nhất nhưng đồng thời cũng phải lo bảo toàn vốn.
Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!