Bộ Xây dựng: Sẽ buộc thu hồi nhà ở xã hội bán, cho thuê sai đối tượng

Việc buộc thu hồi nhà và hoàn trả lại tiền cho bên mua, thuê mua nhà ở xã hội đối với các đối tượng được mua nhà ở xã hội chưa đúng quy định, là giải pháp quan trọng để cải thiện nguồn cung...
Ảnh minh họa. (Nguồn: Hùng Võ/Vietnam+)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Hùng Võ/Vietnam+)

Đưa ra giải pháp giải quyết tình trạng thiếu nhà ở xã hội, nhà ở công nhân cùng những bất cập đang tồn tại kéo dài, đại diện Bộ Xây dựng cho biết bên cạnh việc đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra đã bổ sung biện pháp buộc thu hồi nhà ở xã hội và hoàn trả bên mua, bên thuê mua số tiền đối với các trường hợp bán, cho thuê không đúng đối tượng, gây bức xúc trong xã hội.

Dành 20% quỹ đất phát triển nhà ở xã hội

Hiện nay, để giải quyết thách thức về thiếu nguồn cung nhà ở xã hội, Nghị định số 49/2021/NĐ-CP đã "siết" chặt hơn với các dự án phải dành 20% quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội. Cụ thể, các dự án nhà ở thương mại quy mô từ 2 hécta trở lên tại đô thị đặc biệt và loại I và từ 5 hécta trở lên tại đô thị loại II và III, thì phải bố trí 20% quỹ đất làm nhà ở xã hội.

Theo đại diện Bộ Xây dựng, quy định trên đã góp phần tăng nguồn cung quỹ đất 20% dành để phát triển nhà ở xã hội, gián tiếp tăng nguồn cung nhà ở xã hội và góp phần giảm giá bán nhà ở xã hội.

Đặc biệt, quy định trên đã tạo điều kiện cho các đối tượng là người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp có nhiều cơ hội tiếp cận và mua, thuê, thuê mua nhà ở, yên tâm “an cư lạc nghiệp.”

Cụ thể, trước đây, Nghị định số 100/2015/NĐ-CP quy định dự án phát triển nhà ở thương mại, phát triển đô thị có quy mô sử dụng đất dưới 10 hécta thì chủ đầu tư dự án được lựa chọn hình thức dành quỹ đất 20% để xây nhà ở xã hội; hoặc chuyển giao quỹ nhà ở tương đương với giá trị quỹ đất 20% tính theo giá đất mà chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước tại thời điểm chuyển giao.

Ngoài ra, chủ đầu tư dự án có thể nộp bằng tiền tương đương giá trị quỹ đất 20% theo giá đất mà chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước nhằm bổ sung vào ngân sách địa phương, dành để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên phạm vi địa bàn.

[Kiểm soát nguồn vốn vào bất động sản: Cẩn trọng ‘tác động ngược’]

Thế nhưng, quy định trên của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 4 Điều 1 Nghị định số 49/2021/NĐ-CP theo hướng giảm quy mô sử dụng đất của dự án nhà ở thương mại, khu đô thị "bắt buộc" phải dành quỹ đất 20%, thông qua hai trường hợp.

Thứ nhất, dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị có quy mô sử dụng đất từ 2 hécta trở lên tại các đô thị loại đặc biệt và loại I, hoặc từ 5 hécta trở lên tại các đô thị loại II và loại III, thì phải dành 20% tổng diện tích đất ở trong các đồ án quy hoạch chi tiết được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật dành để xây dựng nhà ở xã hội.

Bộ Xây dựng: Sẽ buộc thu hồi nhà ở xã hội bán, cho thuê sai đối tượng ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Thứ hai, trường hợp dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị có quy mô sử dụng đất nhỏ hơn 2 hécta tại các đô thị loại đặc hiệt và loại I hoặc nhỏ hơn 5 hécta tại các đô thị loại II và loại III, thì chủ đầu tư không phải dành quỹ đất 20%, nhưng phải có nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất cho toàn bộ diện tích đất của dự án...

Buộc thu hồi nhà bán, cho thuê sai đối tượng

Mặc dù đã có những điều chỉnh về quỹ đất để ưu tiên cho phát triển nhà ở xã hội, song đại diện Bộ Xây dựng cũng thẳng thắn thừa nhận công tác phát triển, quản lý nhà ở xã hội hiện vẫn còn có những nội dung tồn tại, vướng mắc cần được sửa đổi trong Luật Nhà ở năm 2014.

Do đó, ngày 11/2/2022, Bộ Xây dựng đã có tờ trình số 08/TTr-BXD trình Chính phủ đề nghị xây dựng dự án Luật Nhà ở (sửa đổi); trong đó đề xuất việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về nhà ở nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của nhà nước trong việc phát triển nhà ở cho nhân dân, đặc biệt là người thu nhập thấp, người nghèo,...

Đặc biệt, liên quan đến giải pháp xử lý tình trạng đối tượng được mua nhà ở xã hội chưa đúng quy định, gây bức xúc trong xã hội, phía Bộ Xây dựng cho biết đã nghiên cứu, xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 16 ngày 28/1/2022 về xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng.

Theo đó, tại điểm b khoản 1, điểm b khoản 6 Điều 64 đã bổ sung và quy định cụ thể hành vi vi phạm về bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội không đúng đối tượng theo quy định và biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thu hồi nhà ở xã hội; buộc hoàn trả bên mua, bên thuê mua số tiền mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội.

Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng đã có các văn bản đôn đốc các địa phương đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra các hành vi vi phạm trong việc bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội và xử lý nghiêm theo quy định.

Ngoài ra, để khắc phục tình trạng thiếu nguồn vốn ưu đãi, vừa qua, Bộ Xây dựng cũng đã đề xuất Quốc hội, Chính phủ ban hành Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội. Trong đó, tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, 2 gói hỗ trợ tín dụng để phát triển nhà ở xã hội đã được ban hành.

Cụ thể là gói hỗ trợ cho vay ưu đãi thông qua Ngân hàng chính sách xã hội đối với cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo chính sách về nhà ở xã hội với tổng nguồn vốn cho vay tối đa là 15.000 tỷ dồng.

Gói hỗ trợ thứ hai là cho vay hỗ trợ lãi suất 2%/năm thông qua hệ thống ngân hàng thương mại cho một số ngành nghề, lĩnh vực, trong đó có xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân mua, thuê và thuê mua, cải tạo chung cư cũ với tổng nguồn vốn để bù lãi suất là 40.000 tỷ đồng…

Hiện tại, Bộ Xây dựng đang tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các chính sách mới để đưa vào dự thảo Luật sửa đổi Luật Nhà ở trình Quốc hội vào tháng 6/2023./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục